Một số người ở địa phương tôi đi lao động nước ngoài, sau đó bỏ trốn ra ngoài làm việc để có thu nhập cao hơn. Xin hỏi việc làm của họ bị pháp luật xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09 ngày 4/8/2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - VKSND tối cao - TAND tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài, công dân Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động mà trong thời hạn lao động hoặc hết thời hạn lao động theo hợp đồng đã tự ý trốn ở lại nước ngoài (ở lại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hoặc ở lại nước thứ ba) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam bị coi là ở lại nước ngoài trái phép.

Người lao động có thể bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép hoặc không về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại đều bị coi là trốn ở lại nước ngoài trái phép. Cũng theo Thông tư này, người lao động ở lại nước ngoài trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp buộc về nước nhưng sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt mà người bị xử phạt vẫn không chấp hành quyết định xử phạt.

- Người lao động đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp "buộc về nước", nhưng chưa hết thời hạn một năm kể từ ngày về nước lại được đưa đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động và đã thực hiện một trong các hành vi như bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép và không về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại.

Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại nước ngoài trái phép, người lao động ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Luật sư Bạch Thị Thu Hằng
Công ty Luật Hồng Hà, Hà Nội
Số 8 Đình Ngang, Hoàn Kiếm, Hà Nội
www.hongha.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC