Tủ lạnh là đồ không thể thiếu trong gia đình, tuy nhiên việc lựa được chiếc tủ phù hợp là điều không dễ. Khi chọn tủ, bạn nên tránh 10 lỗi phổ biến sau.

42 1 10 Loi Can Tranh Khi Mua Tu Lanh

Ảnh minh họa: 13 Design Studio.

Không đo chính xác không gian đặt tủ, trước khi mua

Nhiều trường hợp mua tủ về mới phát hiện nó lọt thỏm, hoặc cao quá so với chiều cao cho phép trong gian bếp. Do đó, bạn nên đo kỹ lại không gian mình định đặt tủ, bao gồm chiều cao, rộng, dài.

Cần lưu ý khi đặt tủ vào, bạn buộc phải để ra một khoảng không xung quanh và gầm thiết bị tạo khoảng thông gió cho giàn nóng và giàn lạnh, nếu không tủ dễ gặp trục trặc, nhanh hỏng. Không gian trống tối đa là phép đo sau khi bạn đã trừ đi khoảng 3-5 cm khoảng trống giữa tường với các mặt tủ.

Không hiểu sự khác biệt giữa dung tích thực và dung tích tổng

Một yếu tố quan trọng khác mà bạn cũng cần lưu ý là dung tích tủ.

Vì dung tích tủ lạnh được đo bằng dung tích thực và tổng dung tích (thể tích), vì thế, khi bạn biết được sự khác biệt giữa hai thông số này, bạn sẽ có sự lựa chọn đúng. Cần nhớ, dung tích tổng là dung tích nguyên khối của chiếc tủ lạnh, tính luôn cả phần vỏ. Trong khi đó, dung tích thực là dung tích thực tế của tủ lạnh có thể sử dụng. Khi mua tủ lạnh, bạn cần quan tâm đến dung tích sử dụng hơn là thể tích của chiếc tủ.

Không tham khảo các kiểu tủ khác nhau

Bước vào siêu thị, bạn có thẻ ngay lập tức mê mệt một mẫu tủ nào đó và mua luôn, nhưng sau đó phát hiện ra thiết kế không hề tối ưu khi sắp xếp đồ như một số loại tủ khác. Để không mắc sai lầm này, khi mua tủ, nên đi tham quan nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau rồi mới lựa chọn.

Thị trường hiện nay có khoảng 6 đến 7 loại tủ lạnh khác nhau như tủ mini, side-by-side, tủ có ngăn đá trên, ngăn đá dưới, tủ đông tích hợp, tủ lạnh kiểu Pháp...

Một nguyên tắc nhỏ bạn cần lưu ý là tủ lạnh càng nhiều ngăn, dung tích thực càng nhỏ, khi so sánh với sản phẩm khác có kích thước tương tự.

Không tìm được đúng loại phù hợp với nhu cầu

Mỗi loại tủ sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, do đó bạn nên cân nhắc xem các đặc điểm của tủ lạnh mà bạn chọn có phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia đình hay không.

Ví dụ, một chiếc tủ lạnh có tính năng khóa trẻ em sẽ cực kỳ tiện dụng nếu con bạn khoái mở tủ lạnh ra nghịch. Ngoài ra, nếu bạn là người thích nước đá thì việc trang bị một chiếc tủ có vòi nước đá lạnh trực tiếp từ tủ là cần thiết.

Không nhận ra rằng những chi tiết nhỏ tạo nên sự khác biệt lớn

Các chi tiết nhỏ cũng rất quan trọng khi bạn mua một chiếc tủ lạnh, ví dụ các giá/khay/hộc có thể tháo rời ra để vệ sinh hay không, các góc chống tràn, tốc độ làm lạnh... của tủ thế nào. Việc tìm hiểu thật kỹ từng chi tiết sẽ giúp bạn có một chiếc tủ ưng ý.

Không chọn màu/chất liệu tương thích với thiết kế nội thất

Trong các căn hộ hiện đại, thiết bị nhà bếp có sự gắn kết và liền mạch với thiết kế nội thất. Ví dụ, các thiết bị bằng thép không gỉ mang lại nét hiện đại, kiểu dáng đẹp cho nhà bếp hiện đại, nhưng rất không phù hợp với nhà decor phong cách đồng quê.

Không chọn tủ có nhãn năng lượng

Tủ lạnh là một trong những thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn trong các hộ gia đình. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải tìm một tủ lạnh tiết kiệm năng lượng, để hóa đơn tiền điện của bạn không tăng đột biến.

Để biết liệu tủ lạnh bạn chọn mua có được thiết kế với mục đích tiết kiệm năng lượng hay không, hãy để ý 3 dấu tích trở lên trong Nhãn năng lượng. Mặc dù các tủ lạnh tiết kiệm năng lượng thường đắt hơn tủ thường, nhưng chi phí vẫn rẻ hơn về lâu dài.

Không tránh các model cũ, đã lỗi thời

Tủ có giá rẻ hơn dù dung tích tương đương thường là các mẫu đã lỗi thời, thậm chí một số bộ phận có thể không còn có thiết bị thay thế, nếu hỏng hóc. Thêm vào đó, chúng có thể vận hành kém hiệu quả, gây tốn năng lượng.

Không quan tâm đến bảo hành mở rộng

Việc mua bảo hành mở rộng giúp bạn bảo hành tủ lạnh sau 1-2 năm theo quy định của nhà sản xuất. Do đó, loại bảo hành mở rộng này giúp bạn giảm chi phí, trong trường hợp tủ lạnh hỏng bất ngờ. Các lỗi được bảo hành mở rộng bao gồm các lỗi về cơ khí, điện, sửa chữa máy nén hoặc thay thế các bộ phận đắt tiền khác.

Không tính đến chi phí bổ sung cho việc lắp đặt, giao hàng tại nơi không có thang máy

Nếu căn hộ của bạn ở nơi không có thang máy, việc vận chuyển tủ lạnh lên tận tầng cao để lắp đặt sẽ trở thành vấn đề nan giải do phải thuê nhân công. Do đó, nên thảo luận kỹ với người bán để tránh bị rắc rối sau đó.

Nguồn: VNexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC