Bài viết dưới đây sẽ cho chúng ta cái nhìn tổng quát về lực lượng máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc.  

Nhiều năm liên tục, Trung Quốc đầu tư rất nhiều cho việc phát triển máy bay không người lái (UAV). Đến nay, quân đội Trung Quốc có lực lượng UAV lớn nhất thế giới, với khoảng 400 chiếc đang được sử dụng. Số lượng này còn tăng đáng kể trong thời gian tới, khi các trung tâm nghiên cứu và phát triển UAV của Trung Quốc hoàn thành thử nghiệm sản phẩm toàn diện và chuyển sang sản xuất hàng loạt.

UAV được sử dụng nhiều trong các quân chủng của quân đội Trung Quốc (PLA). Bộ Tổng tham mưu và lực lượng pháo binh 2 được biên chế chủ yếu các UAV để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược; không quân, hải quân và lục quân được biên chế chủ yếu các UAV chiến thuật, chiến dịch.

Bộ Tổng tham mưu

Bộ Tổng tham mưu PLA điều hành chung các đơn vị UAV trong tác chiến liên hợp quân binh chủng. Trong đó, Cục tình báo (Cục 2) quản lý một lượng khá lớn UAV tại một số sân bay xung quanh thủ đô. Đoàn 61.135 được trang bị UAV quan sát tầm thấp BZK-005 có khả năng bay ở độ cao 8.000m trong thời gian 40 giờ.

1 Quan Doi Trung Quoc Bo Tri May Bay Khong Nguoi Lai Nhu The Nao

UAV BZK-005. Ảnh: Wikipedia

Cục Trắc địa và Hàng hải được trang bị UAV Daofeng-300, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra trên biển; đo đạc, vẽ bản đồ và thu thập dữ liệu địa lý theo yêu cầu.

Lực lượng pháo binh 2

Lực lượng pháo binh 2 được trang bị UAV làm nhiệm vụ xác định mục tiêu là tên lửa đạn đạo thông thường và có gắn đầu đạn hạt nhân của đối phương; trinh sát và hỗ trợ thu thập số liệu, hiệu chỉnh đạn khi bắn mục tiêu; thực hiện các nhiệm vụ chiến lược khi có yêu cầu...

UAV của lực lượng pháo binh 2 được bố trí ở: Đơn vị 96.180 và đơn vị 96.605, tỉnh Phúc Kiến; đơn vị 96.626, tỉnh Chiết Giang; đơn vị 96.212, tỉnh Quảng Đông. UAV trang bị cho các căn cứ tên lửa thuộc lực lượng pháo binh 2 gồm: Căn cứ 52, tỉnh An Huy; căn cứ 53, tỉnh Vân Nam; căn cứ 54, tỉnh Phúc Kiến.

Không quân

Không quân Trung Quốc (PLAAF) có một lữ đoàn UAV đóng tại quân khu Nam Kinh (đơn vị 94.691), với 5 đơn vị trực thuộc ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, trong đó có 2 đơn vị được trang bị loại UAV J-6. PLAAF đang đẩy nhanh việc đưa vào sử dụng loại UAV có thể bay theo đội hình, nạp nhiên liệu trên không, cất và hạ cánh độc lập; máy bay chiến đấu không người lái đa dụng tác chiến tầm xa; UAV có thể mang tên lửa phòng không tác chiến chống máy bay của đối phương.

Gần đây, không quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng loại máy bay chiến đấu không người lái tàng hình GJ-11, do Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương thuộc Đại học hàng không vũ trụ Thẩm Dương và Tập đoàn công nghiệp hàng không hợp tác thiết kế, được đánh giá là hiện đại hàng đầu thế giới. GJ-11 dài khoảng 10m, sải cánh 14m, trọng lượng cất cánh 10 tấn, được lắp động cơ phản lực WS-19 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, có bán kính chiến đấu hơn 1.500km, thời lượng bay liên tục hơn 6 giờ.

Đây là loại UAV tấn công tốc độ cao cánh dơi tàng hình, có thể mang nhiều bom dẫn đường có cánh lượn và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu như đột kích đường không và chế áp hệ thống phòng không đối phương. GJ-11 có thể hoạt động như một máy bay chiến đấu độc lập, cũng có thể phối hợp với máy bay chiến đấu tàng hình J-20 để tạo ra cuộc tấn công tàng hình tốc độ cao kiểu "bầy sói" và giành quyền khống chế trên không.

Hải quân

Từ nhiều năm nay, hải quân Trung Quốc (PLAN) có trong biên chế một trung đoàn UAV, trang bị chủ yếu loại trực thăng không người lái V750. PLAN đang tổ chức một trung đoàn UAV mang tên lửa tầm xa.

Lục quân

Lục quân Trung Quốc (PLA) sử dụng các UAV để trinh sát, chỉ thị mục tiêu; hỗ trợ cho các hệ thống phóng tên lửa đa nhiệm và pháo tầm xa. UAV trinh sát chủ yếu của lục quân gồm: BZK-001, BZK-002, BZK-006.

Nguyên Phong

Nguồn: vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC