Bạn cần lưu ý gì trong các quảng cáo thực phẩm chức năng?Theo chuyên gia Armin Valet thuộc Hiệp hội tiêu dùng Hamburg, các chất nghe có vẻ tốt và an toàn thường làm cho sản phẩm hấp dẫn hơn. Vì thế, trong các quảng cáo thực phẩm chức năng và mỹ phẩm luôn xuất hiện nhiều khái niệm mới,  tạo cho khách hàng cảm giác lạ lạ, khoa học và hứa hẹn nhiều tác dụng thần kỳ trong việc giảm vết nhăn, cải thiện sức khỏe và làm cơ thể hấp dẫn hơn.

Kể từ quy định của EU về Health Claims, các nhà sản xuất không được phép khẳng định một cách đơn giản rằng sản phẩm của họ lành mạnh hơn, có tác dụng làm đẹp hơn, mà phải chứng minh được các giá trị gia tăng trong sản phẩm một cách khoa học.

Song, việc này khá đắt đỏ và đôi khi thậm chí không thể thực hiện được. Tuy nhiên, Quy định vẫn cho phép các nhà sản xuất nêu ra các thành phần có trong sản phẩm khi quảng cáo. Vì vậy, các "thần dược" vẫn tràn lan trong các quảng cáo mà không giải thích rõ ràng. Vậy những hợp chất đó có thực sự mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng? Sau đây là một số hoạt chất thường xuyên được quảng cáo sử dụng mà bạn nên tìm hiểu:

Gelée Royale (Sữa ong chúa) là hợp chất chỉ có trong thực phẩm của ong chúa. Khi trong dầu gội chứa chất này, nó có thể mang lại tác dụng làm mượt tóc. Tuy nhiên, theo chuyên gia Silke Schwartau thuộc Hiệp hội tiêu dùng Hamburg, hiệu quả này trên tóc đến nay vẫn chưa được chứng minh.

Sterol thực vật: Đây là một hợp chất hóa học, tồn tại trong các loài thực vật giàu đạm như dầu hướng dương hoặc đậu nành. Các sterol thực vật ngăn chặn sự hấp thu cholesterol, giảm lượng chất béo trong máu - đó là lý do tại sao chúng được dùng trong bơ thực vật. Ích lợi là thế, nhưng người sử dụng luôn cần được thông tin đầy đủ trước khi dùng bởi hiệu quả tác động của các chất này là rất mạnh. Đồng thời, tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch từ các chất này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng.

Zinkpyrithion: Một hợp chất nhân tạo chống nấm và vi khuẩn, cũng được sử dụng chế tạo sơn. Theo Schwartau, tác dụng chống gầu của nó đã được khoa học chứng minh.

Axit béo Omega-3: nằm trong nhóm chất béo có lợi, có thể giảm nguy cơ đau tim. Ngay trong các thực phẩm tự nhiên, đặc biệt là cá, bạn đã có thể hấp thụ được loại dưỡng chất này. Tuy nhiên, omega-3 tổng hợp nhân tạo có trong các loại thức uống có thực sự mang lại hiệu quả không, đến nay vẫn chưa được kiểm chứng. Với những ai nạp chất này quá nhiều, cũng có thể gây ra phản tác dụng. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên chú ý, đôi khi, các hợp chất được nhắc đến trong quảng cáo, nhưng thực sự lại chẳng có trong sản phẩm. Ví dụ, với hương vị anh đào Piemont-Kirche nổi tiếng được quảng cáo trong sô-cô-la Pralinen, bạn sẽ chẳng tìm thấy loại anh đào nào được trồng tại tỉnh Piemont của nước Ý. Tương tự như bạc hà Carmagnola, ca-cao Cabua phong cách Ý thực chất chỉ là các loại sản phẩm thông thường. Thực chất với các sản phẩm này, các nhà quảng cáo chỉ muốn làm sao cho các thành phần trong sản phẩm nghe có vẻ thêm phần hấp dẫn và cao quý. 

Hương Vũ - ©tintucvietduc.de

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC