Sau nhiều tháng trì hoãn, cuộc cải tổ về định danh trên mạng xã hội Twitter của tỉ phú Elon Musk đã bắt đầu diễn ra. Hôm 21-4 đánh dấu ngày đầu tiên chính sách xác minh tài khoản của Twitter được áp dụng rộng rãi.

1 Triet Ly Tick Xanh Cua Elon Musk

Hình minh họa tỉ phú Elon Musk và biểu tượng đăng ký Twitter Blue - Ảnh: TIMES OF INDIA

Chính sách này thực tế là một tính năng hay một "gói thuê bao" mới có tên Twitter Blue. Khi người dùng đăng ký Twitter Blue, họ sẽ phải trả từ 8 USD/tháng (với doanh nghiệp là từ 1.000 USD/tháng). Người dùng cá nhân khi có Twitter Blue sẽ được "đóng dấu" tick xanh trên tài khoản, trong khi doanh nghiệp sẽ có tick màu vàng ánh kim, còn tài khoản cơ quan chính phủ sẽ có dấu tick màu xám.

Hỗn loạn và tranh cãi

Nói cách khác, giờ đây Twitter không còn xác minh tài khoản cá nhân nữa. Tất cả chỉ cần trả tiền, có số điện thoại đăng ký và đáp ứng một số tiêu chí nhỏ khác của Twitter thì sẽ có "tick xanh".

Kết quả, trong vòng 24 giờ, hàng loạt danh nhân, tổ chức, người nổi tiếng trên mọi lĩnh vực đã "mất tick xanh" - từ Giáo hoàng Francis, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ca sĩ Beyonce, các tờ báo lớn, tổ chức quốc tế... cho tới ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo. Trước khi ông Musk tiếp quản Twitter, mạng xã hội này có hơn 300.000 tài khoản có tick xanh.

Truyền thông mô tả 24 giờ ấy là khoảng thời gian hỗn loạn trên Twitter. Ngoài việc xuất hiện một số tài khoản đăng ký giả mạo người nổi tiếng, vấn đề bị báo chí "đánh" mạnh nhất là cuộc chiến thông tin. Các tài khoản giả mạo đã lan truyền thông tin sai lệch, và đây được cho là thất bại của Twitter Blue so với hệ thống định danh trước đó.

Ngoài ra, Twitter đã xóa dòng "dán nhãn" với một số tài khoản chính thức của các cơ quan tin tức. Trước đây, mạng xã hội này bị phản ứng vì gắn mác "truyền thông nhà nước" hoặc "truyền thông do nhà nước bảo trợ" với tài khoản của các đài NPR (Mỹ), BBC (Anh), CBC (Canada), RT (Nga) hay Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc)...

Triết lý của ông Musk

Việc phải trả tiền để giữ tick xanh khiến nhiều người nổi tiếng trước đó đã tỏ thái độ bất mãn, tuyên bố sẽ không chi tiền để "được xác minh". Một số tờ báo cũng nhanh chóng đả kích quyết định của ông Musk. Điều này báo hiệu một cuộc chiến lâu dài giữa tỉ phú này và giới truyền thông dòng chính. Nhưng sâu hơn, đây là một ván cược kinh doanh đi kèm triết lý của ông Musk về xã hội và tự do ngôn luận.

Từ lúc tiếp quản Twitter, ông Musk đã tuyên bố phải lọc sạch nội dung và tố cáo có quá nhiều tài khoản ảo (bot). Tính năng Twitter Blue đòi hỏi đóng tiền được xem là cách Twitter sàng lọc, giữ lại những người dùng thực sự muốn dùng nền tảng này.

Về mặt kinh tế, thu phí hằng tháng là cách để Twitter phát triển bền vững và ít lệ thuộc hơn vào quảng cáo. Báo Guardian dẫn số liệu mới nhất cho thấy quảng cáo chiếm 90% tổng doanh thu 5 tỉ USD mỗi năm của Twitter. Theo ông Musk, doanh thu sẽ giảm về mức dưới 3,7 tỉ USD trong năm nay. Twitter đã giảm nhân sự khoảng 75% để tránh phá sản. Nhưng nếu các đơn vị quảng cáo không quay lại, ông sẽ cần từ 600.000 tới 635.000 lượt đăng ký Twitter Blue để thu về hơn 5 triệu USD/tháng nhằm đảm bảo doanh thu trên 3,7 tỉ USD/năm.

Việc duy trì hoạt động bằng tiền đăng ký theo dõi hằng tháng thay vì dựa vào quảng cáo là giải pháp tối ưu mà các tờ báo trên thế giới đang hướng tới. Tạo doanh thu mà không "dính" quảng cáo là cách vừa kiếm ra tiền vừa không xung đột lợi ích và giữ được sự trung lập, phản ánh một trong những cam kết "làm sạch Twitter" của tỉ phú Elon Musk.

Thu tiền đăng ký cũng là cách tỉ phú Mỹ bày tỏ quan điểm chính trị và xã hội. Vào tháng 11 năm ngoái, khi nói về Twitter Blue, ông Musk đã nói đây là thời điểm kết thúc "một hệ thống lãnh chúa và nông dân". Nói cách khác, ông tự xem mình là một nhà cách mạng muốn xóa bỏ cái gọi là "tầng lớp quý tộc" hoặc "lãnh chúa" trên Twitter. Anh không cần phải là người nổi tiếng mới có "tick xanh". 

Đây là bài toán Twitter của chủ sở hữu cũ thực chất từng đối mặt, đơn cử là cáo buộc "phân biệt đẳng cấp" thông qua tick xanh tại Ấn Độ năm 2019, dẫn tới phong trào kêu gọi bỏ hết tick xanh tại nước này.

Twitter đang như một "bãi chiến trường" và chưa thể nói Musk có thành công với cuộc "cách mạng" này không. Việc va chạm với các nhân vật nổi tiếng, nhất là giới showbiz, hứa hẹn nhiều bất trắc về số lượt đăng ký sắp tới. 

Trong một động thái truyền thông đáng chú ý, ông Musk thừa nhận đang tự nguyện móc tiền túi trả phí Twitter Blue cho một số người nổi tiếng đã phản đối "Twitter - của - Musk" hoặc không tự đăng ký như ngôi sao bóng rổ LeBron James, nhà văn Stephen King, diễn viên William Shatner.

8 & 1.000 & 50

Theo quy định mới của Twitter, người dùng cá nhân muốn có "tick xanh" phải đóng từ 8 USD/tháng, tương đương gần 100 USD/năm (hơn 2 triệu đồng).

Trong khi đó, giá khởi điểm cho doanh nghiệp/tổ chức để có tài khoản xác thực là 1.000 USD/tháng (hơn 20 triệu đồng), chưa kể 50 USD/tháng cho mỗi tài khoản liên kết (chi nhánh) hoặc tài khoản nhân viên. Tại Việt Nam, trong ngày 22-4, muốn đăng ký Twitter Blue, một tài khoản cá nhân được đề nghị hai lựa chọn: đóng 2.699.000 đồng/năm hoặc 259.000/tháng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC