Nhật Bản là một trong những quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng, đặc biệt trong những lĩnh vực lao động chân tay và cần sức khỏe.
Tình trạng thiếu hụt lao động này được dự đoán sẽ càng trở nên nghiêm trọng trong năm 2024, khi những quy định mới về làm thêm giờ đối với tài xế xe tải tại Nhật Bản có hiệu lực. Truyền thông Nhật Bản đã gọi tình trạng thiếu hụt lao động tại quốc gia này là "vấn đề năm 2024", cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc thiếu hụt lao động tại đây.
Theo thống kê từ Bộ Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến hết năm 2022, số giờ làm việc trung bình hàng năm của một tài xế xe tải hạng nặng tại Nhật Bản là 2.568 giờ, nhiều hơn 444 giờ so với mức trung bình của nhiều quốc gia khác.
Một robot được trình diễn tại iREX 2023 (Ảnh: Kawada Robotics).
Trong đó, thời gian vận chuyển hàng hóa từ kho bãi lên xe tải và ngược lại tiêu tốn nhiều thời gian, cũng như công sức nhất của tài xế xe tải. Để giải quyết vấn đề này, các hãng công nghệ tại Nhật Bản đã giới thiệu các giải pháp robot hậu cần và bốc xếp hàng hóa, giúp giải phóng sức lao động và giảm giờ làm cho các tài xế xe tải hạng nặng.
Nhiều mẫu robot hiện đại, thông minh, có khả năng phân loại, bốc xếp hàng hóa với cường độ làm việc nặng đang được các hãng công nghệ giới thiệu và trình diễn tại triển lãm robot Quốc tế (iREX), đang diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản).
iREX (International Robot Exhibition) là một trong những triển lãm robot lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm một lần tại Tokyo, Nhật Bản. Triển lãm được tổ chức bởi Hiệp hội Robot Nhật bản (JARA) và Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR).
Triển lãm năm nay đã thu hút hơn 650 công ty công nghệ và robot từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó nhiều hãng công nghệ robot tại Nhật Bản đã giới thiệu nhiều sản phẩm giúp giải quyết "vấn đề năm 2024", nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản.
Hầu hết những robot được trình diễn tại iREX năm nay là những mẫu robot hậu cần và bốc vác, có khả năng vận chuyển hàng hóa một cách nhanh chóng từ kho hàng đến xe vận tải và ngược lại.
"Giới hạn làm thêm giờ của chính phủ là một bước quan trọng để cải thiện điều kiện làm việc cho nhân viên. Robot công nghiệp sẽ mang lại những giải pháp tuyệt vời, giúp tự động hóa, giảm giờ làm, thay thế con người làm những công việc nặng nhọc, buồn tẻ và nguy hiểm, giúp nâng cao hiệu suất", Takayuki Ito, Phó chủ tịch Liên đoàn Robot Quốc tế cho biết.
Theo Takayuki Ito, robot còn giúp giảm thiểu sai sót khi làm những công việc lặp đi lặp lại như lấy hàng, đóng gói, phân loại hàng hóa… Ông Ito cho rằng robot cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ gây ra tai nạn lao động cho con người.
Không chỉ tại Nhật Bản, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng robot công nghiệp vào các dây chuyền vận tải hậu cần và sản xuất. Theo báo cáo của Liên đoàn Robot Quốc tế, số lượng robot công nghiệp được bán ra đã tăng đến 44% trong năm 2022 so với một năm trước đó.
Vấn đề đặt ra đó là liệu lực lượng lao động có sẵn lòng chia sẻ công việc của mình với đội ngũ robot hay không, khi nhiều người sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thu nhập, thay vì để robot thay thế và chiếm lấy công việc của mình.
Theo YN/IFR
Nguồn: Báo điện tử Dân trí