Ngay tổ dân phố tôi đang sinh sống, nhà bác Tuyên được mọi người trầm trồ lắm. Bác có 2 con đang ở Séc và Đức. Dịp bác gái ốm nặng, hai cậu đều về thăm và ở luôn cho đến khi đưa bà đi Hoàn vũ.
Một tối, bác Tuyên sang chơi. Sau một hồi vòng vo Tam quốc, bác ngỏ ý vay nóng 1.000 đô để góp thêm tiền mua vé cho cậu ở Séc. Bán xe SH ông sẽ trả ngay. Ông bảo, tiếng là ở nước ngoài nhưng cháu nó có gì đâu. Kinh tế khủng hoảng, mất việc, chạy buôn quần bò áo phông, ăn chẳng đủ lấy đâu ra kiều hối - kiều tiếc. “Thề có bóng đèn, mấy năm nay tôi chẳng nhận được đồng nào của chúng nó cả”… Tôi lựa lời an ủi bạn già với lời hứa ngày mai đi rút tiết kiệm cho bác mượn tạm.
Còn câu chuyện kiều hối nhà ông Thuần lại khác. Có cậu con trai học giỏi, chí lớn được đi học ở Anh một lèo từ đại học đến tiến sĩ. Học xong cậu được mời ở lại làm việc. Tháng tháng cậu đều đặn gửi tiền về cho ông. Lâu dần góp lại nghe đâu đã được đến 300 triệu. Ông định bụng sẽ sửa sang nhà thờ tổ ở quê, dù bà đòi mua vàng miếng, còn cô út khuyên bố chuyển sang tiền Việt gửi tiết kiệm lợi hơn. Nào ngờ ông đổ bệnh tim, thuốc men và 3 cái stent trong ngực khiến ông chẳng còn đồng nào. Ông bảo may mà có tiền của “nó”, không thì chết.
Câu chuyện khác về kiều hối như sau: Bác Nga, chủ nhà hồi năm 1965-1972 mà nhà tôi sơ tán có cậu Dũng đi xuất khẩu lao động. Là chỗ thân tình như ruột thịt, động có công có việc là bác tìm tôi. Lần này, thấy bác ra nhưng vẻ mặt căng thẳng lắm. Thì ra bác nhờ “đấu tranh” với ngân hàng vì “nó” cứ đòi nợ mãi. Số là hồi cậu Dũng đi xuất khẩu lao động phải vay ngân hàng đâu chừng 100 triệu. Mấy năm nay cậu gửi tiền về và ngân hàng trừ dần vào khoản vay. Tôi không biết nhưng bác Nga tường tận lắm. Bác cộng cộng trừ trừ và cho rằng, con mình đã trả xong nợ, nay vẫn thấy thu nên ra Hà Nội nhờ tôi can thiệp. Chuyện nhỏ như con thỏ, tôi bảo cháu Hoa làm bên Ngân hàng OceanBank hỏi hộ. Thì ra đúng là cậu Dũng mới trả gần xong. Tính ra còn đâu 134USD nữa mới hết. Nghe xong bác Nga thở phào, thế thì chỉ tháng sau là xong…
Xin kể một chuyện kiều hối cuối cùng: Vợ chồng bà Thìn bạn tôi ở Nha Trang gửi thư ra mời chúng tôi tết này vào nghỉ tết vì các cháu ở Đức, Hà Lan, Luxembourg gửi tiền về đủ mua một ngôi nhà 5 tầng gần ngay bãi biển. Tôi dã có dịp đến cửa hàng cơm Tàu của cháu lớn ở Dresden (Đức) kinh doanh tấp nập lắm. Cháu còn thuê cả người địa phương phục vụ. Tôi hỏi sao lại đề là cơm Tàu, nó cười khì khì, cơm Việt thì bán cho ai? Cả bang chỉ có mấy người Việt. Cũng như ở ta, kinh tế khủng hoảng nhưng buôn bán hàng ăn vẫn chẳng hề hấn gì. Mấy cháu gửi tiền về cho bố mẹ sửa sang nhà cũ và mua luôn căn nhà mới, nghe nói giá mua hơn 20 tỉ đồng. Còn dư, bà mua luôn chiếc xe du lịch Camry hơn hai tỉ, thuê một anh bộ đội phục viên lái đưa bà đi chùa.
Kiều hối thế mới đáng đồng tiền bát gạo chứ! Nhưng ở tầm vĩ mô, mấy chuyện kiều hối trên chẳng mấy ích nước mà chỉ mới lợi nhà. Thôi thì dân giàu nước mạnh vậy!
Câu chuyện phi kiều hối như nhà bác Tuyên xem ra khá phổ biến. Đọc báo, nghe đài đưa tin năm nay kiều hối gửi về nước là hơn 10 tỉ USD, năm ngoái là hơn 9 tỉ. Mấy năm nay người ta tính luôn cả số tiền của người xuất khẩu lao động có quốc tịch Việt Nam làm thợ, làm khán hộ công, thực tập sinh… gửi về trả món nợ vay xuất khẩu lao động là kiều hối.
Theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang định cư tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, có khoảng nửa triệu lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong báo cáo về triển vọng kiều hối toàn cầu năm 2013, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 nước nhận nhiều kiều hối, với kết quả dự kiến là 10,6 tỉ USD, tăng 6,5% so với năm 2012.
Năm nay, dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế, người ta dự kiến kiều hối vẫn ở mức trên 10 tỉ USD. Có người lạc quan cho rằng, đây là tin vui đối với cán cân thanh toán của Việt Nam. Trên báo chí, người ta thấy rất nhiều tin tức về các ngân hàng đua nhau tung ra nhiều chương trình hút khách. Chẳng hạn Sacombank với chương trình khuyến mãi “Kiều hối trao tay - Vận may gõ cửa”. Tại ngân hàng này, các dịch vụ chuyển tiền tập trung tại các thị trường tiềm năng ở các nước châu Âu, châu Á và Trung Đông... Mục tiêu mà Sacombank đặt ra là mức tăng trưởng 15-20% doanh số kiều hối trong năm nay.
Trong một thông tin khác, Công ty Kiều hối Đông Á đặt mục tiêu doanh số chi trả kiều hối năm 2013 phải tăng tối thiểu 20% so với năm trước. Thì ra năm 2012, công ty này có doanh số kiều hối chi trả 1,6 tỉ USD. Ông Trịnh Hoài Nam - Phó giám đốc công ty cho biết: “Hiện tại, công ty đã mở rộng quan hệ hợp tác với hầu hết các dịch vụ chuyển tiền ở những thị trường có nhiều người lao động Việt Nam. Tại đó đã có các giao dịch viên người Việt nhằm giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc chuyển tiền. Điều này cũng giúp thời gian chi trả được rút ngắn, khách hàng có thể nhận tiền ngay trong ngày. Toàn là những dấu hiệu khả quan, góp phần khai thông lượng kiều hối về Việt Nam một cách dễ dàng và giúp người lao động tại nước ngoài yên tâm hơn khi gửi tiền về cho người thân”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các nước nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, kiều hối gửi về nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hay đầu tư vào sản xuất kinh doanh, dịch vụ - vẫn là vấn đề không có câu giải đáp.
Theo các chuyên gia, đại bộ phận kiều hối có thể chỉ rơi vào lĩnh vực sinh hoạt. Vì thế, vấn đề đặt ra là phải làm sao huy động được nguồn vốn kiều bào vào sản xuất. Tra trên google, thật khó tìm một văn bản cụ thể hướng dẫn người dân sử dụng kiều hối vào sản xuất với những ưu đãi như thu hút nguồn FDI…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, số tiền kiều hối chuyển về nước năm nay tăng cao có thể do tình hình làm ăn của người Việt ở nước ngoài đang có dấu hiệu tốt lên và họ có nhu cầu giúp người thân trong nước cải thiện đời sống. Ngoài ra, do tỉ giá USD ổn định nên số người bán lại ngoại tệ cho ngân hàng để lấy VND cũng tăng, chưa kể nhiều người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao hơn.
Số khác lại chuyển thành vàng miếng tránh rủi ro hơn. Quá ít người đưa số tiền nhận được từ nước ngoài vào sản xuất kinh doanh. Mấy chục tỉ USD chứ đâu có ít ỏi gì? “Làm ăn, hai chữ quen mà lạ” - câu thơ Tố Hữu tặng Hải Phòng hồi đầu đổi mới vẫn còn nguyên giá trị. Có tiền mà chẳng biết dùng làm gì cho ích nước lợi nhà?
Minh Nghĩa