Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng chỉ số EQ rất quan trọng đối với hiệu suất thực hiện công việc.
Nhà cung cấp các bài kiểm tra, huấn luyện trí tuệ và xúc cảm hàng đầu thế giới TalentSmart đã kiểm tra EQ của hơn một triệu người và nhận thấy rằng 58% số người thành công là có chỉ số EQ cao.
Những người có EQ cao có khả năng kiếm được nhiều hơn người có EQ thấp 29.000 USD mỗi năm (với các điều kiện khác tương đương), và có đến 90% những người thực hiện công việc tốt có chỉ số EQ cao, và chỉ số EQ của bạn tăng một điểm thì có thể giúp bạn kiếm được thêm 1.300 đô la.
Một nghiên cứu gần đây của trường Kinh doanh Foster tại Đại học Washington đã phát hiện ra rằng người ta thường không chấp nhận những giá trị bề ngoài của EQ. Họ quá hoài nghi về điều đó. Họ không muốn chỉ được thấy một người có EQ cao mang tính bề mặt, họ muốn chắc chắn rằng nó là chân thật – và rằng cảm xúc của bạn là chân thật, là đáng tin cậy.
Theo nhà nghiên cứu hàng đầu Christina Fong, khi điều đó xảy ra với các đồng nghiệp của bạn: “Họ không phải là người máy, họ biết suy xét. Họ suy nghĩ về những cảm xúc mà họ nhìn thấy và quan tâm rằng liệu chúng là chân thành hay giả tạo”.
Người chân thật không cố gắng làm mọi việc để lấy lòng người khác.
Nghiên cứu tương tự cho thấy các lãnh đạo ngay thẳng, thành thật có hiệu quả công việc cao hơn rất nhiều trong việc thúc đẩy tinh thần nhân viên bởi họ có khả năng truyền sự tin tưởng và sự ngưỡng mộ của mình tới người khác thông việc làm của họ chứ không chỉ là lời nói. Nhiều nhà lãnh đạo nói rằng tính trung thực là điều quan trọng đối với họ, các nhà lãnh đạo chân thật thì thể hiện sự minh bạch qua những gì họ làm hàng ngày.
Để đánh giá EQ của một người, thì những cử chỉ biểu hiện ra là chưa đủ, bạn cần phải là một người chân thật từ nội tâm. Một trong những phương pháp hiệu quả để bạn có thể tự đánh giá tính chân thật của mình bằng cách so sánh hành vi của chính mình với hành vi của những người được cho là vô cùng thành thật.
“Tính chất xác thực đòi hỏi một sự đánh giá đáng tin cậy về sự dễ bị tổn thương, sự minh bạch và tính toàn vẹn”, theo Janet Louise Stephenson.
1. Người chân thật không cố gắng làm mọi việc để lấy lòng người khác
Người chân thật thì biết rõ mình là ai. Họ biết rằng một số người sẽ thích họ, và một số thì không thích, họ chấp nhận điều đó và vẫn duy trì cuộc sống, hài hòa các mối quan hệ. Nói vậy không có nghĩa rằng họ không quan tâm đến việc người khác có thích họ hay không, mà chỉ đơn giản là họ sẽ không để cho điều đó ảnh hưởng tới lối sống của họ, đến sự thành thực của họ. Họ sẵn sàng đưa ra các quyết định không có tính chất quần chúng và nhận những vị trí không được quần chúng ủng hộ, họ thấy đó là điều cần phải làm.
Vì những người chân thật không mong cầu sự quan tâm, chú ý, nên họ không cố gắng tìm cách phô trương, tạo ấn tượng trong mắt người khác. Họ biết rằng khi họ nói chuyện một cách thân thiện, tự tin và súc tích, mọi người sẽ chú ý tới và quan tâm đến những gì họ nói hơn nhiều so với việc họ cố gắng tỏ ra họ là người quan trọng. Người khác sẽ nhanh chóng yêu thích luận điểm và tâm thái của bạn và bị thu hút vào đó nhiều hơn chứ không phải là việc bạn biết điều gì hoặc biết những ai.
2. Tôn trọng và tiếp thu ý kiến của người khác
Những người chân thành luôn cởi mở, điều này khiến họ có thể tiếp cận và thu hút người khác. Không ai muốn có một cuộc nói chuyện với một ai đó mà đã luôn có thành kiến và không muốn lắng nghe.
Trong công tác, duy trì tâm thái cởi mở là rất quan trọng, điều này giúp bạn có khả năng tiếp cận với nhiều người, có được con đường đến với những ý tưởng và sự trợ giúp mới. Để loại bỏ các quan niệm và thành kiến ban đầu, bạn cần phải đặt mình vào địa vị của người khác suy xét, nhìn nhận vấn đề. Điều này không đòi hỏi bạn phải tin vào những gì người khác nói hay phớt lờ những gì người khác làm mà chỉ đơn giản là bạn gắng bỏ qua sự phán xét và thành kiến đủ để hiểu điều đối phương quan tâm. Chỉ khi đó bạn mới có thể để cho họ biết họ là ai.
3. Người chân thật tạo ra đường hướng của riêng họ
Người thành thật không tìm cầu cảm giác vui sướng, hạnh phúc từ những ý kiến đánh giá của người khác. Điều này khiến họ tự do sống cuộc sống mà họ đã lựa chọn bằng chính con người thật của mình. Họ biết họ là ai, họ không giả tạo, không “đóng vai” là một ai khác. Mọi việc họ làm là xuất phát và phản ánh từ nội tâm của họ, họ có các nguyên tắc chỉ đạo của bản thân và tự đo lường chính mình. Họ làm những gì họ tin là đúng, và nếu có ai đó không thích điều họ đang thực hiện, thì nó cũng hoàn toàn không ảnh hưởng đến họ.
4. Người chân thật luôn rộng lượng
Người chân thật luôn rộng lượng, họ tin rằng thành công của bạn cũng chính là thành công của họ.
Ở nơi làm việc, có không ít đồng nghiệp của chúng, cho dù đó là kiến thức hoặc nội lực, họ hoạt động như thể họ sợ bạn sẽ tỏa sáng hơn họ nếu họ cung cấp cho bạn cơ hội tiếp cận với những thứ bạn cần để thực hiện công việc của mình. Những người chân thật là những người lúc nào cũng hào phóng, rộng lượng với những người họ biết, những gì họ biết và những nguồn lực mà họ có cơ hội tiếp cận. Họ muốn bạn sẽ làm tốt hơn bất cứ điều gì khác bởi vì họ là những người luôn có tính hợp tác và họ đủ tự tin để không bao giờ lo lắng rằng sự thành công của bạn có thể làm cho họ trở nên tồi tệ. Trên thực tế, họ tin rằng thành công của bạn là thành công của họ.
5. Họ tôn trọng mọi người
Cho dù là khi tương tác với những đối tác lớn nhất của doanh nghiệp hoặc những người bồi bàn, thì những người chân thực vẫn luôn lịch sự và tôn trọng đối phương. Họ hiểu rằng bất kể họ hấp dẫn ra sao trước những người ăn bữa trưa cùng họ, thì tất cả chỉ là điều vô nghĩa nếu những người đó chứng kiến họ có hành vi xấu với người khác. Những người chân thật hành xử tôn trọng đối tác bởi họ biết rằng họ không phải là người tốt nhất thế gian.
6. Không bị vật chất dụ hoặc
Người chân thật không cần những thứ hào nhoáng vật chất bên ngoài, họ không cảm thấy chạy theo thời thượng mới là tốt. Họ nghĩ rằng để đi ra ngoài và mua những món hàng mới nhất và tuyệt vời nhất mới thể hiện được địa vị, uy tín của họ thì thật là không đúng đắn về đạo lý, không xác thực; họ không cần phải làm điều này để được hạnh phúc. Với họ mà nói, hạnh phúc đến từ bên trọng nội tâm, cũng như từ những niềm vui đơn giản hơn – chẳng hạn như được ở bên bạn bè, gia đình và ý thức về mục đích sống – điều đó làm cho cuộc sống của họ trở nên phong phú hơn.
7. Họ là người đáng tin cậy
Mọi người hướng về những người thành thật vì biết rằng có thể tin cậy vào họ. Rất khó để thích ai đó khi bạn không biết họ thực sự là ai và họ thực sự cảm thấy thế nào. Người thành thật nghĩa là họ nói đúng những gì họ nghĩ và làm đúng những gì họ cam kết. Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy một người chân thật nói: “Ồ, tôi chỉ nói vậy để làm cho cuộc gặp gỡ kết thúc nhanh hơn”. Bạn biết rằng nếu họ nói điều gì đó, đó là vì họ tin rằng nó phải là sự thật.
(Ảnh qua vortl.com)
8. Họ có bản lĩnh
Những người chân thật có một ý thức mạnh mẽ rằng họ không để cho ‘tự mình hù mình’. Nếu ai đó phê bình một trong những ý tưởng của họ, họ không coi đây là một cuộc tấn công cá nhân. Họ không cần phải đi đến kết luận, không cảm thấy bị sỉ nhục và không bắt đầu âm mưu trả thù của mình. Họ có thể đánh giá một cách khách quan các phản hồi tiêu cực và xây dựng, chấp nhận những gì có hiệu quả, đưa nó vào thực tế và để phần còn lại của nó phía sau mà không dùi sâu vào những cảm giác oán giận.
9. Tập trung hoàn toàn vào cuộc đối thoại
Những người chân thật tạo ra sự kết nối theo chiều sâu trong các cuộc đối thoại.
Khi bạn đang nói chuyện với ai đó, thì một tiếng chuông điện thoại hoặc tin nhắn vang lên, hoặc chỉ cần một cái liếc mắt của bạn vào màn hình điện thoại đã có thể làm gián đoạn cuộc hội thoại. Người chân thật sẽ tập trung toàn bộ năng lượng vào cuộc trò chuyện đó. Bạn sẽ thấy rằng những cuộc đối thoại có thể sẽ trở nên thú vị và hiệu quả hơn nhiều khi bạn để hết tâm trí vào chúng.
Khi bạn đang trao đổi, thảo luận và tiếp cận ai đó, nếu cuộc nói chuyện vụn vặn, hay bị xen ngang như vậy sẽ khiến đầu não của họ bị mất tập trung và sẽ khiến họ khó cảm thụ những điều bạn đang đề cập, và không mấy ấn tượng với câu chuyện mà bạn đang đề cập cũng như chính bản thân bạn. Những người chân thật tạo ra sự kết nối và tìm kiếm chiều sâu ngay cả trong những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, hàng ngày. Sự quan tâm thực lòng đến người khác giúp họ dễ dàng đặt ra những câu hỏi thiện ý, đáng giá và liên quan đến những điều họ được biết về những khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống của đối phương.
10. Họ không bị cái tôi dẫn động
Người chân thật không đưa ra những quyết định dựa trên bản ngã của họ bởi vì họ không cần sự ngưỡng mộ của người khác để cảm thấy bản thân mình tốt lên. Tương tự như vậy, họ không tìm kiếm ánh đèn sân khấu hào nhoáng hoặc cố gắng để lấy được sự tin tưởng dựa trên thành tựu của người khác. Họ chỉ đơn giản sẽ thực thi những gì cần phải làm mà không cần phải hô lên: “Này mọi người, hãy nhìn tôi đây này!”
11. Họ không sống đạo đức giả
Những người chân thật nói là làm và nói gì làm nấy, giữ đúng cam kết. Họ không bảo bạn phải làm một điều và sau đó chính họ làm ngược lại. Mọi việc họ làm dựa trên sự tự nhận thức của họ. Nhiều người đạo đức giả thậm chí không nhận ra những sai lầm của bản thân. Họ không nhận thức được những điểm yếu của họ. Trái lại, người chân thật sẽ tìm cách tự mình giải quyết những vấn đề của chính mình trước.
12. Khiêm tốn, không khoe khoang
Chúng ta đều đã từng làm việc với những người không thể ngừng nói về bản thân và những thành tựu của họ. Đã bao giờ bạn tự hỏi lý do về lối hành xử như vậy chưa? Họ tự hào và khoe khoang bởi lẽ họ không an tâm và lo lắng rằng nếu họ không nói ra những thành tựu của họ, thì sẽ không ai nhận ra. Người chân thật không cần phải khoe khoang. Họ tự tin vào những gì họ đã làm được, nhưng họ cũng nhận thức rằng khi bạn thực sự làm điều gì đó quan trọng có tầm ảnh hưởng, thì bản thân điều đó nó là có giá trị, và người khác sẽ cảm nhận được sức nặng của nó, không cần phải để tâm xem có bao nhiêu người nhận thấy hoặc đánh giá cao điều đó.
Lời kết
Những người chân thật luôn biết mình là ai. Họ đủ tự tin để có thể thoải mái ở vị thế của mình. Họ rất thực tế, và chắc chắn sẽ hiện diện vào lúc cần thiết bởi vì họ sẽ không cố gắng để luận đoán những vấn đề của người khác hoặc lo lắng về những gì thuộc về bản thân họ.
Theo Entrepreneur/Tác giả Travis Bradberry
Minh Huyền biên dịch
Tri thức Việt Nam