Việc TP Hà Nội triển khai ý tưởng xây dựng 5 cổng chào quy mô lớn trên 5 trục đường chính dẫn vào thủ đô đang gợi lên góp ý từ giới kiến trúc.
50 tỉ đồng...
Chiều 22.6, UBND TP Hà Nội chủ trì cuộc họp thảo luận ý tưởng, phương án thiết kế, tổ chức thi công 5 cổng chào tại cửa ngõ vào thủ đô.
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, các đơn vị được TP giao làm chủ đầu tư gồm: Công ty cổ phần Vincom làm cổng chào số 1 trên đường 1A (tại xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) với biểu tượng hai dãy song song 5 cánh chim Lạc Việt; Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) làm cổng số 2 trên tuyến đường cao tốc Nội Bài (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) với hình tượng trống đồng cách điệu; Vinaconex làm cổng chào số 3 nằm trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc với hình tượng trống đồng vươn lên từ đất và nước; Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC làm cổng chào số 4 nằm trên quốc lộ 5 (tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm) với hình tượng hai hàng cột gỗ buồm, cọc gỗ Bạch Đằng; Công ty cổ phần Him Lam làm cổng số 5 nằm trên quốc lộ 1 đi Bắc Ninh - Lạng Sơn (tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm) với biểu tượng 8 con rồng biểu trưng chầu trên mặt trống đồng.
Trong số 5 doanh nghiệp tham gia xây cổng chào cho TP, Công ty cổ phần Him Lam và Công ty cổ phần Vincom đề nghị xây dựng tặng TP Hà Nội, 3 doanh nghiệp còn lại dự định ủng hộ ít nhất 50% kinh phí xây dựng 3 cổng chào được tham gia. Tổng kinh phí xây dựng 5 cổng chào theo dự tính khoảng 50 tỉ đồng. Do đó, kinh phí của TP chỉ phải đảm đương 50% việc xây 3 cổng chào (khoảng 15 tỉ đồng).
... và 14.000m2 đất
Cũng trong ngày 22.6, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho UBND các huyện: Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm làm chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các khu đất để xây dựng các cổng chào.
Trong đó, cổng chào số 1 xây tại khu đất nằm tiếp giáp 2 bên trục đường 1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), với quy mô khoảng 5.000m2 đất. Cổng chào số 2 xây tại khu đất nằm tiếp giáp hai bên trục đường cao tốc Thăng Long - Hà Nội, thuộc thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, với quy mô khoảng 5.000m2. Cổng chào số 4 tại khu đất nằm tiếp giáp 2 bên trục đường quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải Phòng (đoạn từ Km 9+600 đến Km 9+650 và từ mép đường vào 12m) thuộc thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, với quy mô khoảng 1.200m2. Cổng chào số 5 tại khu đất nằm tiếp giáp 2 bên trục đường Hà Nội - Lạng Sơn (đoạn từ Km 152+200 đến Km 152+570 và từ mép đường vào 20m) thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, với quy mô khoảng 2.800m2.
Như vậy, tổng kinh phí để xây dựng 5 cổng chào lớn nói trên không chỉ là 50 tỉ đồng theo dự toán mà còn phải tính đến số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng tổng số 14.000m2 đất ở 3 huyện.
“Không nên đầu tư hoành tráng”
Có ý kiến nhận xét, tốn kém hơn 50 tỉ đồng và 14.000m2 đất để xây dựng 5 cổng chào, phải chăng các nhà đầu tư của chúng ta lại mắc căn bệnh “hoành tráng”?
Tiếp xúc với PV, KTS Phạm Thanh Tùng, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc, cho rằng: “Tôi thấy nên ủng hộ TP Hà Nội, vì việc làm cổng chào là chuyện bình thường khi phải tiếp đón khách, nhất lại là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nên cân nhắc là việc làm cổng chào trong giai đoạn này gấp gáp quá, chỉ còn 100 ngày tới đại lễ. Do vậy, dư luận dễ nghi ngại các hình tượng kiến trúc, nghệ thuật của các cổng chào có được các nhà chuyên môn nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo hay không?”.
Ông Tùng trăn trở: “Theo tôi, lúc này thời gian gấp quá, không nên làm kiên cố bởi vì chúng ta chưa chuẩn bị được ý tưởng lâu dài và sâu sắc cho kiến trúc cổng chào bền vững. Với tấm lòng hiếu khách, chúng ta chỉ nên dựng 5 cổng chào giản dị mà trang trọng sau lễ kỷ niệm thì dỡ đi, đợi đến khi thiết kế được ý tưởng kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng lịch sử thủ đô và đất nước và qua triển lãm, trưng cầu ý kiến, được nhân dân ủng hộ thì mới xây dựng cổng chào kiên cố”.
Đồng quan điểm với ông Tùng, KTS Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho biết: “Xây các cổng chào kỷ niệm 1.000 năm thì không sao cả, còn việc làm như thế nào mới là chuyện đáng bàn. Chi tới 50 tỉ đồng để xây 5 cổng chào, đặc biệt là việc lấy tới 5.000m2 đất (cái bé nhất cũng 1.200m2) để xây một cái cổng chào thì quá tốn đất?”.
Ông Đức góp ý: “Tại cuộc họp với TP, có ý kiến cho rằng việc xây 5 cổng chào chỉ nên có độ bền khoảng 2 năm. Tôi nghĩ như thế là được, vì nếu kiến trúc không hợp lý thì sau 2 năm dỡ bỏ đi thì cũng đỡ lãng phí”.
Theo Thanh Niên.