(01)
Tôi vừa mới về quê để kịp ăn Tết cùng cả nhà!
Mấy ngày nay, vừa nghe cháu gái của tôi kể một câu chuyện:
Hiện tại, con bé ở cùng chung dãy trọ với một người bạn từng học chung lúc trước.
Người bạn đó của con bé, kể từ khi ra trường, tính cách liền thay đổi. Tổng kết lại, 3 câu hỏi mà người bạn kia thường thắc mắc chính là 3 câu hỏi mọi người thường hay “bị hỏi” nhất vào mỗi cái Tết:
Thứ nhất: “Lương bao nhiêu?”
Thứ hai: “Làm việc gì?”
Thứ ba: “Có bạn trai chưa?”
Lúc đầu, con bé cũng chỉ nghĩ là bạn nó quan tâm đến đời sống của nó cả thôi. Nhưng sau này nó mới nhận ra, sự việc không hề đơn giản như nó nghĩ.
Bởi vì cháu gái tôi học giỏi ngoại ngữ, nên vừa ra trường, nó đã nhanh chóng tìm được công việc: Buổi sáng đi làm phiên dịch ở công ty. Buổi tối đi dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ. Chỉ có điều công ty nơi con bé làm việc hơi xa chỗ nó ở.
Người bạn kia của nó sau khi biết nó làm công ty với mức lương hơn 10 triệu một tháng, liền trở nên xa cách và tỏ vẻ khó chịu với nó cả tuần. Sau 1 tuần, thì cô bạn kia bỗng nhiên vui cười lại với nó, rồi tư vấn đủ thứ bảo nó mau nghỉ làm công ty, bảo công ty xa quá làm chi cho cực thân. Cô bạn kia tìm đủ mọi lý do muốn thuyết phục nó nghỉ việc.
Sau 2 tháng thử việc, cháu gái tôi thấy nó không thích hợp làm việc công ty, nên quyết định xin nghỉ, chuyên tâm đi dạy thôi.
Người bạn kia thấy vậy thì không nói gì nữa, cũng cắt liên lạc một thời gian. Đến 2 tháng kế tiếp, cháu gái tôi dành dụm tiền mua chiếc xe mới để đi cho an toàn, bởi vì chiếc xe cũ đã bị hư hỏng khá nặng. Không ngờ người bạn kia của nó thấy vậy liền kêu nó đến nói chuyện, hỏi xe giá bao nhiêu, mới hay cũ…
Hôm sau, nó thấy cô bạn kia cũng mua một chiếc xe mới, trông khi chiếc xe cô ta đang xài còn rất tốt.
Con bé hỏi tôi, nó với người bạn kia không thân, nhưng coi như cũng có qua lại, bởi vì ở cùng khu, đụng mặt nhau suốt ngày. Nếu bây giờ nghỉ chơi thì có kì quá không, mà người bạn kia của nó, trước giờ lần nào liên lạc với nó cũng đều toàn để nhờ vả hoặc hỏi chuyện: Mượn tiền, mượn đồ, mượn báo cáo, ngay cả CV cũng mượn. Nếu không mượn đồ thì để tò mò xem nó đang làm nghề gì, lương bao nhiêu/ tháng…
Vậy mà đến lúc con bé có chuyện nhờ giúp đỡ, lại chẳng thấy người bạn kia đâu.
Tôi mới bảo con bé, những người như vậy đâu gọi là bạn: Lợi dụng xong thì vứt bỏ, tự so sánh rồi tự ganh ghét. Chơi với những người như thế này lâu cũng như mang quả bom nổ chậm bên người.
Bạn có giá trị, họ giữ liên lạc với bạn, trước mặt nhờ vả, sau lưng ganh tỵ.
Bạn không có giá trị, trước mặt họ thân thiện, sau lưng thì cười nhạo.
(02)
Trong kinh Phật có một câu thế này:
“Bi ai lớn nhất của đời người là sự ganh ghét, đố kị.”
Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong lòng họ sẽ nhân lên bấy nhiêu lần.
Mà những người thế này, lại càng rất dễ thất bại. Bởi vì họ không làm chủ được chính mình, mà suốt ngày cứ đuổi theo người khác, làm cái bóng của người khác.
Người khác có thứ họ không có thì họ khó chịu, tìm đủ lý do để bào chữa cho chính mình và hạ thấp người khác.
Còn nếu người khác không có thứ họ có thì họ lại trở nên tự mãn, dùng lời lẽ không hay để khiến đối phương xấu hổ, khó xử.
Ai mà chẳng có lúc ganh tỵ, nhưng cũng chỉ là đôi lúc, là nhất thời. Nếu bạn biến nó thành “tính cách đặc trưng” của mình luôn thì thật là nguy hiểm.
Nên nhớ, trong cuộc đời này “núi cao còn có núi cao hơn.” Đừng vì đố kị với người khác mà suốt đời cứ sống cuộc đời mệt mỏi, suốt ngày cứ cột đá vào chân mình, đi đến đâu cũng thấy nặng nhọc.
Nếu bạn dùng ganh tỵ để làm động lực cố gắng thì không nói. Còn nếu bạn biến ganh tỵ thành những thủ đoạn hạ gục đối phương thì đúng là sai lầm to lớn. Bởi vì càng làm như vậy, bạn càng đánh mất chính mình, cũng càng đánh mất thành công.
(03)
Ngoài những người sinh ra đã ở vạch đích, không ai tự nhiên thành công mà không cần nỗ lực, cũng không ai thất bại vô ích.
Có người thất bại nhưng học được kinh nghiệm, có kẻ thất bại nhưng tích lũy được dũng khí đứng lên làm lại từ đầu.
Đừng thấy ánh hào quang bên ngoài của người khác mà bỏ qua giọt mồ hôi vất vả sau lưng họ.
Bạn muốn nghĩ người khác thế nào, là do bạn quyết định. Nhưng người ta sẽ trở thành loại người thế nào, là do người ta quyết định.
Sự đố kỵ chỉ khiến suy nghĩ của bạn thêm hạn hẹp, nếu bạn không muốn người khác vượt mặt bạn, vậy bạn phải cố gắng nỗ lực hơn họ.
Lớn rồi, đừng suốt ngày nhìn chằm chằm vào thành công của người khác. Bởi 90% thất bại của bạn đều do ganh ghét, đố kị mà ra.
Thiên Tuyết
Theo Trí Thức Trẻ