Chatbot tích hợp AI của Elon Musk đưa ra câu trả lời sai về bầu cử Tổng thống Mỹ
Phần mềm chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) Grok khi được người dùng đặt câu hỏi về quá trình bầu cử tại Mỹ đã đưa ra câu trả lời rằng hiện phiếu bầu đã được chốt tại 8 bang. Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo rút lui khỏi cuộc đua và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay mình tranh cử cho chiếc ghế quyền lực tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, trên thực tế đây là một thông tin hoàn toàn sai sự thật. Hiện các đại biểu Đảng Dân chủ vẫn chưa bỏ phiếu để chọn ra gương mặt đại diện để tranh cử cho vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ.
"Các tiểu bang vẫn chưa in phiếu bầu cho cuộc tổng tuyển cử. Mọi chuyện vẫn chưa có gì chắc chắn", lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Khủng hoảng Bầu cử Mỹ cho biết.
Chatbot tích hợp AI Grok của Elon Musk sử dụng các thông tin trên mạng xã hội X khiến chatbot này thường đưa ra các câu trả lời thiếu tin cậy (Ảnh: Getty).
Ngay cả khi người dùng đưa ra những câu hỏi khác nhau liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, Grok đều đưa ra những thông tin giống nhau và không đúng sự thật.
Thông tin sai lệch do Grok đưa ra đã thu hút sự chú ý của Tổng thư ký bang Minnesota Steve Simon, khiến ông phải lên tiếng đính chính: "Thông tin sai lệch lan truyền trên các trang mạng xã hội nói rằng lá phiếu bầu cử Tổng thống ở bang Minnesota và các bang khác đã hoàn tất, điều này là không chính xác".
Hiệp hội các Tổng thư ký bang (NASS), nơi Simon đang giữ chức chủ tịch, đã liên hệ với X (trước đây là Twitter), mạng xã hội do Elon Musk làm chủ, để hỏi rõ về vấn đề này. Đại diện của X đã từ chối trách nhiệm và cảnh báo rằng các thông tin do Grok đưa ra có thể không chính xác.
Các công ty phát triển chatbot AI đã và đang có những động thái để ngăn chặn các chatbot của mình đưa ra thông tin sai lệch xung quanh các cuộc bầu cử.
Google đã hạn chế Gemini trả lời các câu hỏi liên quan đến bầu cử từ tháng 1. OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT, cũng cho biết đã thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn chatbot của mình đưa ra các câu trả lời không chính xác liên quan đến bầu cử Mỹ.
Trong khi đó, đây không phải là lần đầu tiên Grok đưa ra các câu trả lời sai sự thật về những cuộc bầu cử. Trước đó, chatbot tích hợp AI này đã tuyên bố rằng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, dù trên thực tế cuộc bầu cử vẫn chưa được diễn ra. Narendra Modi sau đó giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và trở thành Thủ tướng Ấn Độ.
Grok là chatbot AI được phát triển bởi xAI, công ty trí tuệ nhân tạo do Elon Musk thành lập. Chatbot này được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 11/2023.
Bên cạnh cơ sở dữ liệu lớn và thông tin từ internet, Grok được đào tạo dựa vào các nội dung công khai do người dùng đăng lên mạng xã hội X, điều này khiến các thông tin do Grok cung cấp đôi khi không chính xác do các nội dung trên X không được kiểm chứng.
Grok được thiết kế để mang tính hài hước và "nổi loạn" hơn so với các chatbot AI khác, thể hiện đúng phong cách của Elon Musk. Tuy nhiên, điều này khiến Grok bị giới công nghệ và các chuyên gia đánh giá thiếu tin cậy hơn so với các chatbot AI khác.
Elon Musk chia sẻ video giả mạo được tạo ra từ AI
Trong khi chatbot AI của Elon Musk cung cấp thông tin sai sự thật về bầu cử Tổng thống Mỹ, đích thân vị tỷ phú này cũng đã chia sẻ lên trang X cá nhân có hơn 191 triệu người theo dõi của mình một đoạn video giả mạo được tạo ra bằng AI.
Đoạn video có nội dung về chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris, người sẽ thay ông Joe Biden ra tranh cử cho chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, đoạn video đã được lồng giọng nói giống của bà Harris được tạo ra bởi phần mềm AI, với các nội dung giả mạo và xuyên tạc.
Elon Musk công khai chia sẻ video giả mạo do AI tạo ra khiến nhiều người phẫn nộ (Ảnh chụp màn hình).
Trong đoạn video đã được chỉnh sửa, Harris đã gọi Tổng thống Biden là một người lẩm cẩm và thừa nhận bản thân "không biết phải làm gì để điều hành đất nước". Giọng nói giả mạo Harris trong đoạn video còn nói rằng bà là sự lựa chọn phù hợp cho vị trí Tổng thống Mỹ vì bà là một phụ nữ và người da màu.
Đoạn video đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem và hàng chục ngàn lượt bình luận sau khi được Musk chia sẻ. Tuy nhiên, đoạn video này đã vi phạm chính sách của X, khi mạng xã hội này cấm chia sẻ "các nội dung bị thao túng hoặc không đúng ngữ cảnh, có thể lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho mọi người và dẫn đến hậu quả xấu".
Đoạn video do Musk chia sẻ đã khiến nhiều cư dân mạng phẫn nộ. Không ít người cho rằng vị tỷ phú này đã lạm quyền, xem thường các quy định trên mạng xã hội X và dung túng nội dung giả mạo chia sẻ trên X.
Kể từ thời điểm Elon Musk mua lại Twitter vào cuối năm 2022, sau đó đổi tên thành X, mạng xã hội này đã trở nên hỗn độn vì những chính sách không nhất quán do Musk đưa ra.
Musk luôn muốn đề cao sự "tự do ngôn luận" trên nền tảng mạng xã hội của mình làm chủ, nhưng lại không kiểm soát được nội dung khiến X tràn ngập các nội dung sai sự thật, kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc…
Theo Theo PCMag/YN