Voltaire nói: “Bạn bè là sự kết hợp giữa những tâm hồn. Sự kết hợp này cũng có thể chia xa.” Con người thường mong đợi tình bạn vĩnh cửu cùng trời đất. Nhưng có bao nhiêu tình bạn kết thúc chỉ vì khi ở bên nhau chúng ta lại coi nhẹ một vài nguyên tắc ngầm.

1. Giữa bạn bè, không nhờ vả

Lý Chí, bậc thầy văn học đời Minh đã viết bài văn có tên “Trương Thiên Tải”, trong đó đã thuật lại tường tận tình bạn giữa Văn Thiên Tường và Trương Thiên Tải:

Trương Thiên Tải là người bạn thâm giao của Văn Thiên Tường, lại có cái tình đồng song*, tình cảm keo sơn gắn bó. Đáng tiếc cảnh ngộ hai người hoàn toàn khác nhau. Văn Thiên Tường đỗ trạng nguyên, khi danh truyền khắp thiên hạ thì Trương Thiên Tải vẫn là một cử nhân, đang ở nhà dùi mài kinh sử.

Bạn bè dẫu tốt mấy cũng chớ làm 4 chuyện này nếu không muốn tình bạn kết thúc - 0

Với quan hệ thân thiết giữa hai người, Trương Thiên Tải hoàn toàn có thể thông qua Văn Thiên Tường bước lên con đường tắt của cuộc đời, thuận lợi hơn, cũng đỡ tốn công sức hơn. Nhưng trong đám người đón ý bợ đỡ lấy lòng, ông lại lẳng lặng lựa chọn rút lui, thận chí Văn Thiên Tường chuẩn bị tiến cử ông làm quan, ông cũng tránh không gặp mặt.

Có người nói, Trương Thiên Tải ngoan cố không tiếp thu giáo hóa, không biết tiến thủ, và cho rằng tình bạn giữa Văn Thiên Tường và Trương Thiên Tải sẽ kết thúc. Không ngờ quan hệ giữa hai người càng sâu đậm hơn, mà những kẻ a dua xu nịnh kia, thì Văn Thiên Trường lại ‘kính nhi viễn chi’ (tránh xa).

Chuyện sau đó, mọi người đều biết, Văn Thiên Tường bị người Nguyên cầm tù, những ‘bạn bè’ trước đây luôn vây quanh ông thì giờ đây sợ hãi lảng tránh, vội vàng như không kịp.

Duy chỉ có Trương Thiên Tải bán hết gia tài, chăm sóc ông 3 năm trong ngục, sau cùng, còn thu lượm thi hài cho vợ chồng Văn Thiên Tường.

Lý Chí ca ngợi rằng: “Mối giao tình sinh tử, Thiên Tải Nhất Ngạc thôi!” (Nhất Ngạc là tên hiệu của Trương Thiên Tải).

Bằng hữu như thế này, người đời sau khó lòng vượt qua nổi.

Nhưng đối với Trương Thiên Tải mà nói, ông chỉ giữ đúng bổn phận giữa những người bằng hữu, dùng 3 chữ khái quát là: không nhờ vả. Đó là hòn đá thử vàng cho tình bạn, cũng là phẩm cách cao thượng của một cá nhân.

Tình bạn của Trương Thiên Tải và Văn Thiên Tường nói cho chúng ta một đạo lý:

Những người trong đời bạn vây quanh, tiền hô hậu ủng khi bạn đắc ý, chẳng qua là những kẻ xu thời phụ thế, bọn ăn bám dựa thế lực mà thôi.

Cái gọi là bạn bè, có thể chỉ là “công cụ” nhằm kiếm được tư lợi.

Chỉ có những người khi bạn quyền quý, bạn bè đầy nhà lại lựa chọn “Không nhờ vả” mới không tính toán lợi ích được mất, mới là bằng hữu cả cuộc đời bạn.

Bạn bè dẫu tốt mấy cũng chớ làm 4 chuyện này nếu không muốn tình bạn kết thúc - 1

Đã là bạn mãi là bạn, tuyệt đối không lợi dụng bạn vì tư lợi cho bản thân. (Ảnh: Youtube)

2. Giữa bạn bè, không xót thương

Trong “Tấm da lừa”, Balzac có viết một đoạn như sau:

“Nhân loại khó nhẫn nại nhất chính là tình thương xót, nhưng thương xót lại có thể giết chết người, nó khiến thân thể vốn yếu ớt của chúng ta càng suy nhược hơn”.

Anh Hải đồng nghiệp kể với tôi câu chuyện của chính anh như sau:

Hải đã từng có người bạn rất tốt, bạn học đại học, nhưng cuối cùng, hai người đường ai nấy đi. Truy tìm nguyên nhân tuyệt giao, thật sự khiến cho người ta suy nghĩ. Khi Hải học đại học thì bố mẹ anh kinh doanh thất bại, đã thiếu nợ khá nhiều.

Do đó, Hải đã bớt ăn nhịn tiêu trong thời gian dài, đồng thời với học hành nghiên cứu, anh còn làm thêm bên ngoài, vừa học vừa làm. Sau khi biết gia cảnh Hải, người bạn của Hải trong lòng thương xót, đi ăn cơm không chỉ tranh trả tiền giúp Hải, còn thường mua đồ cho Hải, thậm chí còn giúp Hải làm thủ tục “Xin trợ cấp sinh viên nghèo” mà Hải hoàn toàn không biết, lại còn điền biểu mẫu đơn trước mặt các bạn học khác.

Hải nói: “Lúc đó mọi người mắt nhìn chằm chằm, nhiều con mắt lộ vẻ cảm thông, tôi thực sự hận là không tìm thấy khe hở nào mà chui xuống đất”.

Thương xót, có lẽ thực sự xuất phát từ biểu đạt thiện ý nội tâm của bạn, nhưng, nếu không xem xét ý nguyện của bạn bè, thì sẽ vô hình trung tạo ra áp lực rất lớn đối với bạn. Hai người vốn cùng ở trên một mặt bằng, thì sẽ mất đi sự cân bằng, một người cao vòi vọi, một người rơi xuống vực sâu, khoảng cách quá xa.

Hải là người rất ngoan cường, anh thường nói lạc quan: “Tôi có tay có chân, lại không đến mức không có cơm ăn, không có tiền học”. Anh tin tưởng dựa vào nỗ lực bản thân nhất định sẽ vượt qua khó khăn, nhưng vì bạn bè “thương xót”, khiến cái mặt nhọ anh đang giấu kín bị phơi bày trần trụi ra nơi công cộng.

Sau đó bạn bè anh lại càng “giàu lòng thương cảm”, thường đề cập với người ngoài về cảnh ngộ của anh. Lòng ‘xót thương’ của bạn bè Hải như thế này khiến lòng tự trọng của Hải bị tổn thương, và tình bạn của họ cũng cuối cùng đi đến hồi kết, mà cũng chẳng ai trách ai được.

Bộ phim Pháp “Tránh ra một bước” miêu tả một tình bạn chân thành thân thiết. Nhân vật chính Phi-lip bị liệt nửa thân dưới, khi nói về người bạn Rai-đơ của mình, anh nói: “Cái tôi cần chính là tình bạn như thế này, không có xót thương, không có đối xử đặc biệt, càng không có phân biệt đối xử”.

Thực ra tình bạn cũng không phức tạp như vậy, nó không cần bất kỳ sự cảm thông hay thương xót nào. Nó chỉ cần hai trái tim bình đẳng giao lưu với nhau mà thôi.

Bạn bè dẫu tốt mấy cũng chớ làm 4 chuyện này nếu không muốn tình bạn kết thúc - 2

Thương hại không phải là điều cần làm trong tình bạn. (Ảnh: Soompi Forums)

3. Giữa bạn bè, không châm chước

Câu chuyện “Quản Ninh cắt chiếu” trong “Thế thuyết tân ngữ” như sau:

Quản Ninh và Hoa Hâm vốn là bạn thân, một lần cùng ngồi một chiếu đọc sách, có một người mặc lễ phục ngồi xe ngựa sang trọng đi qua trước cửa. Quản Ninh vẫn đọc sách như trước, nhưng Hoa Hâm lại để sách xuống đi ra ngoài xem.

Quản Ninh lập tức cắt đôi cái chiếu, đoạn giao chia chỗ ngồi tách ra với Hoa Hâm. Có lẽ cũng có người cho rằng cách làm của Quản Ninh hơi quá khích, nhưng nào có biết Hoa Hâm đã có tiền lệ “Nhặt tiền giấu đi”, nếu không được Quản Ninh ngăn lại, e rằng đã sớm mắc sai lầm lớn rồi.

Cổ nhân thường nói “Bằng hữu như thủ túc” (Bạn bè như tay với chân), nhưng cho dù bạn bè tốt thế nào đi nữa, cũng phải giữ giới hạn cho mình, không được châm chước vô nguyên tắc.

Phòng Tổ Danh và Kha Chấn Đông, một người có cha là diễn viên Thành Long dìu dắt, ngời ngời tỏa sáng; một người đóng phim trở lên nổi tiếng, là thần tượng nổi tiếng đương thời. Tình bạn giữa hai người là chủ đề thú vị thường được làng giải trí nói đến.

Nhưng kết cục cuối cùng khiến mọi người không khỏi thở than. Vì liên quan đến ma túy, hai người trẻ tuổi tiền đồ xán lạn đó đã phải vào chốn lao tù.

“Lần thứ nhất ở nhà Phòng Tổ Danh lấy ma túy ra, đã có chút bất ngờ, nhưng vì nguyên cớ của cậu ấy, tôi cảm thấy không liên quan đến mình. Tôi còn ngu xuẩn cho rằng, hút một hơi rồi đi, thì cũng chẳng việc gì”.

Đó là lời nói của Kha Chấn Đông khi lấy cung, có thể thấy được không gì khác ngoài việc châm chước nể nang bạn bè. Nhưng đó không phải là “lần thứ nhất” cho rằng không vấn đề gì, nó kéo anh xuống tình cảnh sau đó khó mà vãn hồi được.

Trớ trêu nhất lại là, trước khi sóng gió hút hít ma túy xảy ra, anh còn là ngôi sao sáng cùng với các minh tinh khác đóng phim tuyên truyền chống ma túy.

Là bạn bè, nên kiên quyết giữ nguyên tắc và giới hạn của mình, không nên vì muốn giữ cái gọi là “tình bạn” mà châm chước những lỗi lầm của bạn bè, thậm chí cùng rơi xuống vực.

Khi cần cắt đứt không cắt, thì trái lại sẽ bị họa loạn.

Nếu một tình bạn cần chúng ta không được châm chước bỏ qua để duy trì, thế thì hãy học Quản Ninh “Cắt chiếu đoạn nghĩa”.

Bạn bè dẫu tốt mấy cũng chớ làm 4 chuyện này nếu không muốn tình bạn kết thúc - 3

Nếu như có bất kỳ sai lầm nào của bạn, đừng bỏ qua mà hãy giúp bạn vượt qua. (Ảnh: The Buddy)

4. Giữa bạn bè, không quá giới hạn

Trần Đạo Minh, diễn viên nổi tiếng Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn một tạp chí đã nói một câu:

Tôi thấy khi con người thực sự thổ lộ ruột gan, là đã cách chia lìa không xa rồi.

Có lúc bạn bè nói với tôi quá nhiều chuyện đời tư của họ, tôi sẽ ngăn lại, nguyên nhân đằng sau đó có hai điểm:

  1. Việc này không liên quan gì đến tôi, cũng chẳng có tác dụng gì đối với tôi.
  2. Nắm được quá nhiều chuyện đời tư của bạn, những tâm sự quá chi tiết, sẽ sinh ra một tình cảm “treo”, mãi mãi treo chùm lên hai người.

Khoảng cách này sẽ không sinh ra nhiều cảm giác tốt đẹp, cuối cùng sẽ rơi vào “không quan tâm”. Đây là nguyên tắc kết giao bạn bè của Trần Đạo Minh. Theo anh, tình bạn là giữa hai người cảm thấy vui vẻ chứ không phải kiên trì cả ngày cứ ở với nhau.

Bạn bè thân mật không khoảng cách cố nhiên khiến người ta hâm mộ, nhưng nhất thiết không được quên bản thân mình là người ngoài, đối với cuộc sống của bạn bè chớ có tùy tiện can thiệp vào.

Có người hỏi: “Thế nào là hành vi quá giới hạn giữa bạn bè?”

Có người đã tổng kết 8 quan hệ bạn bè “không thể chịu đựng nổi nhất”, đừng thấy quan hệ giữa mình và bạn bè tốt, mà quên mất những điểm sau:

  1. Đồ của bạn không phải là đồ của mình
  2. Không được mặt dày để bạn thanh toán tiền cho mình
  3. Tuyệt đối không được xâm phạm không gian riêng của bạn
  4. Chớ dính chặt với bạn ngày ngày
  5. Không được không chú trọng lễ tiết
  6. Không được tùy tiện mượn tiền
  7. Chớ để bạn quyết định việc của mình
  8. Chớ nghĩ rằng có thể dựa vào bạn sống cả đời

Bạn bè dẫu tốt mấy cũng chớ làm 4 chuyện này nếu không muốn tình bạn kết thúc - 4

Tình bạn vốn vô tư như vậy, hãy trân trọng nó. (Ảnh: NàngPlus)

Theo tâm lý học hiện đại, danh từ “cảm giác giới hạn” càng ngày càng được nhiều người đề cập. Một xã hội coi trọng “tình người”, giữa bạn bè với nhau thường mơ hồ giới hạn giữa hai người. “Không coi bạn như người ngoài”, câu nói này thường là câu cửa miệng của nhiều người, nhưng chúng ta đã chưa suy nghĩ, cho dù đối đãi với bản thân, người khác cũng có yêu cầu chứ? Nhà tư tưởng Mông Điền đã miêu tả một mối giao kết sinh tử thời trẻ như sau:

“Nếu có người hỏi tôi tại sao yêu quý anh ta, tôi chỉ có thể trả lời thế này, là vì anh ta là anh ta, là vì tôi là tôi”.

Đây rõ ràng là cảm giác giới hạn giữa bạn bè, đã nói thông suốt thấu đáo:

Tình bạn đẹp nhất chính là thân thiết giữ gìn khoảng cách.

Không nhờ vả là nhân phẩm, không thương xót là tu dưỡng.

Không châm chước là giới hạn, không quá giới hạn là giữ tiết tháo.

Đạo cư xử giữa bạn bè của chúng ta chính là đạo đối nhân xử thế của cả đời mình.

Hãy nhớ kỹ 4 quy tắc trên giữa bạn bè, hy vọng tất cả chúng ta có thể gặp được bạn bè chân thực của cả đời mình.

 

Theo Cmoney.tw

Nam Phương biên dịch

Chú thích:

* “Bạn đồng song”: Bạn học cùng. Khi xưa hai bạn cùng ngồi bên cửa sổ (song) học. Trong Lưu Bình Dương Lễ có câu: Bạn đồng song hai sách một đèn.

 

Nguồn: DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC