Chào con trai! Dậy đi con! Dậy đi học con nhé!
Con của mẹ chỉ vừa hơn 2 tuổi. Cỡ tuổi này 25 năm về trước mẹ chỉ ở nhà trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại. Ít ra đến năm 3 tuổi mẹ mới đến lớp lần đầu.
Con mẹ đi học nhưng mẹ là người nôn nao hơn cả, áo này, quần này, cặp hình chú gấu dễ thương này... Mẹ mua hẳn cho con một chiếc bàn nho nhỏ để con thêm phần phấn khởi.
Mẹ đọc hết các cách giúp con vui vẻ đến trường, mẹ chuẩn bị tâm lý đón nhận tình huống xấu nhất xảy ra cho con trai bé bỏng của mẹ. Mẹ biết là trẻ con, bạn nào lần đầu đến trường cũng sẽ khóc nhiều nhiều lắm... nhưng mẹ đặt niềm tin vào bãn lĩnh con trai mẹ, con sẽ không khóc con nhé. Hãy mạnh dạn để bước vào thử thách đầu đời... Con xa mẹ.
Mẹ vẽ ra cho con biết bao điều đẹp đẽ... con đi học sẽ có thật nhiều bạn nhé, có cô giáo, đồ chơi, rồi con sẽ biết thêm bao điều mới lạ, biết thế nào là hình vuông, thế nào là hình tròn, biết thế nào là một gia đình lớn, gia đình nhỏ, rất vui đó con trai. Và... đi học này sẽ khác đi học mọi ngày con nhé. Sẽ không phải mỗi sáng thức dậy, mẹ chở con đi vòng quanh dạo mát. Con hỏi: "Mẹ ơi đi đâu?" - mẹ trả lời rằng: "Ta đi học".
Ngày khai trường, sáng sớm mẹ gọi con ới ời: "Con ơi! Dậy đi học con nhé! Con dường như cũng nôn nao chẳng kém, đến trường con nắm tay mẹ tung tăng vui vẻ, con hỏi mẹ líu lo, cái này là gì, cái kia là gì hả mẹ? Mẹ trả lời không hết cho những phát hiện mới lạ của con. Mẹ trêu: "À, hôm nay con mẹ lớn rồi nha... con đi học rồi nè, thấy không? Nhưng hôm nay khác với mọi hôm, con sẽ ở lại học với cô giáo đến hết ngày, con phải thật ngoan con nhé, chiều mẹ sẽ đón con về" - Miệng con bi bô... "Mẹ ơi, con đi học". Tiếng con chưa tròn câu, chưa rõ lời nhưng mẹ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc biết bao. Mẹ đặt con vào lớp, con chạy ngay đến bập bênh hình chú thỏ ngồi xích... Khá an tâm cho ngày đầu tiên đến trường, mẹ nghĩ mẹ đã thành công trong công tác tư tưởng cho con, mẹ rời con và nấp sau góc cửa... quan sát...
Sau khi chơi một lúc con ngó quanh tìm mẹ, con cất tiếng gọi: "Mẹ ơi! Mẹ ơi... Mẹ đâu rồi!". Con tìm mẹ, cô giáo bận bịu dỗ dành những bạn khác đang quấy khóc, con nhìn quanh quất, miệng gọi... mẹ ơi... mẹ ơi... Mẹ đứng bên hiên cửa mà lòng đau lắm con à, mẹ tự nhủ: "Cố lên nào con trai, không được khóc con nhé, chiều mẹ lại đón con thôi, con hãy chơi với các bạn xung quanh đi, đừng tìm mẹ như thế, đừng khóc nhé con".
Nhưng có lẽ cảm giác xa mẹ còn quá mới mẻ với con, con luôn miệng gọi: "Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi? Mẹ đừng bỏ con..." và con khóc. Con như chú vịt nhỏ bị lạc đàn, khóc và luôn miệng gọi mẹ. Nước mắt con giàn giụa... chưa bao giờ mẹ để con tìm mẹ như thế... nhưng mẹ biết, sẽ không thể giữ con mãi bên cạnh mình. Rồi cũng sẽ đến lúc con phải tự đứng trên đôi chân của mình. Hãy rèn luyện cách sống ngay từ bây giờ nhé con trai. "Cố lên nào, con đừng khóc nữa!"... Dù tự dặn lòng mình như thế nhưng trước mắt là đứa con trai bé bỏng đang chơ vơ lạc lõng giữa nơi hoàn toàn xa lạ, bất giác, không kiềm chế được nữa mẹ vội chạy đến ôm con. Vừa thấy mẹ, con gào khóc vừa mừng vừa tủi, con như trách mẹ sao lại bỏ con mà đi đâu thế, con ôm chặt lấy mẹ, miệng luôn gọi: "Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con...". Từng lời của con làm nước mắt mẹ tuôn dài... Mẹ đặt con xuống dỗ dành: "Con trai, nghe mẹ nói nhé... con đi học, có bạn, có cô, con sẽ giỏi, vì con đã lớn rồi mà, ngoan nhé con, đừng khóc nữa. Con bỏ ngoài tai tất cả lời mẹ nói, ôm chặt lấy mẹ như sợ mẹ bỏ con thêm một lần nữa...
Rồi cô giáo đón con từ tay mẹ. Mẹ chạy thật nhanh đi để không nhìn thấy cảnh con gọi. Con trai, cố lên rồi con sẽ quen dần nếp sống ở trường, ở lớp. Chiều mẹ lại đón con.
Ngày một khóc... ngày hai con khóc... ngày ba... ngày tư con vẫn khóc khi vừa nhác thấy cổng trường.
Một tháng sau, vào một ngày nọ... con thức dậy gọi: "Mẹ ơi! Con đi học". Với mẹ đó là một trong những sự kiện lớn nhất trong đời.
Thanh Tùng.