Theo Financial Times, mỗi ngày kênh Telegram Gun Shop America đều đặn đăng tải những bức ảnh về đủ loại hàng hóa bất hợp pháp để bán cho gần 26.000 người đăng ký. Đơn cử, kênh này đăng bán một khẩu Glock 9mm kèm đạn với giá 500 USD, cocaine Bolivian giá 1.000 USD, một thẻ ngân hàng được làm giả có giá 5.000 USD.
Một kiểu "web đen" thế hệ mới
Đây chỉ là một trong số hàng chục nghìn hội nhóm và kênh Telegram được các chuyên gia tội phạm học và an ninh mạng theo dõi. Các chuyên gia nhận định rằng nền tảng nhắn tin này đã trở thành một kiểu "web đen" thế hệ mới. Nơi đây, những kẻ vi phạm pháp luật và tin tặc mạng ngang nhiên trao đổi các dịch vụ bất hợp pháp mà không phải chịu trách nhiệm.
"Telegram đã trở thành phương tiện truyền thông xã hội dành cho tội phạm có tổ chức. Nó thực sự giống như 'miền tây hoang dã' ngoài kia", Haywood Talcove, giám đốc cấp cao của LexisNexis Risk Solutions, nhận định.
Kể từ khi thành lập Telegram vào năm 2013, CEO Pavel Durov đã định hướng nền tảng này tập trung vào quyền riêng tư, đồng thời trở thành một giải pháp thay thế cho các ứng dụng của Big Tech.
Vị CEO người Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng Telegram là nền tảng trú ẩn an toàn, chống lại việc kiểm duyệt. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến cho Telegram trở thành một thanh nam châm thu hút giới tội phạm.
"Các nhà đầu tư nên lo lắng về thế giới tội phạm ngầm và cả các vấn đề nghiêm trọng khác tại Telegram", Jeff Allen, đồng sáng lập kiêm giám đốc nghiên cứu của Integrity Institute, chia sẻ.
Một báo cáo khác từ tờ New York Times cho biết Telegram là nơi diễn ra nhiều cuộc thảo luận giữa những kẻ ấu dâm. Thậm chí, chúng còn trao đổi thông tin cho nhau một cách công khai.
Durov cho biết Telegram luôn tích cực kiểm duyệt hoạt động tội phạm trên các phần công khai của nền tảng và xóa "hàng triệu nội dung có hại" mỗi ngày. Vị CEO nói thêm rằng nền tảng này liên tục phản hồi các báo cáo của người dùng và chủ động sử dụng phần mềm kiểm duyệt để đánh dấu nội dung bất hợp pháp.
Các nguyên tắc cộng đồng đã công bố của Telegram về việc kiểm duyệt rất sơ sài. Họ tuyên bố rằng Telegram không cho phép thư rác và lừa đảo, khiêu dâm bất hợp pháp hoặc quảng bá bạo lực trên "các kênh Telegram có thể xem công khai".
Công ty có một nhóm chính sách nhỏ gồm khoảng 10 người, cũng như hàng trăm người kiểm duyệt hợp đồng bên ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về cách mà Durov, người chịu trách nhiệm cuối cùng quyết định kiểm duyệt, đang áp dụng các chính sách như thế nào.
Một báo cáo từ Business World cho biết trong giai đoạn tháng 5-6 vừa qua, tỷ lệ tội phạm mạng hoạt động trên nền tảng Telegram đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tội phạm mạng hoạt động trên nền tảng Telegram liên tục tăng cao (Ảnh: zf).
Sự gia tăng trên cho thấy xu hướng ngày càng nhiều tội phạm mạng sử dụng Telegram cho các hoạt động phi pháp. Nền tảng nhắn tin này đã bị lạm dụng trở thành nơi để tin tặc mua bán, trao đổi cơ sở dữ liệu bị đánh cắp và giao dịch nhiều dịch vụ bất hợp pháp khác.
Các chuyên gia bảo mật tại Kaspersky nhận định rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy Telegram trở thành nền tảng yêu thích của nhóm đối tượng tội phạm mạng. Trước tiên, đây là một nền tảng phổ biến với hơn 900 triệu người dùng hàng tháng.
"Telegram được quảng cáo là ứng dụng nhắn tin an toàn, độc lập và không thu thập dữ liệu của người dùng. Điều này mang lại cảm giác an toàn cho những người sử dụng.
Việc tìm kiếm và kết nối cộng đồng trên Telegram cũng tương đối dễ dàng. Những yếu tố này cho phép tội phạm mạng có thể nhanh chóng kết nối các kênh khác nhau, thu hút được lượng người quan tâm lớn", Alexey Bannikov, chuyên gia phân tích tại Kaspersky, chia sẻ.
Bước ngoặt có thể thay đổi Telegram?
Theo lộ trình, Telegram sẽ sớm đạt được cột mốc 1 tỷ người dùng trong năm nay và hướng tới mục tiêu 1,5 tỷ người dùng vào năm 2030. Để duy trì hoạt động độc lập, CEO Durov sẽ cần tìm thêm nguồn tiền từ việc kêu gọi đầu tư, dự định IPO và bán quảng cáo. Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi sau khi Durov bị bắt.
Cụ thể, tỷ phú Pavel Durov đã bị bắt giữ tại sân bay Bourget, Pháp vào khoảng 20h ngày 24/8 (giờ địa phương). Chính quyền Pháp đã ban hành lệnh bắt giữ doanh nhân công nghệ này sau cuộc điều tra sơ bộ.
Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Telegram Pavel Durov đã bị bắt giữ tại Pháp vào tối 24/8 (Ảnh: Gadgets 360).
Doanh nhân gốc Nga bị cáo buộc 12 tội danh, bao gồm tạo điều kiện cho tội phạm ma túy, rửa tiền, tội phạm có tổ chức, tiếp tay cho hoạt động lan truyền các nội dung ấu dâm. Ngoài ra, Durov cũng đang bị điều tra vì từ chối hợp tác với các cuộc điều tra tội phạm mạng và tội phạm tài chính.
Điều tra hình sự ở Pháp do các thẩm phán đặc biệt đảm nhiệm và các cáo buộc như cáo buộc chống lại ông Durov thường được công bố trước khi các nhà điều tra thu thập xong bằng chứng.
Quá trình điều tra có thể mất nhiều năm và giới chức trách có thể hủy bỏ cáo buộc bất cứ lúc nào nếu không tìm thấy đủ bằng chứng về tội phạm. Cuộc điều tra nhằm vào ông Durov bắt đầu từ tháng trước, do các cơ quan chống tội phạm mạng, phòng chống gian lận đảm nhiệm.
Về phía Telegram, công ty này khẳng định CEO của họ không phải chịu trách nhiệm cho việc nền tảng này bị lạm dụng.
"Ông Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi lại ở châu Âu. Thật vô lý khi tuyên bố một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm về việc nền tảng đó bị lạm dụng.
Gần một tỷ người dùng trên toàn cầu sử dụng Telegram làm phương tiện liên lạc và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp kịp thời cho vụ việc này", Telegram cho biết trong một tuyên bố mới nhất.