Một quảng cáo sản phẩm sữa giả vẫn đang chạy hoành tráng trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Thật sự kinh hãi khi theo dõi thông tin về vụ án sản xuất sữa bột giả tại 2 công ty Rance Pharma và Hacofood Group, vì người tiêu dùng thực sự bị bủa vây bởi một tấm lưới đan kín mà những kẻ tội phạm này dệt nên để vừa đầu độc vừa "hút máu" họ.
Có đến 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai…, nghĩa là "ôm trọn" tất cả những đối tượng khách hàng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt nhất và dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó là ma trận thông tin quảng cáo trên mạng với những clip, bài đăng được bỏ tiền để lan tỏa, nhồi sọ khách hàng về chất lượng tuyệt vời và thành phần cao cấp, quý giá vượt trội, trong khi chất lượng sản phẩm thực tế kém xa chỉ tiêu.
Trong số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xuất hiện trong các video quảng bá sữa bột giả có những bác sỹ dinh dưỡng uy tín lâu năm, từng là lãnh đạo Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng của viện này.
573 loại sữa bột giả không được kiểm nghiệm đã bán ra thị trường. (Ảnh: CAND)
"Không biết, không ngờ đến" là cách biện minh thường gặp của người nổi tiếng khi chuyện sản phẩm họ quảng bá là hàng giả, hàng kém chất lượng bị phanh phui. Vì thế, tôi không ngạc nhiên về phần trả lời phỏng vấn của hai chuyên gia dinh dưỡng uy tín kia rằng họ chỉ nhận hợp tác sau khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ các loại giấy phép, giấy chứng nhận của doanh nghiệp và sản phẩm, giấy phép quảng cáo…
Tôi cũng tin rằng các bác sỹ thực sự "bị lợi dụng" và "không ngờ đó là sữa giả" như lời họ trả lời báo chí. Nhưng đó mới là điều đáng sợ nhất.
Họ là chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, hiểu biết sâu rộng, trong nhiều năm qua đã hợp tác với rất nhiều nhãn hàng trong các chương trình truyền thông nên càng hiểu rõ quy định pháp luật. Vì thế, họ chắc chắn áp dụng những quy tắc, quy trình hợp tác chặt chẽ để tránh sai sót, như yêu cầu cung cấp các bằng chứng pháp lý của doanh nghiệp và sản phẩm.
Vậy mà họ còn bị lợi dụng quảng bá cho sữa bột giả, thế thì bảo sao người tiêu dùng không bị mắc lừa?
Một khi các bác sỹ dinh dưỡng này nhận lời xuất hiện trong các video hay bài viết quảng bá, người tiêu dùng mặc định rằng sản phẩm được cả pháp luật lẫn chuyên gia bảo đảm nên tin tưởng mua dùng, để rồi một ngày ngã ngửa khi biết mình đã cho con cái, cha mẹ già ăn đồ độc hại.
Nỗi sợ thực phẩm độc suốt nhiều năm qua khiến khách hàng tiêu thụ sản phẩm dinh dưỡng luôn cố gắng trở thành người tiêu dùng thông thái, nhất là khi mua sữa cho con, cho bố mẹ hay người thân đau yếu. Họ chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Họ nghe tư vấn của những người có chuyên môn về dinh dưỡng, về thực phẩm.
Khi cả hai tầng bảo vệ đó đều bị tội phạm sản xuất hàng giả "qua mặt", họ biết dựa vào "tấm lọc bảo vệ" nào để có thể mua được sản phẩm an toàn? "Muốn làm người tiêu dùng thông thái bây giờ khó quá, chẳng biết thông thái bằng cách nào nữa", lời than này của một bà mẹ khi bình luận dưới tin tức về sữa giả cho thấy sự bất lực và hoang mang tột độ.
Nhất định phải bịt lỗ hổng trong quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm, ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ và quảng cáo. Bằng cách nào? Đây là câu hỏi mà người dân có quyền đòi hỏi các ngành chức năng sớm đưa ra câu trả lời.
Theo VTC News
CHIA SẺ Cuộc sống
-
60 tuổi, tôi nhận ra 9 loại tài sản không bao giờ lo mất giá: Thậm chí càng tăng giá nếu được ‘đầu tư khôn ngoan’ 07/10/2024
-
Sĩ diện của người Việt 24/01/2025
-
Từ vụ sập cầu Phong Châu: Những kỹ năng sống còn khi ô tô rơi xuống nước 10/09/2024
-
Cổ nhân đã dạy: Dù anh em trong nhà thân thiết đến mấy, tuyệt đối không cho mượn 3 thứ, cả nể là dễ mất hết 07/09/2024