Luật sư Trần Quốc Thuận đặt câu hỏi: 3 địa phương Lào Cai, Lai Châu và Sơn La đều là tỉnh miền núi kinh tế khó khăn, xây dựng sân bay để phục vụ ai?

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng các cảng hàng không khu vực Tây Bắc là Cảng Hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), sân bay Lai Châu và Cảng hàng không Lào Cai trong năm 2017.

Trong 3 sân bay trên, Cảng hàng không Lào Cai  được dự kiến sẽ thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc hợp tác công - tư (hợp đồng BOT). Còn hai dự án sân bay Nà Sản, Lai Châu đều dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Xây dựng 3 sân bay tại Tây Bắc để phục vụ ai? - 0

Nhiều ý kiến cho rằng chưa nên xây dựng sân bay Lai Châu vào thời điểm hiện tại. (Ảnh minh họa: KT)​

Theo UBND tỉnh Lai Châu, Dự án xây dựng sân bay Lai Châu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I hết khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là loại sân bay lưỡng dụng vừa phục vụ dân dụng, vừa phục vụ quốc phòng.

Ngay khi kế hoạch phát triển đầu tư xây dựng sân bay khu vực Tây Bắc được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, liên tục thời gian qua UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm ở đây như Đường nối cao tốc Hà Nội – Lào Cai với thành phố Lai Châu, đặc biệt sân bay Lai Châu.

Trước đề xuất này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay dành cho các loại máy bay nhỏ ở đây.

Trong khi đó, kế hoạch xây dựng các sân bay khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về lợi ích kinh tế phía sau những dự án này. Đặc biệt, với Lai Châu, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là "Lai Châu lấy đâu ra 8.000 tỷ để xây sân bay?".

Tiền đâu để làm sân bay?

Xây dựng 3 sân bay tại Tây Bắc để phục vụ ai? - 1

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP. HCM) - ảnh. H.Lực.

Ngoài yếu tố thị trường, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, một dự án không có hiệu quả kinh tế thì dù có tiền không nên thực hiện huống chi ngân sách Việt Nam đang bội tri, nợ công đang ở mức cao.

“Trước khi đưa kế hoạch đầu tư xây dựng sân bay Cục Hàng không Việt Nam cần trả lời câu hỏi tiền đâu để làm sân bay. Không thể lấy tiền ngân sách để làm sân bay trong khi lợi ích kinh tế không có. Cần hạch toán kinh tế tài chính rõ ràng không thể làm bừa”, ông Tống nói.

Trước đó, ông Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, 8.000 tỷ đồng đề xuất để xây dựng sân bay Lai Châu không phải là vốn Nhà nước mà là vốn tư nhân hay còn gọi là vốn xã hội hóa.

Theo ông An, hiện tại các doanh nghiệp của tỉnh và cả nhà đầu tư ngoài tỉnh rất tích cực ủng hộ dự án này. Các doanh nghiệp đều tin tưởng có uy tín, có năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và công nghệ để xây dựng sân bay - tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh Lai Châu.

Đặt giả thiết xây sân bay không làm bằng ngân sách mà bằng nguồn BOT, tuy nhiên theo ông Tống, dù nguồn vốn BOT thì nhà nước phải đánh đổi bằng đất hoặc dự án khác cho doanh nghiệp, tóm lại vẫn gây thiệt hại cho xã hội. Cục Hàng không Việt Nam phải làm lại tất cả chiến lược phát triển hàng không, phát triển sân bay.

Chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Luật sư Trần Quốc Thuận  - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết:

“Muốn đưa ra dự án xây dựng cái gì, phát triển ra sao cũng phải nhìn vào túi tiền của người dân nhìn vào ngân sách, tài chính quốc gia”.

Luật sư Trần Quốc Thuận phân tích:

Tài chính của đất nước dựa vào tiền thuế của dân và doanh nghiệp. Trong đó, chi tiêu thường xuyên đã chiếm đến 70% số tiền thuế. Số tiền còn lại chưa đủ để trả nợ đáo hạn, tái đầu tư. Bên cạnh tiền thuế nguồn tài chính khác là vốn ưu đãi ODA. Tuy nhiên, trước đây Việt Nam nhóm nước kém phát triển nên được hưởng lãi suất ưu đãi còn hiện nay vào nhóm nước trung bình lãi suất bình thường.

“Nói như vậy để thấy ngân sách chúng ta hiện nay hạn hẹp, thu không bù chi, nợ công tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1% GDP, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Với thực tế trên thì tiền ở đâu để xây sân bay”, Luật sư Thuận cho biết.

Ngoài ra ông Thuận cũng đặt câu hỏi 3 địa phương Lào Cai, Lai Châu và Sơn La đều là tỉnh miền núi kinh tế khó khăn, xây dựng sân bay để phục vụ ai?

Liệu những điểm du lịch tại các địa phương trên đã đủ sức hút với khách quốc tế, còn trong nước chắc chắn chỉ bộ phận rất nhỏ người dân tại địa phương có đủ điều kiện đi lại bằng hàng không. Rõ ràng cần xem lại hiệu quả kinh tế, đối tượng khách hàng nhắm đến.

Theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC