Xưa thành Pa-ri có một thương gia giàu có tên là Argong, được quốc vương sủng ái.
Ông cũng là tín đồ Thiên Chúa thuần thành. Mỗi lần đi lễ nhà thờ, ông lại bắt gặp một người, anh ta quỳ gối, toàn tâm toàn ý cầu nguyện Thượng Đế, lúc thì xúc động, lúc lại thở than, lúc thì rơi lệ, vô cùng cung kính với Thượng Đế. Cầu nguyện xong, anh ta còn hôn lên nền nhà, bày tỏ tình cảm kính yêu và kính ngưỡng thành kính vô hạn đối với Thượng Đế.
Mỗi khi Argong lễ xong ra về, anh ta đều đến cửa trước, và dâng cho ông nước Thánh.
Argong bị cuốn hút, hỏi ra được biết anh ta tên là Da-duýp. Sau đó Argong đón Da-duýp về nhà mình. Ban đầu Da-duýp làm việc gì cũng cẩn thận lo lắng, nơi nào cũng thành kính. Nhưng thời gian dài sau đó, cái đuôi cáo mới lộ ra, anh ta hướng con mắt vào vợ Argong là Ermil.
Mọi người đều nhìn thấu sau vẻ bề ngoài nho nhã lễ độ là một gã vô liêm sỉ tột độ, và đều ghét anh ta. Nhưng chỉ có Argong vẫn tín nhiệm anh ta như trước, lại còn chuẩn bị gả con gái cho hắn. Một lần Ermil thuyết phục Da-duýp từ bỏ hôn nhân giữa hắn với con gái bà, Da-duýp lại vô liêm sỉ tỏ tình với bà: “Sắc đẹp của bà là kỳ tích của Thiên Chúa, yêu bà tức là yêu Chúa. Nếu nói rằng tôi mắc lỗi thì chỉ có thể trách là bà quá đẹp”.
Sau đó, hắn còn dùng lời ngon ngọt lừa Argong tặng nửa gia tài cho hắn. Đứng trước khối tài sản khổng lồ, hắn nói với Argong rằng: “Tiền tài đối với tôi như phù vân. Sở dĩ tôi tiếp nhận là e nó rơi vào tay kẻ xấu, sử dụng vào mục đích xấu. Kẻ xấu mà được số gia tài này sẽ tác oai tác quái trong xã hội. Tôi lòng thiện lương, sẽ dùng vào vinh quang và phúc lợi của Thiên Chúa”.
Cuối cùng, Ermil lập kế để Argong thấy được hành vi bỉ ổi của Da-duýp. Nhà vua cũng cho người bắt giam hắn, trả tài sản lại cho Argong.
Ẩn sau những lời lẽ tưởng chừng ngon ngọt lại là một tâm địa. (Ảnh: Komar Chucky)
Xã hội nào cũng vậy, có thiện thì có ác, có tốt thì có xấu, có kẻ vì nghĩa thì cũng có kẻ vì lợi, có quân tử thì có tiểu nhân. Nhất là thời đại ngày nay, khi văn minh vật chất đang chiếm thế chủ đạo, người người quay cuồng vì danh lợi, tiền tài, cốt thỏa mãn một chữ ‘Dục’, thì xuất hiện nhiều cái ‘Giả’.
Những trí thức giả truyền bá kiến thức giả, những thầy giáo giả rao giảng đạo đức giả, những người tu hành giả mượn tu hành mưu cầu danh, giả tu thủ lợi… Và những ‘ngụy quân tử’ như Da-duýp này giả danh nghĩa cử, giả danh Thánh thiện che đậy cái bỉ ổi, đê tiện, vô liêm sỉ, che đậy cái tâm chứa đầy danh, lợi, sắc, dục.
Chính những kẻ ngụy quân tử, những kẻ giả danh này mới là ‘hàng giả’ đáng sợ nhất, khó nhận biết nhất. Nếu như Ermil không phải là quý bà tiết hạnh, thông minh, thì bi kịch gia đình Argong sẽ lớn nhường nào.
Hơn 2500 năm trước, Khổng Tử đã rất cảnh giác với loại ‘hàng giả’ này, và dạy học trò cách phân biệt: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiễn hỹ nhân”, có nghĩa là, những kẻ mồm mép nói năng khéo léo, sắc mặt luôn tươi cười tìm cách lấy lòng, làm đẹp lòng người khác, thì rất hiếm có lòng nhân đức.
Ngoài chỉ rõ những kẻ xảo ngôn siểm nịnh là kẻ ngụy quân tử, là tiểu nhân ra, Khổng Tử còn vạch rõ “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”, nghĩa là, người quân tử hiểu rõ nghĩa, vì nghĩa, kẻ tiểu nhân hiểu rõ lợi, vì lợi.
Kẻ ngụy quân tử, tiểu nhân thường giả dối, thích tâng bốc, nịnh hót bợ đỡ với người quyền thế, nhưng lại kiêu ngạo, kinh thường kẻ dưới.
Khổng Tử dạy “Xảo ngôn lệnh sắc, tiễn hỹ nhân”. (Ảnh: tinhhoa.net)
Kẻ ngụy quân tử thường dùng thủ đoạn lừa bịp, và cũng thường đem cái lợi ra để dụ dỗ lừa người ham lợi mắc bẫy. Điển hình là những vụ thương nhân Trung Quốc mua móng trâu, mua đỉa, mua lá vải… với giá cao, hay hệ thống bán hàng đa cấp, trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu mua hàng, càng bán được nhiều càng lợi nhiều. Những trò bịp này của những kẻ ‘tiểu nhân’ đã đẩy bao nhiêu người, bao gia đình vào tình cảnh khốn đốn, thậm chí tan vỡ, vỡ nợ.
Kẻ ngụy quân tử thường giả thiện ‘cưa sừng làm nghé’, cố ý phô ra cho người khác thấy cái ‘cao thượng’, ‘việc thiện’ của họ, nhằm mê hoặc lòng người, đến khi người ta mắc bẫy rồi mới lộ rõ lòng lang dạ thú, cướp đoạt danh vị, tài lợi.
Nhìn nhận một người, hãy xem ở giữa các mối quan hệ xã hội, ở giữa các xung đột lợi ích, giữa các mâu thuẫn giữa người với người, họ có giữ được tâm nhẫn nại, bình tĩnh, có giữ được lòng thiện lương, có thể hiện ra lòng vị tha, nghĩ cho người khác hay không, lời nói có chân thực không, nói có đi đôi với làm không… Nếu thực sự được như vậy, thì đó chính là bậc chính nhân quân tử.
Nam Phương
Nguồn: DKN.TV