Các đại gia công nghệ như Facebook, Baidu vừa công bố những hình ảnh đầu tiên của vũ trụ ảo (metaverse) do họ sản xuất. Theo như thông tin được 2 công ty chia sẻ, metaverse khi hoàn thiện giúp cho người dùng có thể tham quan bất cứ đâu. Tất cả chỉ với chiếc kính thực tế ảo. Baidu còn hứa hẹn giúp người dùng trải nghiệm mà không cần đến kính VR.
“Đến năm 2030, phần đông dân số trên thế giới sẽ tham gia vào metaverse. Sự giao thoa giữa công nghệ sinh học, nhận dạng cảm xúc và dữ liệu lớn giúp các công ty tạo ra nhiều phiên bản metaverse phù hợp với cá tính mỗi người”, bà Melanie Subin, giám đốc Viện Dự đoán New York chia sẻ.
Vũ trụ ảo của Baidu. Ảnh: Technode.
Ông Patrick Cozzi, Giám đốc công ty đồ họa 3D Cesium tin rằng kính VR, AR sẽ thông dụng như điện thoại thông minh bây giờ. Kính thực tế ảo như Oculus sẽ trở thành một món quà thời thượng vào các dịp lễ. Dần dần mọi người sẽ sử dụng 2 thiết bị trên để gặp gỡ bạn bè, mua sắm hay du lịch trực tuyến mỗi ngày.
Những thành tựu metaverse đang có
Game là lĩnh vực đang gặt hái nhiều kết quả nhờ vào metaverse. Trò chơi Fortnite đã mời ca sĩ Ariana Grande tham gia biểu diễn dạng concert trong game. Doanh thu từ việc bán các vật phẩm gắn với sự kiện này đạt mốc 20 triệu USD.
Các cơ quan chính phủ cũng chạy theo xu hướng. Tháng 9/2021, thành phố Seoul là nơi đầu tiên tuyên bố sẽ phát triển metaverse cho các hoạt động tại đây. Chính quyền thủ đô Hàn Quốc cho biết họ tập trung phát triển “hệ sinh thái vụ trụ ảo hỗ trợ việc kinh doanh, du lịch, giáo dục và một số dịch vụ dân sự khác”.
Cơ quan này cho biết nền tảng không gian ảo hỗ trợ người dùng tham quan các địa điểm nổi tiếng tại Seoul sẽ ra mắt vào đầu năm 2023.
Tham gia các hoạt động trong metaverse giúp cơ thể được vận động và nâng cao sức khỏe của người chơi. “Vũ trụ ảo đem lại nhiều lợi ích thực tế. Nhờ vào kính VR và ứng dụng leo núi The Climb, tôi đã làm quen với cảm giác chinh phục đỉnh cao. Trải nghiệm qua metaverse rất sát với cảm giác thực”, Catherine Allen, giám đốc công ty tư vấn Limina Immersive chia sẻ.
Cuộc đua trong lĩnh vực thời trang số đang ghi nhận các tay chơi lớn như Gucci, Balenciaga, Dior. Các trang phục ngoài đời thực được số hóa và bán cho các game thủ muốn nâng cấp hình ảnh nhân vật của mình. Nike cũng tham gia bằng việc mua lại công ty giày ảo RTFKT, đơn vị có doanh thu 3 triệu USD nhờ bán 600 đôi giày số trong game.
Sản phẩm của công ty RTFKT. Ảnh: RTFKT.
Hermès, đại gia thời trang của Pháp cũng tấn công metaverse. Ngày 17/12, họ cho ra mắt MetaBirkin NFT với thiết kế giống với phiên bản ngoài đời thực của dòng sản phẩm này. Với nguồn cung chỉ 100 bản, mức giá Token của chiếc túi ảo này chạm mốc 54.000 USD.
Đất ảo trở thành cơn sốt trong thời gian qua. Decentraland bỗng nhiên là tâm điểm của giới đầu tư bất động sản khi nhiều tổ chức đổ tiền vào với mục tiêu sở hữu các mảnh đất tại đây. Công ty Tokens.com lập kỷ lục với việc mua khu đất ở trung tâm quận thời trang của Decentraland với giá 2,4 triệu USD.
“Thay vì xây dựng một vũ trụ cho riêng mình, tại sao chúng ta không đến các metaverse, mua đất và sau đó đem cho thuê?”, Andrew Kiguel, CEO của Tokens.com chia sẻ với New York Times.
Bộ sưu tập NFT MetaBirkin. Ảnh: Fashion United.
Giới y học cũng có nhiều lợi thế khi ứng dụng sớm công nghệ này. Các bác sĩ nội trú tại đại học y khoa UCon đang sử dụng kính VR Oculus để tập luyện cho các ca phẫu thuật xương khớp và làm quen với những lỗi sai thường gặp trước khi trực tiếp tham gia các ca mổ. “Kính VR giống như giấy hướng dẫn đặt trước mặt”, bác sĩ Timothy Witham, giám đốc khoa thần kinh bệnh viện John Hopkins chia sẻ.
Quân đội một số quốc gia cũng đã áp dụng kính VR trong việc điều trị các căn bệnh tâm thần, di chứng xảy ra do chiến tranh hoặc các vấn đề tâm lý.
Các thách thức metaverse cần giải quyết
Thử thách lớn nhất mà metaverse sẽ gặp phải chính là việc kết nối cả 5 giác quan vào các trải nghiệm trong vũ trụ ảo. “ Kính VR/AR hiện tại chỉ hỗ trợ nghe, nhìn và nói chuyện. Rất ít các thiết bị trên thị trường có thể giả lập mùi hương và cảm giác thực”, Hyo Kang, giáo sư ngành nghệ thuật tại đại học Florida chia sẻ.
Tình trạng quấy rối tình dục trên metaverse cũng là chủ đề gây đau đầu. Một nữ nhân viên kiểm thử phần mềm của Facebook chia sẻ với The Verge rằng cô đã bị một nhóm người chơi khác trên nền tảng Horizon của Facebook quấy rối. “Thậm chí một số người tỏ ra ủng hộ cho hành động trên, tôi cảm thấy mình bị cô lập”, nữ nhân viên thổ lộ.
Vipp Jaswal, CEO tổ chức tư vấn tương tác IIA cho rằng lạm dụng, quấy rối sẽ trở nên phổ biến. “Thế giới metaverse không có các tổ chức duy trì trật tự, tôi nghĩ chúng ta nên sớm đặt ra quy định để tránh tình trạng bắt nạt trên mạng như trong quá khứ”, ông Jaswal chia sẻ.
Trải nghiệm vũ trụ ảo ở nơi nhiều đồ vật sẽ gây nguy hiểm. Ảnh: Interesting Engineer.
Di chuyển xung quanh nhà khi đang trải nghiệm metaverse có thể đụng phải các vật dụng trong nhà. Ngoài ra, việc sử dụng kính VR quá lâu sẽ khiến cơ thể bị mất cảm giác. “Tôi không cảm nhận được tay của mình trong vài giờ”, Catherine Allen, giám đốc công ty tư vấn Limina Immerse chia sẻ sau nhiều giờ liên tục tham gia vào vũ trụ ảo.
Đa nền tảng
Các đại gia công nghệ như Microsoft, Amazon, Facebook có thể sẽ ra mắt phiên bản metaverse của mình cùng một thời điểm. Tuy nhiên các sản phẩm này mang tính riêng lẻ và độc lập. Nếu người dùng đang trao đổi với bạn bè của mình ở vũ trụ Horizon của Facebook nhưng cần gặp người thân trên Microsoft, họ cần thoát khỏi Horizon và đăng nhập vào Microsoft.
Metaverse thực sự xuất hiện khi các nền tảng kết nối lại. “Chúng ta trông chờ vào một vũ trụ với nhiều vũ trụ khác nhau. Một bộ tiêu chí cần được đặt ra để các công ty công nghệ xây dựng nền tảng của mình dựa trên tiêu chuẩn đấy”, Yesha Sivan, giáo sư về metaverse và biên tập viên tại Tạp chí Nghiên cứu Thế giới ảo nhận định.
Metaverse sẽ đến đúng như các công ty công nghệ đã đặt ra. Tuy nhiên, những tính năng và vấn đề mà vũ trụ ảo vấp phải ở hiện tại có thể vẫn tồn tại khi metaverse hoàn thiện.
Quốc Tú (Theo New York Post)
Nguồn: zingnews.vn