77% người nhận được cuộc điện thoại lừa đảo bị mất tiền - Ảnh: YAHOO FINANCE
77% người nhận được cuộc gọi thoại AI bị mất tiền
Đang ngồi ở nhà, bác sĩ Rudolph Cumberbatch nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ. Khi nhấc máy, ông nhận ra giọng của cháu trai Eddie của mình.
Eddie giải thích anh đang gọi từ Ohio, rằng anh gặp một tai nạn nghiêm trọng và xe bị hư hỏng hoàn toàn. Anh cần gấp 18.000 USD.
Nhưng cha của Eddie ngồi gần đó cảm thấy nghi ngờ. Ông gọi cho Eddie và biết rằng chàng trai 19 tuổi vẫn an toàn trong căn hộ ở Chicago.
Một kẻ lừa đảo bằng giọng nói đã tìm thấy kênh TikTok nổi tiếng của Eddie, lấy mẫu giọng nói của anh bằng công nghệ tổng hợp giọng nói và mạo danh.
Vào tháng 3, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã cảnh báo về sự gia tăng các vụ lừa đảo bằng giọng nói AI.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty phần mềm an ninh toàn cầu McAfee cho thấy trong số 7.000 người được khảo sát, cứ bốn người thì có một người cho biết họ từng gặp lừa đảo bằng giọng nói AI, hoặc biết có người từng bị hình thức lừa đảo này tấn công.
Nghiên cứu tương tự báo cáo rằng 77% những người nhận được cuộc gọi thoại AI đã bị mất tiền.
Trước đây, những kẻ lừa đảo có thể kết nối với các nạn nhân tiềm năng qua email hoặc tin nhắn, nhưng giờ đây chúng có thể sử dụng công nghệ nhân bản giọng nói. Nói cách khác, một kẻ lừa đảo nam có thể gọi cho một ông già cô đơn với giọng nói giả tạo của một phụ nữ trẻ để lừa gạt ông ta.
Việc có thể sao chép giọng nói giờ đây đang tăng cường sức mạnh cho những trò lừa đảo. AI làm cho việc lừa đảo bằng giọng nói trở nên tinh vi hơn.
Đối phó AI lừa đảo ra sao?
Các chuyên gia bảo mật chia sẻ một số cách có thể giảm thiểu nguy cơ bị AI lừa đảo.
Sử dụng "từ khóa mật"
Wasim Khaled, giám đốc điều hành của Công ty an ninh Blackbird.AI, cho biết "từ khóa mật" là một trong những hình thức phòng thủ hiệu quả nhất trước các hành vi lừa đảo bằng giọng nói AI.
Bạn có thể nghĩ ra một từ hoặc cụm từ bí mật làm từ khóa "giao tiếp" với bạn bè, nếu kẻ lừa đảo gọi điện không dùng từ khóa này thì bạn có thể khẳng định đấy không phải bạn mình.
Cài app theo dõi vị trí
Tiến sĩ Michael Skiba, có chuyên môn trong lĩnh vực lừa đảo và tội phạm, cho biết các dịch vụ theo dõi như Find My Friends hoặc Life360 cho phép người dùng xem vị trí của bạn bè họ trên bản đồ. Khi nhận cuộc gọi nghi ngờ mạo danh bạn mình, người dùng có thể dùng app kiểm tra vị trí của họ.
Sàng lọc cuộc gọi
Steve Grobman, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc công nghệ tại McAfee, khuyên mọi người nên sàng lọc các cuộc gọi từ số máy lạ.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động cung cấp tính năng sàng lọc cuộc gọi, trong đó người gọi phải cung cấp thông tin nhận dạng trước khi người dùng trả lời cuộc gọi.
Kiểm tra các hoạt động trên mạng
Kiểm tra các tài khoản và kênh truyền thông xã hội xem giọng nói bạn có xuất hiện trên đó không? Nên cài đặt tài khoản ở chế độ bạn bè hoặc riêng tư thay vì công khai để tránh nguy cơ bị kẻ xấu ăn cắp video bạn đăng và dùng để tổng hợp giọng nói.
Ông Grobman cũng cảnh báo người dùng về sự nguy hiểm của việc để lộ quá nhiều thông tin trên mạng, vì nó chính là “mỏ vàng” cho những kẻ lừa đảo.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online