Facebook từng thừa nhận rằng họ giám sát nội dung trong tin nhắn riêng tư của người dùng, vì thế, Messenger đang thu thập một lượng dữ liệu vô cùng khủng khiếp.

Facebook kiếm tiền từ dữ liệu người dùng, hay nói cách khác, cung cấp thông tin cá nhân là cách mọi người đang trả cho các dịch vụ "miễn phí" của Facebook. Điều này càng được khẳng định khi hai nhà nghiên cứu về khay nhớ tạm trên iOS - Tommy Mysk và Talal Haj Bakr - tiết lộ rằng Messenger đã tự động tải xuống các tệp đính kèm riêng tư, các đường link và trang web... được gửi giữa người dùng với nhau.

42 1 Tai Sao Nen Ngung Su Dung Facebook Messenger

Các tin nhắn của người dùng trên Messenger có thể bị Facebook giám sát. Ảnh: SmartphoneBD.

Năm 2019, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, cho rằng việc nhắn tin riêng tư sẽ dần trở thành một thói quen mới, thay thế nhu cầu chia sẻ mọi thứ, mọi nơi một cách công khai. Mạng xã hội này cũng lên kế hoạch tích hợp với WhatsApp và Instagram, tạo ra một khối nền tảng liên lạc "khổng lồ" phục vụ gần 3 tỷ người dùng.

Năm ngoái, Facebook hứa hẹn với công chúng và các nhà lập pháp rằng họ đang nỗ lực mã hóa đầu cuối mặc định cho Messenger. "Mọi người có quyền được giao tiếp an toàn và riêng tư với bạn bè và người thân mà không bị bất cứ ai, kể cả Facebook, nghe trộm hoặc giám sát các cuộc hội thoại", Jay Sullivan của Facebook tuyên bố với Uỷ ban Thượng viện Mỹ năm 2019. Bà Sullivan cũng khẳng định thêm rằng Facebook đang nỗ lực tạo ra một nền tảng giao tiếp rộng rãi và riêng tư để người dùng có thể gửi thông tin y tế và tài chính mà không sợ nó rơi vào tay kẻ trộm danh tính hay những người xấu.

Việc bảo mật trên Messenger có thể dễ dàng giải quyết bằng phương pháp mã hoá đầu cuối. Theo các chuyên gia bảo mật, mã hóa đầu cuối nên là tính năng mặc định trên bất kỳ nền tảng nào vì nó giúp mọi người gọi điện và nhắn tin từ mọi nơi trên thế giới một cách an toàn và riêng tư, tránh khỏi sự theo dõi của kẻ xấu và sự thăm dò của chính phủ. Thế nhưng, trong khi Facebook vẫn còn thiếu sót về vấn đề này, mã hoá đầu cuối đã được WhatsApp sử dụng cho hơn hai tỷ người dùng của mình.

2 năm trôi qua, mọi thứ trên Messenger vẫn vậy. Facebook vẫn "giám sát" nội dung của người dùng và bạn sẽ nhận ra thông tin cá nhân, y tế, tài chính vẫn nằm trong lượng lớn các trường dữ liệu mà Facebook thu thập qua nền tảng Messenger.

Vì vậy, lời khuyên mà Forbes đưa ra là nếu vẫn đang sử dụng Messenger hoặc Direct Message trên Instagram cho những vấn đề cá nhân ngoài việc liên lạc thông thường, đã đến lúc chuyển sang ứng dụng có mã hóa, như WhatsApp, Signal... Người dùng có thể lựa chọn WhatsApp vì sự tiện dụng, hoặc chọn Signal nếu ưu tiên việc liên lạc theo nhóm.

Diễm Quỳnh (theo Forbes)

Nguồn: vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC