Đây cũng là kỹ năng cần dạy con từ sớm bởi nó quyết định mức độ thành công của trẻ trong tương lai.
Cha mẹ thường lo lắng rất nhiều điều khi nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành:
Liệu con có được mọi người yêu mến? Có giỏi giang như những đứa trẻ khác? Hay có trở thành một người có trách nhiệm?
Tuy nhiên, họ dường như không quan tâm đến một vấn đề quan trọng: khả năng quản lý tài chính của trẻ khi trưởng thành.
Việc dạy con về việc quản lý tiền bạc một cách hợp lý nên được bắt đầu càng sớm càng tốt.
Theo Scott Moffitt, người lập kế hoạch tài chính cho Tập đoàn Tài chính Summit, bố mẹ là “tấm gương dễ thấy nhất của mọi đứa trẻ về vấn đề tiền bạc được quản lý như thế nào”.
Tuy nhiên đáng tiếc là hầu hết các bậc phụ huynh không nhận thức được vai trò của họ đối với trẻ trong vấn đề đó là như thế nào.
ố mẹ có vai trò nhất định tới khả năng quản lý tiền bạc của trẻ khi trưởng thành.
Trang báo Business Insider đã có cuộc trao đổi với Scott Moffitt và Meri Wallace, một bác sỹ trị liệu nhi khoa, để tìm hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng của các bậc phụ huynh đối với khả năng quản lý tài chính của trẻ khi trưởng thành.
1. Bố mẹ có thói quen chi tiêu cẩu thả có thể làm gương xấu cho trẻ
Cả Wallace và Moffit đều đồng ý rằng trẻ nhỏ tiếp nhận tất cả mọi điều mà trẻ nhìn và nghe thấy được – thậm chí khi các bậc phụ huynh cho rằng trẻ không hề chú ý.
Theo Moffitt, “điều tiên quyết” để nuôi dạy một đứa trẻ có trách nhiệm về mặt tài chính là tạo gương tốt cho trẻ để trẻ thấy được bố mẹ quản lý tiền bạc như thế nào.
Ông cho biết, “Quan trọng là các bậc phụ huynh cần hiểu được điều đó, cho dù họ có chủ định làm gương cho bọn trẻ hay không.”
Tương tự, Wallace cho rằng, “Những ông bố bà mẹ tiêu xài lãng phí hay thường chi tiêu quá khả năng tài chính của gia đình chưa bao giờ là tấm gương tốt cho trẻ trong việc tiết kiệm hay quản lý tiền bạc hợp lý.”
Và nếu họ nợ nần ngập đầu thì cuối cùng bọn trẻ cũng biết được.
Bởi vậy, thay vì cố gắng che đậy thói quen tiêu xài hoang phí của mình, trước hết các bậc phụ huynh nên học cách chi tiêu hợp lý để giúp trẻ hình thành khả năng quản lý tài chính khi trẻ trưởng thành.
2. Bố mẹ không bao giờ từ chối các đòi hỏi của trẻ có thể “châm ngòi” cho thói quen tiêu xài hoang phí của trẻ
Wallace cho biết, một vài bậc phụ huynh cảm thấy họ không thể từ chối bất kỳ đòi hỏi gì của trẻ.
Có thể là bởi vì họ thường xuyên bận làm việc hay công tác xã nhà nên muốn “bù đắp” cho các con; hoặc cũng có thể do gia đình họ không khá giả khi họ còn nhỏ nên họ không muốn các con bị thiếu thốn bất kể thứ gì.
Nhưng theo Wallace, tư tưởng đó khiến nhiều bậc phụ huynh “cho trẻ thấy rằng nếu muốn thứ gì, trẻ chỉ cần cứ việc đến và lấy nó.”
Khi lớn dần, trẻ có thể sẽ cho rằng mình “có quyền” được hưởng thụ mọi điều.
Hậu quả là, trẻ luôn chi tiêu quá khả năng tài chính và gặp phải vấn đề nợ nần.
Moffitt bổ sung thêm, “Có những lúc bạn phải nói ‘không’ với đòi hỏi của trẻ.
Mặc dù việc đó khá khó khăn nhưng là điều mọi ông bố bà mẹ nên làm.
Làm một người bố hay người mẹ tốt không có nghĩa là bạn phải lựa chọn giữa làm việc đúng đắn hay cho trẻ một câu trả lời thỏa đáng, nhưng đó là cách bạn giúp trẻ hình thành nhân cách và trở thành người có trách nhiệm.”
3. Bố mẹ cho con một khoản tiền nhỏ tiêu vặt có thể giúp trẻ có trách nhiệm với tiền bạc hơn
Moffitt cho biết trẻ nhỏ nhận được tiền tiêu vặt học được cách bỏ ra công sức để có được số tiền đó.
Chẳng hạn đó có thể là số tiền thưởng cho việc trẻ hoàn thành việc nhà giúp bố mẹ.
Nhờ đó, trẻ bắt đầu nhận thức được giá trị đồng tiền và có cơ hội tự quyết định việc tiêu khoản tiền đó như thế nào.
Và nếu trẻ cho bố mẹ biết muốn mua thứ gì, hãy khuyến khích trẻ học cách tiết kiệm. Theo Moffitt, đó là “những phương pháp tuyệt vời để dạy trẻ về trách nhiệm tài chính ở độ tuổi nhỏ như vậy.”
4. Chia sẻ với trẻ các vấn đề tài chính của gia đình có thể giúp trẻ nhận thức rõ hơn về thực tế tài chính
Moffitt cho biết, chia sẻ với trẻ một vài điều về khả năng tài chính của gia đình là một điều nên làm.
Tất nhiên các bậc phụ huynh không cần nói cho trẻ mọi điều, nhưng những thông tin cần thiết sẽ giúp trẻ nhận thức rõ hơn về việc vì sao không phải mọi đòi hỏi của bản thân đều được bố mẹ đáp ứng.
Moffitt cũng chia sẻ, ông cho rằng hầu hết các bậc phụ huynh không hề “tiết lộ” vấn đề này với trẻ.
Theo Trí thức trẻ