Mấy ngày nay cư dân mạng phải mắt tròn mắt dẹt, mắt chữ A, miệng chữ O khi nghe đoạn đối thoại ăn miếng trả miếng như cãi vã nơi đầu đường xó chợ giữa một giáo viên trung tâm ngoại ngữ và cậu học trò.

Ngọc chợt nhớ tới thầy giáo của mình, thầy từng nói với Ngọc rằng: “Lấy ác trị ác chỉ mang đến những điều bất hạnh, chỉ có thiện tâm mới có thể cảm hóa lòng người và hóa giải oán hận”. 

Ngọc hiểu rằng trong mỗi người đều có hai nửa tốt và xấu, như Phật gia giảng là có cả Phật tính và ma tính.

Nếu nói lời tế nhị và khéo léo thì có thể dẫn dắt và khích lệ phần tốt của người khác, khiến người ấy lắng nghe và nguyện ý làm theo những gì mình mong muốn.

Ngược lại, nếu dùng những lời thóa mạ mà mạt sát và làm tổn thương tới người khác thì phần ma tính trong con người họ sẽ thức giấc. Khi ấy lòng tự ái và sự giận dữ cùng cộng hưởng sẽ bùng nổ còn đáng sợ hơn cả một kho thuốc súng.

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe - 0

Cô nàng nấu ăn “mặn đắng mặn chát” ngày ấy và bây giờ…

Còn nhớ hồi nhỏ Ngọc thường bị mẹ mắng vì nấu món gì cũng mặn đắng mặn chát. Ngồi bên mâm cơm, nhìn cha mẹ và anh trai không ai nuốt trôi bát cơm Ngọc cũng thấy vô cùng hối lỗi và quyết tâm phải thay đổi.

Thế là cứ mỗi lần chuẩn bị nêm gia vị những lời mắng mỏ của mẹ lại văng vẳng bên tai khiến Ngọc sợ hãi. Ngọc cứ nếm ra nếm vào hết lần này tới lần khác đến mức cái lưỡi không còn cảm giác gì.

Nhưng kỳ lạ là lúc nêm gia vị Ngọc thấy cũng ổn, cứ chắc mẩm rằng hôm nay mọi người sẽ được ăn một bữa ngon.

Khi mâm cơm ngả ra, Ngọc hồi hộp nhìn những nét biểu cảm trên khuôn mặt mọi người. Cha khẽ nhăn mặt nhưng không nói gì, còn mẹ lại tiếp tục xối xả những lời mắng mỏ không thương tiếc.

Ngọc cũng khổ tâm lắm, thấy mình “dốt nát” y như lời mẹ nói, nhiều lần vừa đạp xe trên đường nước mắt Ngọc lã chã rơi vì tủi thân, vì thấy mình vô dụng, “chẳng được tích sự gì”. Nhưng Ngọc chẳng thể nào sửa được tật nấu ăn mặn ấy. Cả nhà chỉ còn một giải pháp duy nhất là tranh nấu cơm với Ngọc, chỉ khi nào có món luộc mới phân công cho cô. Từ đó Ngọc luôn tự ti về trình độ nấu nướng của mình. Mỗi lần đến nhà bạn chơi, khi các bạn nữ khác lăn xả vào bếp trổ tài thì Ngọc chỉ lảng đi một chỗ.

Mãi cho đến một ngày…. Ngày ấy Ngọc gặp anh và anh muốn được ăn món gì đó do chính tay Ngọc nấu. Ngọc nghe thấy lời đề nghị của anh mà như sét đánh ngang tai, cô thầm nghĩ: “Người ta vẫn nói rằng: “Tình yêu của một người đàn ông thường đi qua chiếc dạ dày”. Có khi nào anh ấy sẽ chia tay mình vì nấu ăn dở không nhỉ?” Thế là Ngọc tảng lờ cho qua chuyện.

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe - 1

Thái độ của cha mẹ trong cách dạy dỗ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các em. (Ảnh: baomoi.com)

Nhưng hết lần này tới lần khác anh năn nỉ Ngọc nấu cho anh dẫu chỉ một lần.

Chẳng thể từ chối, Ngọc “đánh liều một phen” nấu cho anh món canh cà và trứng tráng. Khi mâm cơm nóng hôi hổi được dọn ra, Ngọc hồi hộp nhìn anh đưa miếng cà vào miệng. Cô khẽ nhăn nhó như chuẩn bị đón nhận những lời chê trách. Nhưng chỉ nghe thấy anh hít hà: “Úi chà, ngon đáo để!”.

Ngọc chẳng dám tin vào tai mình, dò hỏi: “Anh lại nịnh cho em vui chứ gì!”. “Anh nói thật mà, em ăn thử xem”. Thế rồi anh ăn ngon lành hết sạch sành sanh những gì Ngọc nấu. Lần đầu tiên có người khen Ngọc nấu ăn ngon và vui vẻ ăn hết thức ăn trên đĩa.

Nhiều năm sau, khi hai người đã nên duyên chồng vợ, Ngọc có một thú vui là được nấu những món ăn yêu thích cho anh và các con.

Lần nọ, khi hai người vui vẻ kể về những ký ức đẹp khi còn yêu nhau, Ngọc tỉ tê hỏi anh về bữa cơm đầu tiên ấy, anh chỉ cười khì khì và bảo: “Công nhận là mặn thật, tối hôm ý anh uống hết cả ca nước mà vẫn không hết khát đấy!”.

Ngọc bẽn lẽn: “Thế sao anh lại có thể ăn ngon lành đến vậy?”. Anh cười hiền nhìn Ngọc trìu mến: “Vì những lời khích lệ có thể mang lại sự tự tin cho em. Khi tự tin, tâm trạng sẽ vui vẻ thoải mái, lúc ấy em mới có thể tìm ra những cách nấu ăn ngon được”. “Ồ, hóa ra là vậy! Những lời mắng mỏ của mẹ đã khiến Ngọc sợ hãi và tự ti đến mức thành tự kỷ ám thị và dằn vặt bản thân suốt một thời gian dài. Thế mà những lời khích lệ và cách ứng xử ý nhị của anh lại mang đến sự tin và thay đổi bất ngờ cho Ngọc”.

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe - 2

Sự chuyển biến tâm lý khi Ngọc được nghe những lời động viên của người yêu. (Ảnh minh họa: afamily.vn)

Sự xuất hiện của anh trong cuộc đời Ngọc đã dạy cho cô nhiều bài học thấm thía

Ngọc còn nhớ khi nhỏ cô thường sống trong sự sợ hãi và tự ti bởi những lời mắng mỏ từ chính người thân trong gia đình mình. Ngọc hiểu rằng cha mẹ đều luôn hết lòng lo lắng và chăm chút cho cô, những gì cha mẹ làm có thể không phải là hoàn mỹ nhất, nhưng là cách tốt nhất mà cha mẹ biết.

Những lời trách mắng và so bì “Làm ăn chẳng nên trò trống gì”. “Sao không giỏi giang, tháo vát như cái Lan, cái Liên bên cạnh ấy!”. “Nó làm gì cũng nhoay nhoáy, đâu có sờ sờ như con” như gắn liền với tuổi thơ của Ngọc.

Điều Ngọc sợ hãi nhất là phạm phải sai lầm, mỗi lần như vậy Ngọc lại được nghe câu: “Cứ liệu cái thần hồn đấy!”.

Nhưng hình như nghe mắng càng nhiều Ngọc càng sợ hãi, càng sợ hãi, cô lại càng phạm sai lầm nhiều hơn.

Điều này khiến Ngọc cũng phải bất lực với chính bản thân mình mà chẳng thể tìm ra cách thay đổi, Ngọc chỉ biết dùng nước mắt tự an ủi. Mẹ thấy vậy cũng đau lòng, nhưng hình như cái miệng “xấu hổ” khi khen ngợi và khích lệ người khác, nên chỉ thở dài buông một câu: “Thì có sai mẹ mới mắng chứ, ai vô duyên vô cớ mắng mỏ con làm gì”.

Nhưng anh lại không thế. Khi hai người đi chơi, Ngọc lỡ để quên chiếc khăn tay ở quán cà phê. Phải đi được cả 15 phút Ngọc mới nhớ ra và nhờ anh quay lại lấy. Anh chẳng nhăn nhó tỏ vẻ khó chịu mà chỉ khẽ mỉm cười, vỗ về an ủi Ngọc: “May mà em kịp thời nhớ ra!”. Rất nhiều, rất nhiều lần khác nữa, khi bắt gặp điệu bộ vụng về, ngốc nghếch của Ngọc anh không châm chọc, cũng chẳng chê trách. Anh chỉ nhẹ nhàng phân tích phải trái, đúng sai cho Ngọc và lựa lời nói những lời khiến cô ít bị tổn thương nhất.

Đôi khi Ngọc cảm thấy mình chẳng xứng đáng với anh. Anh vừa tốt tính, nền nã lại cao ráo, tuấn tú. Lẽ ra sóng đôi với anh phải là một cô gái xinh đẹp và giỏi giang hơn Ngọc mới phải. Mỗi lần như vậy Ngọc lại thấy chạnh lòng, đôi mắt rầu rầu. Chỉ một nét thoáng vương chút buồn trên đôi mắt Ngọc đã bị đôi mắt của anh bắt gặp. Anh nắm tay Ngọc thật chặt, hít một hơi thật sâu, kéo chặt Ngọc vào lòng, thì thầm vào tai cô: “Em có thể không xinh như ai kia, không giỏi giang như ai kia, nhưng anh yêu em vì em là chính em, vì sự dịu dàng và lương thiện của em đó, biết không cô bé ngốc?”.

Ngọc thấy cay cay nơi sống mũi, khóe mi cũng ướt nhòa vì những giọt nước mắt hạnh phúc long lanh. “Cảm ơn ông Trời đã mang anh đến bên em. Có lẽ kiếp trước em đã tích được phúc lớn lắm nên kiếp này mới được gặp anh!”. Ngọc thì thầm, xiết chặt vòng tay anh. Cứ thế, ngày tháng ở bên anh, đã biến một cô gái “vụng thối vụng nát” và “chẳng được tích sự gì” như Ngọc thành một phụ nữ đảm đang, tháo vát, nhất mực tâm lý và khéo léo.

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe - 3

Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn nếu mỗi chúng ta có thể bao dung cho lỗi lầm của người khác. (Ảnh: giadinh.net.vn )

Từ những trải nghiệm của bản thân mình Ngọc hiểu được rằng những lời trách móc, mắng mỏ, thóa mạ chỉ mang lại sự tổn thương, tự ti và bóng tối u ám cho cuộc đời người khác mà thôi. Chỉ có thiện tâm và những lời khích lệ mới có thể mang đến những tia nắng ấm áp, khiến con người tự tin và nguyện ý thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Chẳng thế mà bên dưới chữ “Thiện 善” là bộ “Khẩu 口”, bên dưới chữ “Hại 害” (Họa hại) cũng là bộ “Khẩu 口”.

Những chữ Hán chính thể trải qua 5000 năm lịch sử đằng đẵng cũng đúc kết lại rằng cái miệng với thiện tâm có thể sinh ra những điều tốt đẹp, nếu chẳng có thiện tâm thì chỉ mang đến tai họa cho con người mà thôi. Quả thực là “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người chín tháng ròng”.

 

Nguồn: Minh Nguyệt

DKN.TV




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC