Bạn là một người trẻ đang trên con đường tìm kiếm hướng đi cho mình, nhưng bạn lại không biết phải bắt đầu từ đâu.
Hay bạn đang trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp và đang đối diện với rất nhiều những khó khăn, thử thách của công việc.
Và nếu lúc này bạn cảm thấy cần phải thực sự nhìn nhận lại con đường mình đang theo đuổi, bài viết này là dành cho bạn.
Bài viết không phân tích một chủ đề duy nhất. Nó tập hợp những ý kiến của những người đã thành công trong lĩnh vực của họ, chí ít là họ đã thành công trong việc tìm thấy một công việc để hăng say cống hiến những giá trị của bản thân cho công việc.
Suy ngẫm về những lời khuyên này, thực sự nhìn lại con đường mình đã đi qua, những việc mình đã làm, những ý tưởng mình đã thực hiện; thậm chí, liệt kê lại tất cả những điều mình chưa làm được và những thất bại ê chề của bản thân.
Sau đó, đối chiếu với những lời khuyên được đưa ra dưới đây, bạn sẽ tìm thấy cho mình một gợi ý, một hướng đi mới để phát triển sự nghiệp của mình.
1. Xác định đâu là con đường mình của mình?
Hãy xác định hướng đi cho chính mình, đây là bước khởi đầu quan trọng nhất (Ảnh minh họa: espritdalliance.fr)
1. “Bạn không cần phải có nhiều năm kinh nghiệm hoặc bằng cấp thật xuất sắc mới có thể tạo nên sự khác biệt” –
Joachim Marciano, quản lý tài chính, Facebook.
2. Hãy tránh xa những con đường tắt. Tìm ra cách suy nghĩ và hành động của riêng mình. Hãy kiên định với hướng đi mà bạn đã tìm ra – Ross Taverson, Trưởng đại diện Chiến lược toàn cầu tại các thị trường mới nổi, Quỹ Jupiter.
3. “Hãy luôn nuôi dưỡng sự tò mò của mình: Những ai đạt được nhiều câu hỏi nhất là những người thành công nhất trong sự nghiệp” – Laura Edery, Quản lý Khách hàng, LinkedIn.
2. Đâu là những kỹ năng bạn nên rèn luyện?
Rèn luyện sự bền bỉ và nạp cho mình đầy những năng lượng tích cực từ thiên nhiên, sự học hỏi và những chuyến đi. Những điều đó là tài sản đầu tiên cho dự án khởi nghiệp của bạn (Ảnh minh họa: voyagesontario.com)
4. Bạn sẽ không bao giờ tránh được sự đánh giá của người khác, vậy nên tốt hơn hết, hãy để họ đánh giá về những điều tốt đẹp của bạn – Roger Delves, Trưởng khoa Chương trình cấp bằng Ashridge, Trường Kinh doanh Quốc tế Hult
5. Một người biết tạo nên giá trị của bản thân thường có ba đặc điểm sau:
- Tạo ra giá trị – Đừng chờ đợi người khác liên lạc với bạn, hãy tìm cơ hội của mình bằng cách để cho nhà tuyển dụng biết những điều bạn có
- Chia sẻ những giá trị đó một cách công khai – Đừng chỉ hài lòng với việc nói về những điều bạn đã làm, hãy để mọi người thật sự nhìn thấy nó.
- Xây dựng những mối quan hệ đích thực – Những cơ hội sẽ xuất hiện khi bạn giúp đỡ mọi người.
Matthew Trinetti, Giám đốc Giáo dục, Escape the City.
6. Kỹ năng mà rất nhiều những người khởi nghiệp cần rèn luyện đó là năng lượng và sự sẵn sàng cống hiến. Điều đó giúp họ có thể duy trì bền bỉ khả năng làm việc với cường độ lớn (của giai đoạn khởi đầu) – Nishita Dewan, Quản lý các hoạt động cộng đồng, Uber.
3. Xây dựng thương hiệu cá nhân
Hãy nhìn vào bên trong để biết mình là ai, mình muốn cống hiến điều gì cho cuộc sống này. Nhìn thấy rồi hãy sống như vậy mỗi ngày (Ảnh minh họa: filmsupply.com)
7. “Điều gì khiến bạn trở thành duy nhất? Nếu bạn không tạo dựng được thương hiệu cá nhân của mình, người ta sẽ nhìn nhận bạn bằng những định kiến của họ. Những kỹ năng quan trọng mà bạn có cũng sẽ bị bỏ qua. Bạn không bao giờ được cho phép mình trở thành “bức họa châm biếm” mà người khác vẽ nên” – Roger Delves, Trưởng khoa Chương trình cấp bằng Ashridge, Trường Kinh doanh Quốc tế Hult.
8. “Hãy để người khác biết về “thương hiệu” của bạn. Bạn hãy tạo ra những giá trị cốt lõi của riêng mình bằng những điểm mạnh nhất của mình, trên cả hai phương diện tình cảm và lý trí. Hãy sống với những giá trị mà bạn theo đuổi mỗi ngày, cách sống ấy sẽ giúp bạn lan tỏa “hình ảnh” của mình một cách đáng tin cậy nhất. Hãy tạo ra một không gian nơi mà bản thân bạn, sự nghiệp và hình ảnh của bạn được cùng nhau trưởng thành” – Roger Delves, Trưởng khoa Chương trình cấp bằng Ashridge, Trường Kinh doanh Quốc tế Hult.
4. Ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc quốc tế sẽ mang lại điều gì cho bạn?
Đi ra một đất nước khác là một trong những cách phiêu lưu và thú vị nhất để ra khỏi giới hạn của bản thân mình và sự bao bọc của gia đình. Sự nghiệp cần ở bạn sự trưởng thành (Ảnh minh hoa: .explorehimalaya.com)
9. “Tất cả chúng ta đều cần biết tiếng Anh. Tất cả các nhân viên của chúng ta cần phải diễn đạt được bản thân họ bằng thứ ngôn ngữ này. Tôi khuyến khích các bạn học và không ngừng nỗ lực trau dồi và cải thiện trình độ tiếng Anh của mình” – Joachim Marciano, quản lý , Facebook.
10. “Tôi luôn cảm thấy mình học hỏi được nhiều hơn khi làm việc ở nước ngoài – Nishita Dewan, Quản lý các hoạt động cộng đồng, Uber.
11. “Tôi khuyến khích mọi người tìm kiếm cho bản thân mình những trải nghiệm ở nước ngoài. Nó không nhất thiết là bạn phải tìm được một công việc ở quốc gia khác trong vòng vài năm. Việc tham gia những dự án nhỏ, hay tham dự những cuộc hội thảo cũng đủ giúp bạn học hỏi được rất nhiều những kĩ năng quyết định cho công việc sau này – Louise d’Amécourt, Quản lý Kinh doanh tối ưu khu vực Châu Âu, Braintree-Paypal.
5. Xây dựng các mối quan hệ như thế nào?
GIữ một trái tim hài hòa, hướng về người khác đó là chìa khóa để mở cửa mọi trái tim, là chất kết dính tốt nhất cho mọi mối quan hệ bạn muốn xây dựng. (Ảnh minh họa: out-the-box.fr)
12. “Hãy nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ của bạn: Mạng lưới này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm kiếm việc làm của bạn, mà nó còn là một phương tiện tuyệt vời để bạn tìm thấy những cơ hội để thúc đẩy sự tiến bộ của bản thân mình” – Laura Edery, Quản lý Khách hàng, LinkedIn.
13. “Khi bạn xây dựng mạng lưới quan hệ của mình, đó là khi bạn cho đi và nhận lại cùng một lúc. Có thể, những điều bạn nhận được sẽ không xuất hiện ngay lập tức, theo thời gian, bạn sẽ nhìn thấy chúng” – Matthew Trinetti, Giám đốc Giáo dục, Escape the City.
14. “Kiến tạo một mạng lưới quan hệ với những người có tầm ảnh hưởng và những người mà bạn ngưỡng mộ trong thế giới trực tuyến. Đơn giản là bạn chỉ cần theo dõi trang mạng xã hội của họ, quan sát những điều họ chia sẻ, điều đó đủ để bạn có thể học hỏi được rất nhiều điều từ những người giỏi nhất – Narae Kim, Giám đốc Truyền thông xã hội, EF Education First.
Ngay cụm từ “xây dựng sự nghiệp” rất quen thuộc cũng đưa ra cho chúng ta những gợi ý rất quan trọng về việc phát triển nghề nghiệp của bản thân. Để có được một sự nghiệp vững vàng có thể đem tới thu nhập tốt và danh tiếng lớn là một quá trình. Chúng ta không thể nhảy cóc hay đi tắt để tới được thành công, bạn có thể ghi nhớ điều này như một quy luật.
Kiên nhẫn giúp chúng ta đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Quan trọng hơn, nó khiến ta có thể tiếp tục đi về phía trước mà không có sự sợ hãi làm bạn đồng hành (Ảnh minh họa: dẫn theo Giáo dục hướng nghiệp)
Không ít những động từ được sử dụng trong những lời khuyên trên không ngẫu nhiên đều mang tính lâu dài, từng bước.
Do đó, nếu bạn chưa thực sự thành công trong sự nghiệp, cũng chưa tìm thấy hướng đi cho chính mình hay vẫn loay hoay để có thể làm tốt công việc hiện tại, xin đừng nản chí. Bạn vẫn còn cơ hội, vì mỗi ngày mới đều là cơ hội thứ hai để bạn làm khác đi và làm tốt hơn.
Nhưng cơ hội sẽ chỉ tới khi chúng ta biết nhìn nhận lại chính mình, thấy được cái ta đã làm được, cái ta còn thiếu, học hỏi ở những người giỏi hơn để điều chỉnh lại cách nghĩ, cách hành động của mình.
Vậy nên, xin đừng coi những chia sẻ kinh nghiệm là những điều chỉ để nghe, hãy lấy đó làm tấm gương để soi chiếu bản thân mình. Bạn sẽ thấy, những gợi ý nhỏ thôi nhưng đủ sức thay đổi rất nhiều đang chờ đợi bạn.
Nguồn: Hải Lam
Đại Kỷ Nguyên