Cô Lý Minh chuyển đến Thẩm Quyến sinh sống vào năm 2013 sau một thời gian dài sống ở Quảng Châu. Vào thời điểm đó, các dịch vụ phát trực tuyến (streaming service) bắt đầu trở nên phổ biến. Nhưng Lý Minh nghĩ rằng việc đăng ký thuê bao truyền hình trực tuyến sẽ rất rắc rối, vì thế, giống như khi ở Quảng Châu, cô Lý đã đăng ký dịch vụ truyền hình cáp địa phương – một lựa chọn quen thuộc ở ngôi làng cô sống.
Nhưng 7 năm sau, mọi thứ đã rất khác. Và không chỉ ở Thẩm Quyến.
“Bây giờ, chẳng mấy ai sử dụng truyền hình cáp”, Lý nói. “Mọi người đều thích truyền hình trực tuyến. Ngay cả bà tôi cũng xem chương trình phát trực tuyến”.
Ngày càng có nhiều người bỏ truyền hình cáp để xem truyền hình trực tuyến. Việc “cắt cáp” ở Trung Quốc thiên về sự tiện lợi vì hầu hết mọi người có thể xem mọi thứ mà họ muốn trên trực tuyến.
Mặc dù nhiều người lớn tuổi ở Trung Quốc vẫn ưa thích truyền hình cáp và đây vẫn là dịch vụ có nhiều thuê bao, nhưng điều đó đang thay đổi nhanh chóng. Theo báo cáo từ Global Data, đến năm 2021, truyền hình cáp được dự đoán sẽ thua IPTV. IPTV chính là hình thức truyền hình trực tuyến – truyền tải các chương trình truyền hình qua giao thức Internet chuyên dụng.
Người ta thích sự đơn giản, dễ truy cập của IPTV. Những người trẻ tuổi Trung Quốc đã tìm đến IPTV từ nhiều năm qua. Xét cho cùng, ngày nay việc dựa vào một hộp chuyên dụng (TV box của truyền hình cáp) duy nhất để truyền tải nội dung tivi dường như đã lỗi thời. Nhiều người thích xem các nội dung truyền hình trên điện thoại khi họ đang di chuyển, hoặc xem trên máy tính bảng khi họ nằm trên giường và có thể đưa nội dung đó lên tivi khi thuận tiện.
“Bây giờ tôi thậm chí không sử dụng TV box. Tivi của tôi có Wi-Fi và tôi chiếu các chương trình từ điện thoại của mình”, Lý nói.
Cô Lý bắt đầu đăng ký thuê bao truyền hình trực tuyến từ năm 2014, đó cũng là năm ngành truyền hình Trung Quốc có sự thay đổi nhanh chóng.
Đó là lúc Trung Quốc ban hành quy định mới trong truyền dẫn các chương trình thể thao, chấm dứt độc quyền phát sóng thể thao của Đài truyền hình trung ương CCTV. Điều này cho phép các công ty tư nhân đấu thầu bản quyền các sự kiện thể thao nước ngoài như Thế vận hội và World Cup.
Chính sách mới đã giúp thay đổi cuộc chơi đối với các dịch vụ phát trực tuyến – thuật ngữ chuyên ngành gọi là OTT (Over The Top). Cụ thể hơn, OTT là tất cả các dịch vụ gia tăng trên Internet (gồm truyền hình IPTV, VoD, VOIP, nhắn tin…) do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung đưa đến cho người dùng.
Poster quảng cáo dịch vụ truyền hình trực tuyến của iQiyi
Sau khi có chính sách mới, những người khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã mua được bản quyền các giải đấu thể thao lớn. Chẳng hạn như giải bóng rổ nhà nghề Bắc Mỹ (NBA) vốn cực kỳ thu hút người Trung Quốc. Mùa giải 2018 - 2019 có 800 triệu thuê bao đăng ký kênh trực tuyến của Tencent để xem giải đấu này. Dự kiến Tencent có thể phải trả 1,5 tỷ USD để mua bản quyền NBA trong 5 năm tới để giữ chân các thuê bao của mình. Hiện Tencent Video là gã khổng lồ trong lĩnh vực phát trực tuyến thể thao.
Một công ty tiên phong phát trực tuyến khác của Trung Quốc là LeTV cũng đã chi rất nhiều tiền cho việc độc quyền phát sóng các chương trình thể thao trước khi gặp khó khăn về tài chính.
Đa phần những người còn lưu luyến với truyền hình cáp là vì có các chương trình đặc sắc, đặc biệt là tin tức của CCTV. Tuy nhiên, đối với những người như cô Lý Minh thì đó không phải là vấn đề, bởi cô vẫn có thể xem tin tức trên mạng. Nhiều kênh tin tức của các tỉnh cũng có trên IPTV hoặc trên các nền tảng như Toutiao - ứng dụng tin tức thống trị Trung Quốc.
Thống kê cho thấy một số chương trình truyền hình được xem nhiều nhất của Trung Quốc hiện đang phát trực tuyến độc quyền trên các nền tảng như iQiyi của Baidu, Youku của Alibaba và Tencent Video. Theo công ty phân tích dữ liệu Enlightent, 8 trong số 20 chương trình hàng đầu ở Trung Quốc đã được công chiếu trực tuyến vào năm ngoái.
"Ỷ thiên Đồ long ký" công chiếu trên Tencent Video và trở thành một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất Trung Quốc năm 2019 (ảnh: Handout)
Trung Quốc hiện có 850 triệu người dùng video trực tuyến. Tổng số tài khoản trả tiền cho iQiyi, Tencent Video, Youku và Bilibili là 339 triệu, nhiều hơn cả dân số của Hoa Kỳ, với nhiều người đăng ký trả tiền cho hơn một dịch vụ. Để so sánh, Trung Quốc hiện chỉ có 142 triệu thuê bao truyền hình cáp.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình quốc gia Trung Quốc, doanh thu của các mạng truyền hình cáp Trung Quốc đã chậm lại trong nhiều năm và nó đã giảm kể từ năm 2017. Doanh thu năm 2017 giảm hơn 8% và năm 2018 giảm 7% xuống còn khoảng 11 tỷ USD.
Anh Tuấn, 24 tuổi, đã ra trường và đi làm được vài năm. Sở thích của anh sau những giờ làm việc căng thẳng là nghe nhạc và xem phim online. Đã lâu lắm rồi Tuấn không xem phim trên truyền hình cáp tại nhà vì anh bảo “có ít bộ phim đặc sắc”.
Hiện tại ở Việt Nam có nhiều đơn vị đang cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, trong đó phải kể đến VTVCab (Truyền hình cáp Việt Nam), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), HCATV (Truyền hình cáp Hà Nội), HTVC (Truyền hình cáp thành phố Hồ Chí Minh), THVLC (Truyền hình cáp Vĩnh Long), truyền hình cáp của FPT, VTC, Viettel, VNPT.
Cũng giống như Trung Quốc, đa phần các hộ gia đình Việt Nam hiện nay đều đăng ký một dịch vụ truyền hình cáp. Nhưng các thành viên trẻ tuổi trong gia đình thường không chú tâm xem truyền hình cáp mà thường đăng ký một dịch vụ trực tuyến để xem phim hoặc nghe nhạc như Netflix, Galaxy Play, FPT Play, Spotify hay Zing mp3…, hoặc thậm chí lên các trang web phim lậu để xem.
Anh Tuấn là một trong số hàng triệu người trẻ tuổi thường vào các trang web phim lậu để xem phim. Những website này thường cập nhật rất nhanh các bộ phim của Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam cũng như các “bom tấn” từ Hollywood. Nhà chức trách đã nhiều lần ngăn chặn các trang web phim lậu, nhưng chúng liên tục thay đổi tên miền để tồn tại. Chẳng hạn như trang phimmoi.com đã đổi thành phimmoi.org, rồi phimmoi.net. Sau khi bị chặn, họ tiếp tục đổi thành phimmoiz.net rồi phimmoizz.net.
Trong một cuộc hội thảo được tổ chức năm 2019 về bản quyền truyền hình, đại diện của các nhà đài đều cho rằng hiện nay họ đang gặp phải thách thức rất lớn từ các công ty cung cấp dịch vụ OTT nước ngoài và cả các web phim lậu. Trong khi các nhà đài phải chịu kiểm duyệt khá gắt gao về mặt nội dung thì các nhà cung cấp OTT nước ngoài lại chưa bị quản chặt cả về thuế và kiểm duyệt, do Việt Nam chưa có những quy định cụ thể đối với đối tượng này.
Sự cạnh tranh gay gắt của các dịch vụ nội dung trực tuyến đã khiến các công ty truyền hình cáp lớn mặc dù chưa thua lỗ vào thời điểm này, nhưng kết quả kinh doanh ghi nhận trong giai đoạn gần đây cho thấy những tín hiệu không lạc quan.
Chẳng hạn như VTVcab, kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2018 và nửa đầu năm 2019 cho thấy lợi nhuận không đáng kể. Nửa đầu năm 2019, VTVcab đạt doanh thu 1.031,8 tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 32,5 tỷ đồng. Kết quả này cũng không “khá khẩm” gì hơn năm 2018 khi doanh thu đạt 2.323 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 62,6 tỷ đồng. 60% doanh thu của VTVcab đến từ mảng dịch vụ truyền hình và Internet, 30% còn lại là từ các dịch vụ quảng cáo, bản quyền.
Tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu VTVcab (CAB) lần đầu tiên chào sàn UPCoM nhưng hết phiên không có cổ phiếu nào được giao dịch. Nhà đầu tư tỏ ra thờ ơ với CAB, nguyên nhân có thể là do mức giá chào bán khá cao (140.900 đồng/cp) trong khi lợi nhuận nhỏ, cổ tức không rõ ràng. Sau hơn 1 năm chào sàn, đến nay CAB gần như mất hút trên thị trường chứng khoán.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó hướng tới cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình quốc tế được kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Khi có nhiều “người chơi” tham gia tranh giành thị phần, các công ty truyền hình cáp sẽ phải nỗ lực đổi mới dịch vụ nếu không muốn thua lỗ.
Hiện tại thì đa phần các công ty cung cấp truyền hình cáp đều đã đa dạng hóa dịch vụ kinh doanh, chẳng hạn như cung cấp thêm dịch vụ Internet tốc độ cao, hay combo dịch vụ điện thoại + truyền hình + Internet.
Anh Tuấn nói với chúng tôi rằng mấy tháng nữa khi hết hợp đồng truyền hình cáp, anh sẽ trở thành một “cord-cutter” (thuật ngữ tiếng Anh chỉ những người không dùng truyền hình cáp nữa). “Khi gần như mọi thứ có thể xem trên mạng, không cần phải tốn thêm tiền cho cáp nữa”, Anh Tuấn nói.
Nguồn: viettimes.vn