Đã gần 10 năm không gặp, tôi không ngờ Tuấn lại thay đổi nhiều đến thế!
Cậu ấy bây giờ đã trở thành một "người đàn ông hoàng kim" được nhiều người săn đón: Đẹp trai, giàu có, tính tình dịu dàng, phong độ, hiếu thảo; quan trọng nhất là cậu ấy còn độc thân.
Nhớ lại cái thời mới ra trường, hai đứa chúng tôi từng ăn biết bao nhiêu khổ chỉ vì "không tiền, không quyền, lại quá hiền."
22 tuổi, chân ướt chân ráo bước vào một môi trường mới – môi trường công sở, tôi và Tuấn không hẹn mà cùng xin vào một công ty nhỏ làm về triển lãm máy móc.
Công ty này nằm trên tầng 10 của một tòa nhà cao tầng ở thành phố. Quy mô không lớn, ngoài hai chúng tôi ra, tính cả sếp cũng chỉ có gần 10 người.
Do đó, công việc của người này cũng là công việc của người kia. Một người phải biết làm hết việc của tất cả mọi người và ngược lại, mọi người phải làm công việc của người khác khi họ rảnh.
Thế nên, cho dù đến giờ cơm trưa đi nữa, tất cả chúng tôi đều không có ai dám buông công việc trong tay ra. Đặc biệt là vào những mùa có khách hàng đặt lịch triển lãm nhiều, chúng tôi bận đến nỗi tay chân đều loạn xạ hết cả lên.
Lương cả hai đứa khi đó cũng chỉ tầm 150k/ ngày, tức là 4,5 triệu/ tháng, tính cả tiền chuyên cần, tiền ăn, tiền xăng cộ.
Tan sở, tôi chọn một công việc online về viết SEO để làm thêm, còn Tuấn thì đi học thêm tiếng Trung, bởi vì ông chủ hiện tại của chúng tôi là người Trung Quốc, nên sau khi nhìn thấy tin tức tuyển dụng, cậu ấy muốn học thêm tiếng trung để làm trợ lý kiêm luôn phiên dịch cho ông ấy.
Sau 1 năm nỗ lực học tập, cậu ấy cũng đã lấy được bằng HSK 5. Tôi cũng mừng thay cậu ấy, vì nếu phỏng vấn đậu, từ nay trở đi mức lương của cậu ấy có thể tăng lên đáng kể.
Thế nhưng điều tôi không ngờ đến chính là, ông chủ kia vừa xem xong CV của cậu ấy đã quăng cả CV vào sọt rác mà chẳng thèm phỏng vấn lấy một lời. Ông ấy nói rằng:
"Một thằng nhóc mới ra trường thì có được bao nhiêu kinh nghiệm, chẳng bằng chuyên tâm làm một văn thư bình thường cho rồi, tránh làm mất thời gian của tôi."
Chúng tôi đều đang đứng ngoài cửa phòng, tôi nhìn qua Tuấn, thấy cậu ấy im lặng, có vẻ hơi buồn, nhưng trông dáng vẻ vẫn khá bình tĩnh. Quản lý nhân sự của chúng tôi thấy vậy cũng nói đỡ vài lời, bảo ông chủ hay là gọi Tuấn vào phỏng vấn thử, biết đâu thành tích cậu ấy tốt thì sao, nhưng ông ta cười nhạo rồi cự tuyệt ngay lập tức.
Hôm đó, tôi và Tuấn về cuối cùng. Đến tận khi vào thang máy, tôi mới thấy mắt cậu ấy ươn ướt, nhưng cậu ấy đã vội đeo kính và khẩu trang che khuất gương mặt.
Tôi bảo:
"Thực ra tớ đã tìm được một công ty khác thích hợp với sở thích của tớ hơn. Ngày mai, tớ sẽ nộp đơn xin nghỉ. Cậu có muốn nghỉ cùng tớ không?"
Cậu ấy nhìn tôi lắc đầu:
"Tớ sẽ nghỉ việc, nhưng không phải lúc này!"
Từ hôm đó, hai chúng tôi mỗi người làm một nơi. Sau này, bởi vì điện thoại bị trộm mất, tôi đã làm mất liên lạc với cậu ấy. Mà Tuấn cũng không hề liên lạc với tôi, nên chúng tôi không gặp nhau từ đó.
Nhớ lại những chuyện này, tôi không khỏi cảm thán, thời gian trôi qua nhanh thật, thấm thoát đã qua 10 năm. Nếu không nhờ cậu ấy vô tình nhìn thấy tôi trên Facebook, có lẽ giờ này hai chúng tôi cũng không thể ngồi đây để kể chuyện xưa.
Thực ra khi đó, chúng tôi đều biết rằng, công ty triển lãm kia chỉ là bậc thang đầu tiên cần phải bước lên. Nhưng một người mới như chúng tôi, bắt gặp sự khinh thường của lãnh đạo; sự bồng bột, nóng nảy của tuổi trẻ, kinh nghiệm sống thấp cùng khả năng chịu đựng kém thực sự khiến tôi chịu đựng không nổi.
Tuấn nói với tôi, cậu ấy vẫn làm ở công ty đó thêm hai tháng. Sau đó, quen được một vị giám đốc 35 tuổi trong buổi triển lãm mà cậu ấy được phân công sắp xếp trước đó.
Vị giám đốc này người Việt, nhưng từ nhỏ đến lớn đều sống ở nước ngoài, anh ta về nước để lập nghiệp và đang tìm một người có kinh nghiệm làm trợ lý cho mình.
Cuối cùng, Tuấn đã chuyển việc.
Khởi nghiệp không phải dễ, mà muốn làm việc cho những công ty mới thành lập lại càng không phải chuyện đùa. Bạn sẽ có càng nhiều việc và áp lực hơn bình thường rất nhiều.
Tôi thiết nghĩ, nếu lúc đó Tuấn không đủ kiên trì, mà từ bỏ ngay từ bậc thang đầu tiên hay công ty mới thành lập sau này đi nữa, có lẽ cậu ấy cũng không được như ngày hôm nay.
Giờ đây, Tuấn đã trở thành bạn thân của vị giám đốc kia. Dựa vào những năng lực và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình phát triển công ty, cậu ấy đã không còn làm một trợ lý quèn nữa, mà tự mình thành lập một công ty riêng.
Những người trước kia xem thường cậu ấy, xem thường gia đình cậu ấy nghèo, bây giờ đều "thấy sang mà bắt quàng làm họ."
Thế giới cũng thật kì lạ, khoảng thời gian cậu ấy bị trầm cảm vì quá stress, chỉ có tôi và cậu ấy biết, cậu ấy giấu ba mẹ vì sợ họ lo lắng. Thế nhưng, khi Tuấn có tiếng tăm, giàu có, bạn bè không biết từ đâu lại "gõ cửa hỏi thăm" quá chừng.
Bài viết này không dài, cũng không có nhiều định luật, quy tắc hay bài học để truyền đạt với mọi người.
Đây chỉ là một mẩu chuyện đời thực nho nhỏ, mà thông qua đó tôi muốn nhắn gửi mọi người một điều:
Thể diện tuy quan trọng, nhưng sống quá sĩ diện chỉ làm hại đến chính mình.
Người xưa thường nói "Đại trí nhược ngu", có nghĩa là những người sống trí tuệ trước giờ đều chưa bao giờ để ý đến lời nói và ánh mắt của người ngoài, họ khiêm tốn, không sợ hãi lời gièm pha.
Nếu khi bạn còn nghèo, đừng quá quan tâm đến lời nói xấu xa của người khác. Nếu khi bạn thành công, giàu có rồi, lại càng nên buông xuôi những lời thị phi ấy. Bởi vì chỉ có tâm thanh tịnh, lòng bình an, mới có đủ sáng suốt mà làm việc, sống vui vẻ, tích cực hơn.
Nguồn: CAFEBIZ