Bill Gates được thế giới biết đến như một huyền thoại khi sáng lập và điều hành thành công Công ty công nghệ lớn nhất thế giới Microsoft và trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Cuốn sách “Bill Gates – Cuộc đời và Sự nghiệp” mới được phát hành gần đây đã chia sẻ thông tin về quan điểm sống, về cách làm việc của Bill Gates, đây là những điều ông rất tâm đắc.
Có rất nhiều sự việc đã đến với ông và ông nhận ra rằng nền giáo dục hiện nay “chỉ dạy những điều được cho là đúng đắn”, khiến tạo nên một thế hệ con người không có khái niệm về thực tế và làm có thể dẫn đến thất bại trong đời thực.
Dưới đây là 8 nguyên tắc mà Bill Gates đã nêu ra trong cuộc sách này của ông, bạn hãy nhìn nhận xem bản thân mình cần làm gì sau khi đọc các nguyên tắc này nhé:
Quy tắc 1: Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó.
Bạn đừng nên buồn bã chán nản vì thấy có rất nhiều người giàu có hơn bạn, cho dù bạn đã cố gắng lao động hết sức mình. Hãy hiểu rằng cuộc sống luôn vận hành theo quy luật của nó, cho dù bạn có biết quy luật đó hay không.
Hãy trân quý những gì cuộc sống mang đến cho bạn, bởi đó là những gì tốt nhất bạn xứng đáng được nhận.
Quy tắc 2: Thế giới sẽ không quan tâm đến lòng tự cao của bạn, điều họ quan tâm chính là bạn đã làm được những gì. Do đó đừng quá chú trọng hay cường điệu bản thân lên.
Bạn đừng nghĩ nhiều về người khác cảm nhận bạn như thế nào, thay vào đó, hãy tập trung làm tốt công việc, hãy hoàn thành đầy đủ và có chất lượng từng việc một.
Nhìn chung mọi người sẽ đánh giá bạn qua những gì bạn làm, chứ không chỉ qua những lời bạn nói. Sẽ có lúc bạn nhận ra rằng người khác không hề đánh giá cao bạn như bạn vẫn hình dung là thế.
Cũng nên nhớ rằng sự tự cao thái quá sẽ tỷ lệ thuận với sự bất lợi trong công việc và cuộc sống của bạn.
Quy tắc 3: Việc làm lương thấp không làm mất giá trị của bạn. Ông bà của bạn có một định nghĩa khác dành cho việc làm lương thấp – họ gọi đó là cơ hội.
Nếu công việc hiện tại của bạn mang lại thu nhập thấp, hãy nhìn nhận xem liệu bạn học hỏi được những kỹ năng gì, kiến thức gì ở công việc đó. Bởi những điều này sẽ làm cơ sở cho bạn có được mức thu nhập cao hơn sau này.
Đây chính là cơ hội của bạn, với những gì đến với bạn trong ngày hôm nay, hãy xem đó như là cơ hội thực sự, cơ hội để có được trải nghiệm cần thiết cho cuộc sống, cơ hội để nhìn nhận lại bản thân, tìm xem liệu bạn nên thay đổi những gì để có được kết quả công việc tốt hơn.
Hơn thế nữa, đó là cơ hội phát triển cảm xúc, luôn hướng bản thân đến những cảm xúc tích cực.
Quy tắc 4: Trước khi bạn sinh ra, cha mẹ của bạn không buồn chán như bây giờ.
Họ trở thành như thế là vì phải thanh toán hóa đơn cho bạn, làm sạch quần áo của bạn và lắng nghe bạn nói rằng mình sành điệu như thế nào. Vì vậy trước khi cằn nhằn bố mẹ điều gì, bạn hãy dọn dẹp tủ đồ của bạn cho ngăn nắp.
Có nhiều bạn trẻ hay cằn nhằn về bố mẹ họ, họ cho rằng bố mẹ họ cổ hủ, không hiểu về cuộc sống hiện đại. Có lẽ bạn nên thử đặt bản thân mình vào vị trí của bố mẹ bạn, bố mẹ bạn đã vất vả như thế nào khi phải nuôi nấng và chăm sóc bạn từng li từng tý cho đến tận bây giờ, họ đã phải hy sinh rất nhiều sở thích cá nhân để dành thời gian và tiền bạc cho cuộc sống của bạn.
Khi hiểu ra rồi, hẳn bạn sẽ không phàn nàn và đổ lỗi cho bố mẹ bạn nữa, bạn sẽ hiểu được bạn cần làm gì để bố mẹ bạn vui hơn. Hãy nhớ rằng bạn phải có nghĩa vụ đền đáp công ơn với những người đã dành cả cuộc đời cho sự sống và trưởng thành của bạn.
Quy tắc 5: Cuộc sống không chia thành các học kỳ.
Bạn không được nghỉ hè và rất ít ông chủ quan tâm đến việc giúp bạn tìm thấy chính mình. Hãy tự dùng thời gian của mình để làm điều đó.
Khi bạn đi học, bạn có thời gian nghỉ hè và nghỉ đông, đó là khoảng thời gian bạn được thư giãn sau chuỗi ngày học tập vất vả, điều này giúp bạn cân bằng hơn.
Tuy nhiên, khi bạn đi làm, cuộc sống cuốn bạn vào cái vòng xoáy tưởng như không có điểm dừng. Bạn khó có thể có được vài tuần nghỉ ngơi và quên hết công việc. Để rồi có lúc bạn không nhận ra được bản thân mình nữa, bạn không hiểu được liệu bạn là ai, bạn đang làm gì, công việc hiện tại có thực sự có ích cho bản thân bạn không.
Vậy nên bạn cần chủ động sắp xếp thời gian, biết buông bỏ một số thứ không cần thiết để có những lúc tĩnh tại. Nhận ra được đâu là điều thiết thực với bản thân, đâu là điều vốn chỉ là phù phiếm sẽ giúp bạn có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
Quy tắc 6: Truyền hình không phải là đời thực.
Ngoài đời thực, người ta phải rời quán cafe và đi làm việc.
Có rất nhiều sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế, cuộc sống không chỉ đẹp như trên truyền hình.
Bạn thường xuyên phải đối diện với nhu cầu về tài chính cho bản thân và con cái, vậy nên đừng nhìn sang cuộc sống của ai đó, hãy cố gắng làm việc một cách hiệu quả, dành thêm thời gian tự nhìn nhận bản thân, để những gì bạn làm sẽ là nguồn tài chính và mang tại sự mạnh mẽ về tinh thần cho bạn.
Quy tắc 7: Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng.
Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.
Hãy thực sự dành thời gian và công sức để hoàn thành tốt bất kỳ công việc của bạn, đừng làm một cách qua loa cho dù đó là công việc đơn giản nhất hay nhỏ nhất, thay vào đó bạn cần đặt tâm vào những việc bạn làm. Đẳng cấp của bạn đến từ tất cả những gì bạn làm, từ việc nhỏ cho đến việc lớn, cho dù đó là cho cuộc sống riêng hay nghề nghiệp của bạn.
Quy tắc 8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn.
Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi rời khỏi ghế nhà trường.
Lý do đơn giản là nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì có thể bạn sẽ không làm việc tốt và một điều thực tế là hoàn toàn có tình huống không ai giúp đỡ bạn trong công việc, bạn phải tự mày mò, tự làm cho đến khi kết quả của bạn được ghi nhận. Bạn nên nhận ra rằng nơi làm việc sẽ luôn yêu cầu cao hơn rất nhiều so với trong trường học.
Vì ở trường học, dù bạn có học được hay không thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn.
Trái lại, bạn có làm được việc hay không thì lại ảnh hưởng đến rất nhiều người trong công ty vì kết quả công việc của bạn có thể là nguyên liệu đầu vào cho công việc của người khác.
Nguồn: Trí Thức Trẻ