Còn hai ngày nữa là ba mẹ sẽ chính thức dọn qua nhà mới. Đứa con gái út mai báo cáo với nhóm mà không tài nào tập trung cho được. Nôn nao, nửa mừng, nửa buồn.
Căn nhà đó, con đường đó, con nhớ nằm lòng từ hồi học cấp một. Mà không nhớ sao được khi mỗi năm đều viết một bản sơ yếu lý lịch, họ tên, địa chỉ (thường trú - cái chữ rắc rối làm con phải hỏi mẹ mấy lần mới an tâm ghi vô)... Những ông bố bà mẹ khác thường viết hộ con cái tờ sơ yếu lý lịch nộp giáo viên chủ nhiệm đầu năm chứ từ năm lớp 2, ba mẹ đã để con tự ghi, vừa học quen mặt chữ, vừa tập viết chữ đẹp.
Con nhớ nhà lúc đầu đông người lắm. Gần cả nhà Nội còn gì nhỉ? Vậy mà chắc tại con còn bé, hay tại thời đó thật sự thế mà con thấy đông vui lắm. Con nhớ những lần chạy lên chạy xuống cái cầu thang xoắn xoắn chơi với chị và các em. Té ngã hay chọc nhau khóc cái là cả hội khoanh tay chờ Ông Chín, Ông Mười... "xử". Giờ vẫn còn tấm hình 4 đứa khoanh tay mà mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe.
Con nhớ cái ván gỗ mát rượi, chiếm gần nửa phòng ăn. Tại vì nhà đông nên bàn đâu đủ, thường đám con nít với mấy bà mẹ leo lên ván ngồi ăn, rặt chất "Nam bộ". Mà cũng trên cái ván gỗ đó, tụi con đứa nào đứa nấy từng nằm dài "ăn bánh tét". Con nhớ câu "thần chú" sau mỗi lần bị phạt là: "Con xin lỗi, con hứa lần sau không dám tái phạm nữa". Phải đúng từng chữ, không là không hết phạt đâu. Hồi đó con chẳng hiểu, nhưng giờ nhìn lại nó thành một phần tính cách. Hãy nói xin lỗi khi bạn thật sự nhận ra lỗi lầm, và nếu có thể quay lại, sẽ không làm như thế. Những lời xin lỗi khác, nhất là dạng xin lỗi "tiếp tục tái phạm" là hoàn toàn vô giá trị đối với con.
Con nhớ cái xích đu trên sân thượng, niềm tự hào của con hồi nhỏ. Trẻ con mà, hễ có đồ chơi là thích, huống chi là "đồ chơi" to thế ngay trong nhà. Con cũng không sao quên được những chiều cúp điện, cái hồi những năm 90, cúp điện phải nói là hàng tuần luôn, cả nhà trải chiếu trên sân thượng ngồi nói chuyện cười đùa. Có khi còn ngủ luôn trên đó (tại vô phòng thì nóng).
Chị, mấy đứa em và con lớn dần lên đều từ từ chuyển ra ngoài, khởi đầu là gia đình cô, rồi các chú. Chỉ còn gia đình con, ông Chín và bà nội Ba (chị em của ông nội). Nhà rộng rãi hơn, nhưng cũng thưa tiếng cười hơn.
Nhà vẫn là nơi cả đại gia đình tụ tập mỗi dịp giỗ Tết, nhưng một năm dăm bảy lần thì sao sánh được nhỉ? Ở xa thì nhiều thứ cũng không còn bày tỏ, không còn biết đến để chia sẻ cho nhau nữa. Chưa kể lại có thêm một số "người ngoài" làm tình cảm gia đình rạn nứt. Nhiều sự kiện mà buồn nhiều và "bự" hơn vui xảy ra, giữa chính những người họ hàng. Có lần hiểu lầm còn bự đến nỗi, con tưởng gia đình con cũng xa căn nhà này luôn nữa.
Sóng to nhưng không thành bão, nên cứ chấp chới các cơn sóng ngầm thỉnh thoảng dậy lên làm thành những vết thương lòng không nguôi. Yêu thương nhau sao không nói được một câu khi bất hòa, cớ gì ôm cái tôi to đùng mà nghĩ là người kia phải tự nhận ra? Ôi cái lý "trí thức phải tự hiểu" sao mà nông cạn quá!
Đó là những năm cấp hai... buồn, giận, thậm chí có lúc con nghĩ nó như mối hận phải nhớ trong lòng. Nhưng rồi tất cả cũng qua, con dần hiểu sau nhiều chuyện, máu thịt vẫn hơn giọt nước lã, và đằng sau mỗi giằng co, là cả những nội tình phức tạp mà giờ con cũng không dám chắc mình hiểu hết. Chỉ đủ để con thôi những cảm giác tức giận ngày nào, để lại một bên cho chính mình nhẹ lòng. Và đủ để con rút ra những bài học cho gia đình nhỏ của con sau này. Con mừng vì sau mọi chuyện, gia đình mình vẫn bên nhau khắng khít.
Nhà vẫn là "căn nhà thờ" của bên nội. Có khi con thấy sao nó im ắng quá, ngột ngạt quá. Ừm, có vậy nên chị mới đi. Rồi con nối bước theo. Vậy mà hơn một lần, con và chị quẹt giọt nước mắt để gõ lộc cộc vô mail về cho ba mẹ, rằng giờ con chỉ muốn về nhà thôi.
Con không nhớ nổi lần đầu tiên mình vô nhà (ba mẹ sinh con ra không phải ở đây) là khi nào, cái trí nhớ của đứa nhỏ 3 tuổi lâu lâu vẫn... bán đứng con. Nó mờ mờ ảo ảo, nửa như có thật, nửa như chỉ hoàn toàn trong tưởng tượng. Nhưng con chắc phải hơn hai mươi năm rồi đó.
Hai mươi năm. Phố xá xung quanh chắc cũng đổi thay nhiều. Thời gian đủ để một người xa không nhìn lại được phố quen, đường quen, nhà quen. Thời gian lấy đi bà nội Ba, ông Chín, ông Mười, nhưng cũng cho đại gia đình thêm nhiều thành viên mới. Hai mươi năm, trong căn nhà ấy, con lớn lên, được nuôi dưỡng tính thể chất, tinh thần, tính cách... Rồi mọi người bàn nhau.... bán nhà.
Con ngơ ngác. Con nhớ mẹ nói với con mà giọng rưng rưng. Mẹ nói nếu có tiền, mẹ mua lại, chứ nhìn bàn thờ bà nội Ba, ông Mười và nhất là ông Chín, mẹ buồn rớt nước mắt. Mẹ nghĩ ông bà chắc buồn, nhìn mình bán nhà.
Cảm giác của con ngơ ngác như hồi nghe ông bà nội bán đất ở quê lên đây vậy. Sẽ không còn một ngày mùng Hai Tết tụ tập cùng nhau mỗi gia đình một chiếc xe máy chạy về Lương Hòa, dừng xe nhìn nhau mặt ai cũng lấm lem bụi đường. Không còn những trưa chạy dọc triền sông, nhưng không dám rẽ vô mấy con đường làng nhỏ vì sợ lạc sau đám dừa nước mênh mang.
Rồi con nghe ba giải thích, rằng là ý ông Nội, bà Sáu, các chú... Lý lẽ mà, nói một lúc thì cũng nghe lọt tai. Nhưng cái tình, chắc cũng chia năm xẻ bảy theo căn nhà mất rồi.
Vậy là ba mẹ đi tìm mua nhà mới, xây sửa lại. Nhà không còn gần sân bay, không còn vị trí "đẹp" nhưng rộng hơn, mới hơn, gần nhà dì út Trúc, dì Tiên, cậu Sáu và quan trọng nhất, đó là căn nhà của ba mẹ.
Con và chị không ở bên cạnh ba mẹ thời gian tìm mua, chuẩn bị, xây sửa... nhưng con nhìn thấy nỗi âu lo, niềm trăn trở và cả niềm vui, niềm hi vọng lớn lên từng ngày của ba mẹ khi căn nhà sắp hoàn tất. Ba mẹ cũng hỏi ý kiến hai đứa con mà ba vẫn nói đùa là "giải trình cho con gái nghe", tả cho con với chị nhà mấy phòng, phòng khách ra sao, nhà bếp thế nào, nên để sân hay không, nên sơn cửa màu gì... làm con cũng náo nức, chắc không kém ba mẹ lắm đâu.
Năm 2009 đánh dấu sự kiện có nhà mới của ba mẹ, mà cũng là sự kiện của hai đứa con gái vì gia đình mình là một mà, nhỉ? Chắc chắn tụi con sẽ thu xếp cùng về Tết này. Để đến Tết, ba mẹ mừng nhà mới, mừng luôn đoàn tụ lâu rồi cả nhà bốn người nhé.
Mọi sự đều cần một khởi đầu, con mong với căn nhà mới này, gia đình mình sẽ có thật nhiều thời gian vui vẻ bên nhau. Tất cả có thể qua đi, cả số phận mỗi con người cũng không là ngoại lệ, nhưng cuối cùng chỉ tình cảm mới là điều gắn kết gia đình qua nhiều thế hệ, phải không ba mẹ?
Kattie.