Với thế hệ 7X, 8X, tuổi thơ là những buổi trưa ra bãi trống đánh khăng đánh đáo, là buổi chiều tan học mải mê nhảy dây, nhảy nụ quên giờ về.
Mùng 1/6 là lúc xin vé đi tuổi thơ với những trò chơi hiện về trong ký ức.
Trong đó, bắn bi là trò không thể thiếu của các bé trai ngày trước. Cả nhóm túm tụm, không ngại ngồi, quỳ, thậm chí nằm sấp trên nền đất bụi để bắn bi sao cho trúng. Những viên bi đầy màu sắc từng trở thành vật bất ly thân và bây giờ nó chứa đựng cả ký ức tuổi thơ.
Thay vì những cuộc chiến gay cấn trong trò chơi điện tử hay bỏ tiền vào paintball như ngày nay, các cậu bé thời xưa tham gia những trận "đấu súng phốc" kịch liệt với vũ khí hoàn toàn tự chế từ tre và hạt cây nhỏ, tròn (hoặc giấy).
Trò bắn súng thường chơi theo nhóm, càng đông càng vui, có thể không cần phân phe phái. Cái hay của trò này nằm ở âm thanh phát ra khi bắn súng và cảm giác phấn khích từ trận giả.
Chơi cù phổ biến với các bé trai. Nhiều thanh niên, cụ già cũng bị trò này hấp dẫn. Người chơi chuẩn bị con quay đẽo từ gỗ và đóng đinh cùng đoạn dây quay. Thông thường, họ thích tự đẽo gỗ để làm con quay phù hợp. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần quấn chặt dây xung quanh con quay rồi văng ra hay bổ xuống. Tuy nhiên, để con cù có thể quay đúng theo yêu cầu của luật chơi, các cậu bé phải biết ra lực tay phù hợp, khéo léo. |
Chơi chuyền cũng là trò khiến thế hệ 8X nhớ về tuổi thơ. Với bộ chuyền gồm 10 que tre (có thể thay bằng que nhựa, thậm chí loại cây có đường kính nhỏ) và một quả bóng hay trái cây tròn, cả nhóm có thể mải mê chơi không biết chán. Các bé gái tung quả bóng lên, nhặt số que chuyền rồi nhanh chóng cầm lại bóng, bóng rơi là mất lượt. Trò chơi đòi hỏi tay, mắt phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt. |
Đánh khăng cùng khẩu lệnh quen thuộc “Mắm 30 bắt chưa” hẳn sẽ khiến nhiều bạn nam nhớ lại ngày nhỏ. Chỉ với hai thanh gỗ (hoặc tre) vừa tay, thanh dài, thanh ngắn, nhóm bạn đã có thể trải qua khoảng thời gian vui vẻ trên bãi đất trống với đủ trò thú vị. |
Ngày trước, cặp sách của các bé gái thường không thiếu các đoạn dây chun. Chỉ với dụng cụ đơn giản như vậy, các em có thể trải qua trò nhảy dây vui nhộn mỗi giờ ra chơi. Cách chơi rất đa dạng, chủ yếu rèn tính linh hoạt. |
Nhảy nụ là cái tên xa lại với trẻ em ngày nay nhưng với thế hệ thời bao cấp trò này là dấu ấn tuổi thơ. Trò nhảy nụ thử thách khả năng nhảy cao của người chơi. “Chướng ngại vật” được tạo bằng cách xếp chồng bàn chân, bàn tay của hai người lên nhau với độ cao tăng dần. |
Trong trò Nu na nu nống, thắng thua không quan trọng. Mọi người ngồi xếp hàng hoặc ngồi theo hình tròn, duỗi chân ra, cùng đọc một bài đồng dao (có nhiều phiên bản) bắt đầu bằng câu “nu na nu nống”. Kết thúc bài, chỉ vào chân ai người đó rụt chân lại. Hết vòng, người chơi bắt đầu lượt mới . |
Ô ăn quan là trò quen thuộc, chủ yếu dành cho các bé gái và thường có hai người chơi. Ô được kẻ trên mặt đất, sân gạch và dùng sỏi hoặc viên đá nhỏ. Ngày này, người ta có thêm bàn vẽ sẵn và dùng vật liệu bằng nhựa thay thế sỏi, đá. Trò ô ăn quan không chỉ để giải trí mà còn rèn khả năng tính toán, lối tư duy . |
Rồng rắn lên mây là trò chơi tập thể vui nhộn, các em nắm áo hoặc eo người đứng trước. Người đứng đầu có nhiệm vụ lèo lái “đoàn tàu” tàu phía sau, bảo vệ bạn chơi trước "thầy thuốc" sau khi người này chỉ định sẽ bắt khúc đầu, khúc giữa hay khúc cuối. Bài đồng dao “Rồng rắn lên mây” là khúc ca tuổi nhỏ hồn nhiên, vui vẻ. |
Tuấn Dũng - theo ZING.VN