PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay tình trạng mắc COVID-19 ở trẻ ngày càng gia tăng do trẻ đi học trở lại, một số lượng lớn các em chưa được tiêm vắc xin, cộng thêm tốc độ lây lan nhanh của virus. “Thông thường, khi trẻ mắc COVID-19, chỉ cần theo dõi, điều trị tại nhà, một tỉ lệ rất nhỏ vào viện khám. Với những trẻ có triệu chứng thở nhanh, chỉ số bão hòa ô xy giảm, bác sĩ cần chỉ định chụp X-quang, nếu X-quang bình thường thì kiểm tra lại, có thể cho trẻ về nhà. Thể nặng và nguy kịch là khi bão hòa ô xy tụt, trẻ kém ăn, bỏ bú, tổn thương phổi rõ rệt, thậm chí có trường hợp bị sốc, suy đa phủ tạng, phải thở máy…”, PGS Hiếu nói.
Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng ở trẻ
Theo chuyên gia y tế, đối tượng chăm sóc tại nhà gồm 2 nhóm chính. Thứ nhất là trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính - đối tượng này ngày càng nhiều. Thứ hai là trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng. Mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện; điều trị các triệu chứng thông thường - giống như cảm cúm, sốt virus; tránh lây nhiễm chéo trong gia đình.
TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Môi trường y tế (Bộ Y tế), nói rằng, thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay sau khi phát hiện một vài ca F0. Theo ông, đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lí. Về thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp tình hình hiện nay. |
“Chúng ta không nên quá căng thẳng mục tiêu thứ 3 vì thường các trẻ đã mắc thì bố mẹ cũng dễ mắc, nên việc bắt trẻ suốt ngày đeo khẩu trang cũng rất khổ. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng để báo cho cơ quan y tế và chuyển trẻ đến bệnh viện khi cần”, ông Hiếu nói. Các bậc phụ huynh khi cần đưa con đến bệnh viện hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để trẻ được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng lựa chọn bệnh viện không cần thiết vì Bộ Y tế đã giao các bệnh viện/viện có nhiệm vụ thăm khám, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
Những trẻ dễ chuyển nặng
Trẻ mắc COVID-19 thường có bệnh cảnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn có một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.
Bác sĩ Hiếu cho biết, các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ mắc COVID-19 gồm: trẻ đẻ non, cân nặng thấp; mắc bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gen, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn tính; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…
“Đây là những yếu tố nguy cơ có thể làm bệnh nặng lên. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp phải căn cứ vào triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng để quyết định có cần cho trẻ nhập viện hay không”, ông Hiếu nói.
Hà Minh
Nguồn: tienphong.vn