Cha mẹ thường hay lấy hình phạt để các con “đi vào khuôn khổ”. Có lẽ biện pháp này cũng có hiệu quả phần nào nhưng về lâu dài, việc trừng phạt nghiêm khắc không được khuyến khích trong nuôi dạy trẻ.
Những nghiên cứu mới nhất được công bố trên Tập chí Tâm lý học thử nghiệm Mỹ đã chỉ ra rằng, các hình thức trừng phạt con không khiến trẻ từ bỏ thói quen xấu mà chỉ khiến chúng tiếp tục sai phạm, ở vào thế đối đầu với cha mẹ.
Các nghiên cứu trên cho thấy, trẻ em sẽ dần từ bỏ được những thói quen xấu nếu người lớn cho các em một giải pháp thay thế, để các con dần thay đổi chứ không phải là những lời chỉ trích hay mắng mỏ.
Kỷ luật trẻ nhỏ chỉ khiến các con tiếp tục phạm lỗi
Một nghiên cứu của trường Đại học Wurzburg (Đức) đã khẳng định: Quát mắng trẻ nhỏ chỉ khiến chúng có tâm thế phản kháng và tiếp tục những thói xấu của mình, đôi khi còn phạm phải ở mức nghiêm trọng hơn.
Thực tế, ai cũng có lúc mắc lỗi và những đứa trẻ thì càng dễ mắc lỗi hơn. Nếu như chúng ta chỉ chăm chăm phạt con ngay khi con mắc lỗi, thì con trẻ sẽ không hiểu tại sao mình bị mắng mà chỉ cảm nhận được sự bực bội. Trẻ có thể nghĩ rằng bố mẹ không thích nên bố mẹ không muốn cho mình làm và bé sẽ tiếp tục mắc lỗi. Theo một chiều hướng khác, các bé có thể sẽ giấu giếm cha mẹ để phạm lỗi do sợ bị phạt và điều này còn tệ hơn.
Giáo sư Andreas Eder tại Viện nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Wurzburg (Đức) kết luận: “Chúng ta nên nhớ, chỉ bằng cách phạt trẻ em khi chúng mắc lỗi không thể nào khiến các hành vi đó chấm dứt được”.
Thay vì quát mắng, phạt con, có cách nào để trẻ ngoan hơn?
Rốt cuộc thì trẻ con vẫn là “thân lừa ưa nặng”, mỗi khi muốn con nhanh chóng tắt TV hoặc dẹp loạn một cuộc “huynh đệ tương tàn” thì cha mẹ vẫn cần cho chúng thấy sự nghiêm khắc, cứng rắn.
Theo một điều tra tâm lý học vào năm 2015 cho biết, con người có xu hướng cư xử cẩn trọng hơn khi đặt dưới một áp lực nào đó. Với trẻ em, ý nghĩ “nếu không làm thế này/hoặc dám làm thế này/ thì mình sẽ bị phạt” sẽ có tác động mạnh hơn so với việc dùng phần thưởng để “dụ” các con. Thêm vào đó, các giáo sư đã tiến hành một thí nghiệm với các học sinh, thí nghiệm chỉ ra rằng, đối với các học sinh, việc giới hạn số lần phạm lỗi (giả sử tối đa 3 lần) sẽ khiến các em nghe lời hơn là việc khuyên giải và yêu cầu các em không được phạm lỗi lần nào.
Các giáo sư tại Đại học Washington (Mỹ) đã khẳng định rằng nghiên cứu của họ có thể áp dụng cho việc quản lý nội quy tại trường học cũng như giúp các bậc phụ huynh đối phó với những đứa con ương ngạnh, cứng đầu.
Để có được kết quả này, những nhà nghiên cứu đã yêu cầu một số tình nguyện viên tham gia thí nghiệm nhỏ, có sử dụng một màn hình chiếu.
Thí nghiệm như sau:
Trên màn hình sẽ hiện ra một con số, những tình nguyện viên phải đoán xem liệu số này sẽ lớn hơn 5 hay nhỏ hơn 5. Bằng cách ấn nút nhỏ hơn hoặc lớn hơn mà họ đã chuẩn bị. Hai nút này sẽ có một nút dẫn điện, mang một nguồn điện nhẹ. Tuy nhiên, những người tham gia sẽ được biết trước rằng một trong hai nút sẽ có một luồng điện nhẹ khiến họ bị giật.
Thí nghiệm đã chỉ ra rằng những người tham gia sẽ ấn nút có luồng điện một cách chần chừ hơn do họ sợ bị giật. Nhưng ngạc nhiên là sau một vài lần như vậy, tình nguyện viên đã ấn nút có luồng điện nhanh hơn trước, dường như họ đã biết luồng điện nhẹ đó không quá nguy hiểm nên sự sợ hãi ban đầu không còn nữa.
Từ thí nghiệm trên, các nhà khoa học suy ra rằng: giống như nút nhấn có dẫn điện, khi con người đã chịu được hình phạt, sự sợ hãi e dè ban đầu dần mất đi và họ chẳng còn e sợ khi nhấn vào nút điện nữa. Tương tự, chỉ nguyên việc thực hiện hình phạt không đủ để ngăn ngừa hoàn toàn những hành vi xấu của con trẻ.
Thí nghiệm được làm lại một lần nữa. Lần này cũng có 2 nút, cả hai nút đều mang điện, một mang dòng điện yếu, một mang dòng điện mạnh.
Và họ đã thấy rằng, các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm đều ấn nút có dòng điện nhẹ trước và thao tác rất nhanh chóng, gọn lẹ so với khi ấn nút mang dòng điện mạnh.
Tức là thay vì dùng một hình phạt để đe dọa, chúng ta có thể giới hạn mức độ phạm lỗi và cho trẻ biết hậu quả của các số lần phạm lỗi sẽ khác nhau như thế nào. Từ đó các nhà khoa học chỉ ra rằng “kỷ luật là sức mạnh” có thể đúng, tuy nhiên cần kỷ luật đúng cách, để các con phát huy sự tự nhận thức.
Nguồn: Trí thức trẻ