Sáng nay rỗi việc, tôi nhận lời ủy thác của anh bạn nhờ tôi chở một bà cụ với hai cái vali và một tấm nệm từ Dallas đi Arlington, vì xe anh không chở được tấm nệm nên anh mới nhờ tôi.
Tôi đến căn nhà mới xây (theo địa chỉ). Nhìn qua cũng biết giá trị căn nhà hơn hai trăm ngàn. Tôi nghĩ nhà đất ở đây rẻ, chứ căn nhà mới này ở Cali, hay Boston, thì bạc triệu.
Xe lăn bánh, tôi không khỏi ngậm ngùi với hành trang nghèo nàn của bà cụ nhỏ thó, bệnh tật. Ngoài tấm nệm, hai cái vali cũ, lớn nhỏ không đều, lại khác hiệu, đủ biết chủ nhân không giàu; một bà cụ gần đất xa trời còn lỉnh kỉnh túi xách, rổ nhựa đựng quần áo chưa giặt - có cả hũ thức ăn khô gì trong đó nữa...
Thấy cụ thở không ra hơi lúc lên xe, tôi cũng hơi lo. Nhưng nhìn kiếng chiếu hậu thì cụ không đến nỗi khiến tôi phải đổi lộ trình vô bệnh viện gần nhất. Tôi mong đến nơi càng sớm càng tốt.
Trong một cửa hàng ở Little Sai Gòn (California - Mỹ). Ảnh: Y.T
Xe ra xa lộ bon bon rồi. Cụ khoẻ lại sau cú leo lên cái xe hơi cao. Cụ hỏi tôi, "Anh được mấy cháu?", để mở đầu tâm sự của người mẹ cô đơn trên nước Mỹ bao la... Cụ vô chuyện lòng nhẹ hều như hơi thở của cụ ban nãy..
Cụ tỉ tê cho tôi nghe, từ băng sau xe, tiếng cụ rặt giọng Bắc làm tôi nhớ mẹ tôi nhiều...
"... Tôi kém phước anh ạ! Tôi có mười hai người con. Chín đứa còn ở Việt Nam, ba đứa bên Mỹ. Tôi không đi ở nhà con này, con kia như anh nghĩ đâu. Tôi đi ở thuê nhà người ta đây! Vì con gái tôi ở Arlington thì nó đang sống chung với chồng con và bố mẹ chồng của nó.
Tôi đâu ở chung được. Thằng con trai thì cũng sống chung nhà với vợ con và bố mẹ vợ của nó. Tôi cũng không ở chung được. Còn căn nhà mà anh đến đón tôi là nhà thằng con cả. Cả đời tôi mới ở nhà con đúng mười ngày thì phải nhờ anh đến dọn đi đây...".
"Bác qua Mỹ lâu chưa? Trước đây, bác ở đâu?", tôi hỏi cụ.
"Tôi qua Mỹ được 9 năm.
Mỗi năm tôi ở Mỹ 9 tháng, về Việt Nam 3 tháng - toàn ở mướn chứ không ở với con cái nào được, như tôi đã nói. Nhưng bây giờ tôi phải ở Mỹ lâu dài để trị bệnh. Khổ là tôi không thể ở nhà thằng con cả được. Hôm tôi mới từ Việt Nam qua, tháng trước. Tôi ở nhờ con cháu ở Apartment (căn hộ chung cư. BT) vì tôi bệnh quá nên cũng cần có người ở bên tôi đêm hôm.
Nhưng phòng nó chật chội và phiền phức quá nên thằng cả đến đón tôi về nhà nó ở. Tôi cũng bất đắc dĩ vì bệnh tật chứ đâu muốn làm phiền con cái.
Nhưng buồn lắm anh ạ! Tôi ở được đúng mười ngày thì hôm nay phải dọn đi thôi. Tôi định dọn về Houston, ở với đứa con gái của người hàng xóm với tôi bên Việt Nam xưa kia. Nó hứa giúp tôi. Nhưng con gái tôi đã xin trị bệnh cho tôi ở Arlington, nên tôi phải dọn về Arlington để trị bệnh vài tháng. Không chết thì tôi dọn về Houston với con gái người hàng xóm...".
Tôi nghe tâm sự buồn nên cũng kém vui mà thưa, "Bác lớn tuổi rồi, lại bệnh tật, đâu thể xa con cái ruột của bác được, vì khi hữu sự thì ai lo cho bác. Và sao lại đi sống với người con của người bạn ở mãi Houston. Bác nên suy xét lại chuyện đó cho cảm giác của con cái bác. Các anh chị có hoàn cảnh đã khó, bác làm mẹ không nên... xử sự như thế!”.
"Thì bây giờ tôi dọn đến ở với hai vợ chồng ông này ở Arlington. Họ đã hơn sáu mươi tuổi, nhà không con cái. Ông chồng ở nhà ăn tiền bệnh, vợ còn đi làm. Tôi cũng gần con gái tôi rồi, có gì nó chạy sang giúp tôi... Anh nói cũng phải nhỉ!".
"Cháu xin lỗi...".
"Anh ạ! Họ cho tôi thuê một phòng, không hạn chế sử dụng restroom (buồng tắm, vệ sinh. BT) anh ạ! Tôi thật mừng".
"Bác nói sao...?".
"Cơ khổ. Ở nhà thằng con cả, thì con trai lớn nó ở riêng phòng lớn nhất, có restroom riêng trong đó. Không ai được vào phòng nó".
"Rồi! Thằng đó là bác sĩ hay nha sĩ?".
"Không. Nó là dược sĩ. Nhưng sao anh hỏi vậy?".
"Cháu đoán thôi! Bác đừng nghĩ xấu về những người tuyệt đối vệ sinh nên không chung chạ được với ai! Hiểu thế, tốt hơn cho bác. Mọi phiền não nhẹ bay... ô-kê!".
"Ô-kê. Tôi hiểu ý anh rồi...
Tôi ở mới có chục ngày, mà sáng nào nó cũng cằn nhằn tôi đi restroom xoành xoạch suốt đêm thì nhà cửa nào chịu nổi... Tôi khổ quá! Mình bệnh tật, tuổi già, thật là phiền phức..."
"Cháu không hiểu được anh con cả của bác sao lại để bác bệnh tật, tuổi già như thế này mà đi ra ở share phòng với người dưng? Bác có chuyện gì ai lo? Cơm nước hàng ngày ai nấu cho bác ăn, ai giặt giũ cho bác...?".
"Thì phước phần là thế! Tôi bây giờ chỉ còn cậy vào đứa con gái. Nó cũng đã sáu mươi tuổi rồi. Nhưng còn làm dâu hàng ngày. Tôi lại còn làm khổ nó miếng cơm, tô cháo, gói quần áo cần giặt giũ... Nó làm sao mà kham nổi lo lắng cho chồng con, bố mẹ chồng ngày hai bữa, lại còn mẹ ruột bệnh tật phải chạy tới chạy lui. Tôi định về Houston là vậy!
Tôi nghĩ mà buồn cái thằng Cả nhà tôi sướng từ bé. Nó chẳng thiếu thứ gì vì thời trẻ tôi làm ăn được lắm! Cung phụng nó đủ điều hơn người.
Có con cái nào như thế chứ! Đám cưới nó không có mặt tôi mà nó nhẫn tâm được. Nó bỏ nhà, bỏ mẹ, bỏ đàn em đi sống riêng, đến khi tôi gượng dậy làm ăn lại được thì nó mới mò về nhà, quát tháo...
Tôi làm ăn lại được thì mới có tiền cho gia đình thằng con trai với gia đình đứa con gái vượt biên, bây giờ chúng ở Arlington là vậy! Còn thằng cả thì làm ăn khá nên cho con nó đi du học, tìm cách ở lại rồi bảo lãnh bố mẹ với em nó qua sau...".
"Tức là thằng cháu đích tôn của bác. Anh chàng làm dược sĩ đó, sanh đẻ bên Việt Nam?".
"Phải".
"Cháu hiểu rồi! Không có gì thắc mắc nữa! Anh ấy không giống những người trẻ sanh đẻ bên Mỹ là vậy!".
"Cái thằng ấy làm tôi buồn còn hơn bố nó”. Nó hỏi tôi đẻ chi cho lắm, để chẳng ở với ai được, rồi làm phiền gia đình nó? Tôi bảo thời bà nào có biết kế hoạch hoá gia đình là gì đâu!
Tôi thấy phải dọn ra khỏi nhà thôi. Nhưng mấy hôm không khoẻ nên còn vướng bận để nó nói tôi, sao bà không ở bên Việt Nam cho xong. Già cả, bệnh tật còn lết sang Mỹ làm gì... để phiền cho gia đình nó!
Tôi đi chậm vì chân tôi yếu. Tôi đâu có lết như ăn mày. Anh hiểu không, anh hiểu cái chữ lết nó làm tan nát lòng dạ tôi. Tôi đau đớn hơn ung thư nhiều...".
Nước mắt bà cụ lại chảy thành dòng trên gương mặt nhăn nheo. Người con cả ở nhà mới xây mà để mẹ bệnh tật đi ở share phòng.
Cụ nói trong nước mắt, "Nhẽ như người ta, nó cũng đưa tôi đi, sắp xếp cho tôi chỗ ăn chỗ ngủ ở nơi lạ lẫm quê người này chứ! Anh thấy đấy, anh xin số điện thoại của nó để khi anh đưa tôi đến nơi thì gọi cho nó biết.
Nó bảo không cần đấy phỏng! Nhưng khi nó thấy anh chất đồ, ràng buộc cẩn thận như người chuyên nghiệp, người làm việc có trách nhiệm, lương tâm... xe anh lại tốt và mới. Thì nó xin anh số điện thoại để khi nó cần chở đồ sẽ gọi anh. Đấy...".
Biết nói gì để an ủi bà cụ hơn là im lặng chia chung nỗi ngậm ngùi của phận người.
... Tôi đến căn nhà mà bà cụ sẽ ở trọ vài tháng để chữa bệnh. Tôi biết bà cụ này không chết đâu, sức khoẻ có tệ nhưng nghị lực lớn lắm! Khoẻ lại là cụ sẽ đi Houston. Linh tính tôi mách bảo về bà cụ mới gặp lần đầu nhưng hiểu cụ như thân vì tôi cũng không thích làm phiền, để khổ cho người nhà.
Con gái cụ xin nghỉ làm nửa buổi để giúp cụ dọn vô nơi ở mới, xách theo túi cơm, canh nấu vội cho mẹ có cái ăn. Tội cả hai người bị hoàn cảnh hành hạ đến khổ tâm. Đêm nay, người con khó ngủ vì lo mẹ có ngủ được không ở chỗ lạ.
Trong khi sáng mai chị vẫn phải thức dậy đúng giờ để còn đi làm. Chị còn phải lo chồng con, cha mẹ chồng... thêm người mẹ ruột bệnh tật cũng cần bàn tay con cái giúp đỡ lúc tuổi già, đau yếu... Còn cụ, đên nay có ngủ không, trong căn phòng lạ, khi nghĩ tới người con cả và thằng cháu đích tôn của mình.
Tôi thì không ngủ được đêm nay rồi, vì bà cụ... đúng là "má tui"!
Tôi dọn nệm cũ trong căn phòng ấy ra, vì ông chủ nhà ăn tiền bệnh thì làm được gì, nhìn ông đi... còn chậm hơn bà cụ. Tôi bỏ nệm của cụ lên giường thẳng thớm, xách đồ vô phòng cho cụ xong xuôi.
Tôi chào từ biệt để ra về. Nhưng cụ nói, "Này anh ạ! Cảm ơn anh đã giúp tôi tận tình. Nhưng thế này, hôm qua, bạn anh có nói với tôi là một trăm đồng tiền xe. Thì đây, tôi xin gởi anh một trăm. Tôi xin gởi thêm anh hai chục... biếu anh uống cà phê, chơi thôi!". Tôi nói, "Thôi bác cất hết đi. Coi như cháu giúp bác. Cháu không làm nghề này, chỉ vì sáng nay rảnh và xe cháu chở được tấm nệm nên cháu mới đi giùm ông bạn cháu thôi".
"Đâu thế được! Anh cầm lấy cho tôi vui. Tôi còn một việc nhờ anh giúp, là sáng nay tôi không ăn sáng ở nhà thằng cả. Tôi định bụng bảo anh chở tôi đi ăn sáng khi ra khỏi nhà. Nhưng bây giờ thì tôi mời anh đi ăn... bữa kỷ niệm với tôi. Anh chở tôi đi ăn... món gì thật ngon vào. Tôi không có nghèo đâu, còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ. Mình đi thôi anh ạ!".
Từ chối cách gì cũng không được với bà cụ. Ra nhà hàng thì lại chưa tới giờ mở cửa. Tôi bảo cụ, bác cháu mình vô chợ rảo chơi, cho bớt nóng.
Tôi đi ăn tô mì với bà cụ rồi chia tay. Biết nói gì hơn những lời chúc may mắn cho việc chữa trị bệnh tật của bà cụ.
Tôi sẽ nhớ câu "còn đồng nào trong túi thì cứ tiêu đồng ấy cho nó vui vẻ". Tôi sẽ đưa cụ đi Houston khi cụ không thay đổi quyết định, vì nghĩ cho cùng những ngày ở trọ trần gian của cụ cũng chỉ còn ít ỏi như những đồng tiền còn lại trong túi thì tiêu hết đi, tiếc gì, miễn vui vẻ là được.
.