Các hiệp hội tiêu dùng tại Berlin đang đưa ra cảnh báo về các dịch vụ internet "mập mờ". Các dịch vụ này được tung lên mạng với dòng tít khiến nhiều người lầm tưởng chúng được phép download miễn phí. Nhưng nếu ai đó trót tải về máy, họ có thể sẽ nhận được hóa đơn thanh toán một vài ngày sau đó.
Đối với nhiều loại dịch vụ đầy hứa hẹn trên internet hoặc trên đường phố, người tiêu dùng thường mang tâm lý lo ngại. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người dùng internet không chút nghi ngờ gì và tải ngay về máy nhiều phần mềm được quảng cáo là download miễn phí. Nhưng sau đó một vài ngày, một bản hợp đồng thời hạn 2 năm sẽ được gửi đến nhà cho họ. Chuyên gia Peter Lischke - Giám đốc Hiệp hội người tiêu dùng Berlin khuyến cáo, trong những trường hợp như vậy, dù người tiêu dùng vẫn luôn được bảo vệ quyền lợi và dù họ không ký vào hợp đồng đó, họ vẫn nên phát giác vụ việc trên. Bởi khi một hóa đơn được gửi đến mà ban không có phản ứng gì, ví dụ gửi đi đơn khiếu nại qua bưu điện, các hãng cung cấp dịch vụ đó có thể sẽ đẩy nhanh việc thu tiền khách hàng nhờ sự trợ giúp của các cơ quan thu nợ và luật sư. Khoản tiền yêu cầu trả sau đó có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Khi gặp phải sự cố này, người tiêu dùng có thể xin tư vấn và tham khảo mẫu đơn khiếu nại tại các tổ chức bảo vệ họ. Lischke một lần nữa nhấn mạnh:"Ngay cả khi người tiêu dùng luôn được bảo vệ trong trường hợp này, việc phản ứng lại của họ cũng vẫn luôn rất cần thiết."
Phần lớn người dân trong vài năm trở lại đây đã trở nên thiếu tin tưởng với các dịch vụ "béo bở" trên mạng, vì vậy, những kẻ lừa đảo lại đang nhằm vào các nhà ga xe lửa, sân bay và trên các đường phố. "Tại đây, nhiều hợp đồng bảo hiểm, thẻ tín dụng, đặt báo, tạp chí được quảng cáo mời chào với nhiều hứa hẹn hấp dẫn đến mức đã có không ít người thẳng tay ký hợp đồng mà không hề đắn đo suy nghĩ và đọc các điều lệ được in chữ nhỏ" - Lischke cho biết. Đồng thời chuyên gia này cũng nhắc nhở những ai đã trót ký hợp động, họ vẫn có quyền rút lại hợp đồng trong vòng 2 tuần.
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de