Trong trào lưu kinh tế hàng hóa như hiện nay, người người đều hứng thú, coi trọng kỹ năng chuyên môn và tiền bạc.
Cho rằng có chuyên môn, có kỹ thuật hỗ trợ thì việc cạnh tranh kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng thành công; có nhiều tiền cũng có thể bỏ tiền ra thuê nhân tài giỏi chuyên môn, lo gì sự nghiệp không thành công.
Chính vì vậy cả một thế hệ tuổi trẻ, không biết từ lúc nào đã bắt đầu sùng bái tiền bạc, sùng bái kỹ thuật chuyên môn, mà không hề nghĩ rằng: chuyên môn nếu có thể mua được, thì cũng có thể bị bán được. Nếu con người cứ tôn thờ những thứ vô tính không tình không nghĩa này thì sớm muộn gì cũng bị lệ thuộc vào nó, chẳng khác gì đi vào một ngõ cụt không lối thoát.
Thế hệ con em của chúng ta đang ngày một đắm mình vào những quay cuồng của xã hội, đang giãy dụa giữa bao cám dỗ bủa vây.
Câu hỏi của con trẻ: Có kỹ năng cao, có thu nhập cao sẽ hạnh phúc chăng?
Có một ngày, con gái đang là học sinh trung học hỏi tôi:
“Ba mẹ mong muốn con thi vào trường có tiếng tăm, các bạn học của con cũng cho rằng cần phải có kỹ năng tốt để sau này ra trường xin vào các công ty lớn làm việc, như vậy mới có thu nhập cao. Ai ai cũng cố sức để đạt được những điều đó, nếu cả đời đều như vậy, thì có đáng giá không?
Có kỹ năng tốt sẽ được vào làm việc ở công ty lớn, sẽ có chức vị lớn, sẽ được hưởng lương cao, như vậy mới thực sự là cuộc sống sung sướng sao? Như vậy thật sự mới hạnh phúc sao? Nhưng sao mà con lại cảm thấy cuộc sống như thế không hề có ý nghĩa. Con người ta sống chỉ tranh nhau danh vị, cố sức mà tranh cao thấp, chỉ vì hưởng thụ vật chất đủ đầy, thật là nhàm chán”.
Con gái tôi tâm sự: Con người ta sống chỉ tranh nhau danh vị, cố sức mà tranh cao thấp, chỉ vì hưởng thụ vật chất đủ đầy, thật là nhàm chán. (Ảnh: noithatplaza.com)
Thật hiển nhiên, con gái tôi đang trong quá trình tự hỏi chính mình, cũng không biết suy nghĩ của mình liệu có đúng hay không, nó cảm thấy hoang mang, bối rối không biết nên lựa chọn như thế nào.
Là nên lựa chọn giống đa số mọi người hay là tự đi theo suy nghĩ của riêng mình, tự tin bước trên con đường đi tới tương lai mà mình lựa chọn?
Lúc này đây, chính là lúc mà con tôi có một lựa chọn trọng đại đầu tiên cho tương lai của mình. Nếu như vào hoàn cảnh này, không có sự quan tâm và hướng dẫn của người lớn, chỉ e là những băn khoăn bối rối kia sẽ vĩnh viễn bị con trẻ chôn sâu trong lòng, vì e ngại lạc lõng trong xã hội mà từ bỏ đi khao khát ước mơ đích thực của bản thân, từ bỏ theo đuổi những giá trị tinh thần đẹp đẽ.
Tiền có thể mua được kỹ năng nhưng không mua được con người
Tôi không bắt buộc con mình phải lựa chọn thi vào các trường đại học danh giá, nhưng cũng không phủ định ưu thế cũng như giá trị của những trường này.
Vấn đề là, cần nhìn nhận việc này như thế nào, cần lựa chọn như thế nào cho phù hợp với bản thân mình, chứ không phải cứ mù quáng chạy theo thị hiếu xã hội.
Mỗi người có một quan niệm sống như thế nào là tốt, như thế nào mới thực sự có ý nghĩa. Nếu hiểu rõ ràng những lý này thì mới có thể tự đưa ra lựa chọn đúng đắn cho chính mình.
Vì vậy, việc đầu tiên tôi cần làm lúc này, đó là dẫn dắt con gái, để cho con hiểu được mong muốn chân chính của bản thân là gì và làm thế nào để theo đuổi nó.
Tôi bèn nói với con: “Trong tương lai, bất kể con lựa chọn làm nghề gì, nắm giữ được kỹ năng gì, dù con có bao nhiêu tiền, chức vị cao thấp ra sao, đều là làm một người trong xã hội này: bên ngoài thì lo giao tiếp với người khác, về nhà lại đối mặt với các sự việc trong gia đình. Nhìn thì thấy thật phức tạp, vất vả…
Nhưng kỳ thực nó cũng không có gì là phức tạp, chỉ cần con thực hiện điều này: lấy chân thành đối với mọi người, dùng sự nhiệt tình, trân trọng và tôn trọng người khác mà đối đãi với nhau. Không cần tìm đâu xa, mà chỉ cần con xem bản thân con muốn điều gì thì sẽ hiểu người khác mong muốn cái gì”.
Việc đầu tiên tôi cần làm lúc này, đó là dẫn dắt con gái, để cho con hiểu được mong muốn chân chính của bản thân là gì và làm thế nào để theo đuổi nó. (Ảnh: pixabay.com)
“Con có thể nghĩ lại xem, tiền bạc và vật chất có đem đến hạnh phúc, vui sướng cho con không? Ví như lúc ba con không ở nhà, con cảm thấy lẻ loi; những lúc con cần có ba mẹ bên cạnh để nói chuyện, tâm sự, vui đùa… nhưng ba con lại luôn không ở nhà mà ngày đêm bận lo kiếm tiền để lo cho con những thứ tốt nhất, mua cho con những thứ con yêu thích.
Tuy rằng những thứ đó cũng quan trọng, trong lòng con lúc đó cũng rất vui vẻ, nhưng có thể từ trong sâu thẳm nội tâm của con lại cảm thấy một sự vắng vẻ, mất mát, bất an, thậm chí có thể còn có một chút oán hận. Cho nên, theo con thì con người sống là cần cái gì? Chính là cần sự quan tâm, tình cảm, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Đó là theo đuổi hướng về tinh thần, là tình thương yêu của con người”.
“Lại nói đến vấn đề kỹ năng kỹ thuật, thế hệ trẻ bây giờ quả là nhìn nhận lệch lạc về nó. Những suy nghĩ, băn khoăn của con là đúng. Mỗi người không nên cứ chạy theo dòng chảy trào lưu xã hội nhất thời, mà cần phải theo đuổi những khát khao mơ ước đích thực của bản thân. Nếu không sẽ gặp phải những khổ đau và hối hận”.
“Ví như con có nắm giữ được trình độ kỹ thuật cao cấp, nhưng nếu ông chủ của công ty đó cũng là người chỉ biết tính toán cạnh tranh kinh doanh, chỉ quan tâm đến năng lực; đó chẳng phải là chỉ có được ngọn mà không có được gốc sao. Vì sao lại nói như vậy? Con thử nghĩ xem, nếu một công ty có thể dùng tiền để mua được nhân tài nhưng lại không thực tâm trân trọng đối đãi với nhân tài ấy, thì công ty đó chỉ có thể mua được cái phần kỹ thuật cao cấp kia thôi, chứ không mua được phần tâm huyết của nhân tài đối với công ty; thứ sở hữu được cũng chỉ là tay nghề kỹ thuật mà không phải con người đó. Như vậy nhân tài đó cũng có thể sẽ bị người khác trả giá cao hơn mua đi bất cứ lúc nào. Chỉ cần có công ty khác trả giá cao hơn thì nhân tài sẽ theo đó mà đi, vì cái bán đi mua về là kỹ thuật chứ không phải là nhân tâm con người. Bởi vì trong lòng của nhân tài kia không hề có khái niệm tận tâm trung thành với công ty, mà chỉ có sự trao đổi tiền – tài năng mà thôi.
Lòng người mới là thứ khó có được, khó tiền nào mà mua được nó. Ngẫm lại xem, trong sự cạnh tranh khốc liệt như vậy, ngươi có thể mua thì ta có thể bán, có ai lại không cảm thấy căng thẳng mỏi mệt, có ai lại không thấy bất an chứ?”
Con gái nghe đến đây, trong tâm cảm thấy rất xúc động, nên vội vàng nói: “Đúng vậy mẹ ạ, chính là cái vấn đề này. Nếu thật sự làm việc trong một công ty hoạt động như vậy, một chút tình người đều không có, lạnh nhạt thờ ơ, hữu dụng thì thu mua, không được liền sa thải, khiến lòng người luôn luôn bất an lo lắng, lúc nào cũng âm thầm tính toán, vậy làm gì có người còn lưu luyến với công ty. Thật không hiểu nổi sống như vậy còn có ý nghĩa gì chứ?”.
Học tập “công ty trăm năm” của Nhật Bản
Tôi lại nói tiếp với con:
“Nhiều người hiện nay không hiểu nổi các công ty Nhật Bản, nhất là những giá trị đạo đức của các công ty đã tồn tại cả trăm năm nay, thậm chí còn cho rằng những người Nhật không thông minh bằng người nước khác. Nhưng vì sao những công ty đó tồn tại và phát triển tốt như vậy. Kỳ thực, họ tồn tại và phát triển qua cả trăm năm là do họ biết cách xử sự, tôn trọng giá trị con người, đối ngoại thì hết lòng tuân thủ chữ Tín, đối nội thì thật tâm đối đãi với nhân viên, xem nhân viên như người thân vậy.
Những công ty của Nhật Bản tồn tại và phát triển qua cả trăm năm là do họ biết cách xử sự, tôn trọng giá trị con người, đối ngoại thì hết lòng tuân thủ chữ Tín. (Ảnh: youtube.com)
Người xưa luôn răn dạy con người tôn trọng đạo nghĩa, tình nghĩa, lòng trung thành, và hết sức coi trọng chữ tín. Truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” cũng rất được phổ biến đối với người Nhật, cũng là cuốn sách được họ thích xem nhất.
Mọi người đều biết, Quan Vũ vì không chấp nhận sự hậu đãi của Tào Tháo nên đem toàn bộ lễ vật được ban trả lại cho Tào Tháo để đi theo Lưu Bị, cho dù Lưu Bị lúc đó đang lâm cảnh khó khăn.
Từ bỏ phú quý do Tào Tháo mang lại, Quan Vũ tìm đường trở về bên cạnh Lưu Bị, cũng bởi vì Lưu Bị luôn lấy phúc hậu đối đãi với người, lại yêu thương, quan tâm Quan Vũ và Trương Phi như một người huynh trưởng, cũng xem hai người bọn họ giống như tình anh em ruột thịt.
Càng quan trọng hơn là Lưu Bị mưu cầu nghiệp lớn chỉ vì ông muốn sớm chấm dứt chiến tranh loạn lạc dân tình lầm than; Lưu Bị là vì nghĩa, không phải vì vinh quang của cá nhân mình, cho nên ông mới có được lòng trung thành tự nguyện của mọi người. Ở thời cổ đại, người ta xem phản bội như một sự hổ thẹn vô cùng.
Ở xã hội hiện đại cũng vậy, cho dù có nhiều tiền tài đi nữa, nhưng giá trị đích thực được đánh giá cao và coi trọng vẫn là chí hướng, lòng trung thành và sự thành tín.
Đây mới là một xã hội tốt đẹp, một cuộc sống tốt đẹp và có thể làm cho con người cảm thấy sống được an tâm và thoải mái, chứ không phải vì có bao nhiêu tiền và trình độ kỹ thuật cao ra sao.
Con xem, người sáng lập ra công ty Matsushita là ông Matsushita Konosuke, ông ấy chỉ học đến lớp 4 tiểu học, nhưng ông lại đi theo cha mẹ, cùng thầy giáo học nghề, không những ông học được một tay nghề giỏi, mà trong quá trình học đó, ông còn học được đạo lý đối đãi người, học được đạo nghĩa, thành tín và trách nhiệm. Thời kỳ thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, có rất nhiều công ty vội vàng giảm biên chế, nhưng công ty của ông một người cũng không bị sa thải, không những vậy ông còn động viên mọi người cùng nhau nghĩ biện pháp giải quyết hàng hóa tồn đọng. Điều này khiến cho mọi người cảm động không thôi, bèn cùng nhau hợp lực, cuối cùng đã giải quyết được vấn đề khó khăn ngoài dự đoán. Ở trong tình trạng nguy khốn, ông ấy không những làm đúng vai trò trách nhiệm của một người lãnh đạo mà còn giữ đúng đạo nghĩa, lương tâm của con người, xem mọi người trong công ty như người nhà mà đối đãi, có phúc cùng hưởng có họa cùng nhau gánh vác, biết trân trọng công nhân của mình. Ông cũng là một người kinh doanh biết lấy đóng góp cho xã hội làm mục tiêu và ý nghĩa, cho nên trong cuộc sống vừa có được sự tôn quý lại càng giàu có”.
Con gái nghe xong mỉm cười và gật gật đầu đồng ý.
Nắm bắt cơ hội, tôi lại giảng giải tiếp:
“Vì vậy, làm một người lãnh đạo, cần biết quan tâm nhân viên, biết quý trọng những người có cống hiến cho công ty, lấy chân thành đối đãi với mọi người, không phân biệt chức vụ cao thấp, như vậy mọi người sẽ rất cảm động, lại càng quyết tâm gắn bó công ty, càng cố gắng vì công ty mà làm tốt công việc của mình.
Còn ngược lại, sẽ khiến cho mọi người cảm thấy lạnh lùng, không chừng trong tâm nổi lên oán hận mà làm ra việc bán những điều cơ mật của công ty. Đối với những người làm công, nếu ông chủ có lương tâm, thì nhân viên mới có thể an tâm mà hết lòng làm tốt trách nhiệm của mình, cũng sẽ không dễ gì mà bị tiền tài mua đi, sẽ không vì tài cao mà ngạo mạn, cũng sẽ không cảm thấy mình không được trọng dụng rồi nảy sinh hai lòng.
Con gái à, bản thân mình có trình độ kỹ thuật cao cũng tốt, điều quan trọng là biết giữ bổn phận và đạo nghĩa làm người… (Ảnh: pixabay.com)
Cho nên, bản thân mình có trình độ kỹ thuật cao cũng tốt, điều quan trọng là biết giữ bổn phận và đạo nghĩa làm người, nếu không cũng sẽ cảm thấy bất an, mà đã bất an thì làm sao có thể có được hạnh phúc và thoải mái. Con phải nhớ kỹ rằng, tiền là không mua được lòng trung thành, nhiều tiền cũng không mua được hạnh phúc êm ấm của gia đình. Có bao nhiêu tiền tài và vật chất hưởng thụ, cuối cùng đều hư không.
Bây giờ đây, con tự đặt câu hỏi, tự băn khoăn như vậy, chứng tỏ trong tâm con đang có sự bối rối, như vậy cũng là một việc tốt.
Cho dù con lựa chọn học nghề gì, lựa chọn trường nào, chỉ cần có tác dụng, có ích cho xã hội thì mẹ đều ủng hộ con, quan trọng là dù ở đâu, làm gì con không được đánh mất bản thân mình, không được đánh mất niềm vui đích thực sự trong tâm của mình.
Nếu như con có thể học kỹ năng thật tốt, thì muốn cống hiến cho xã hội, muốn làm việc có ý nghĩa đều có thể làm.
Ví như con thích âm nhạc, con cứ học âm nhạc cho tốt, sau này có thể sáng tác ra những bài nhạc hay khiến cho người nghe có thêm hy vọng trong cuộc sống, như vậy cũng là có thể giúp ích cho người khác, là làm việc có ý nghĩa. Như vậy thì kỹ năng của con đã được sử dụng đúng nơi đúng chốn chứ không phải là vì tiền tài, điều này chẳng phải là hạnh phúc sao?”
Sau cuộc nói chuyện này, con gái tôi cảm thấy thật thoải mái, bởi những băn khoăn, bất an trong lòng đã được giải khai. Cô bé cũng đã hiểu bản thân mình nên có lựa chọn như thế nào về nghề nghiệp và trường học phù hợp cho mình.
Theo ntdtv.com
Minh Phúc biên dịch
Nguồn: DKN.tv