Nếu bạn đang làm bố mẹ và dành nhiều thời gian dùng điện thoại mỗi ngày thì bạn phải đọc ngay bài viết dưới đây vì...
... Những chia sẻ này là một bài viết của một nhà báo, một blogger và cũng là một bà mẹ tên Laura Lifshitz đến từ Mỹ và đã nhận được rất nhiều sự chú ý cũng như đồng cảm của rất nhiều ông bố bà mẹ.
Sau khi đọc xong, không ít cha mẹ sẽ nhận ra rằng, mình đã quan tâm đến chiếc điện thoại hơn lũ trẻ.
“Người ta thường nói không có gì sai khi phán xét và chỉ trích những ông bố bà mẹ sử dụng điện thoại.
Nhưng suy cho cùng thì chúng ta cũng chỉ là con người, đúng không? Chúng ta có quyền được nghỉ ngơi. Giao tiếp xã hội. Trả lời những email công việc. Chia sẻ những bức ảnh đáng yêu của con chúng ta trên Instagram…
Và tôi cũng thế, tôi cũng chỉ là con nười.
Tôi cũng kiểm tra điện thoại vì mục đích công việc hay chia sẻ một bức ảnh đáng yêu của con tôi lên Instagram. Điện thoại đã trở thành một phần rất lớn trong thế giới của chúng ta…
Nhưng bạn thấy đấy, điện thoại đã không còn đơn thuần chỉ là một vật dụng hay một công cụ giao tiếp.
Chúng đã trở thành một cuộc đua. Chúng là thứ đánh lạc hướng mắt chúng ta, làm chúng ta sao nhãng, và ngăn chúng ta tập trung vào những người ở ngay trước mắt - chủ yếu là con chúng ta.
Tôi không nói thế vì tôi không thích dùng điện thoại, mà bởi vì tôi cũng là người luôn kè kè cái điện thoại bên người.
Bởi vì điện thoại tôi reo suốt ngày. Người nào đó gửi email cho tôi. Người nào đó gửi tin nhắn cho tôi. Người nào đó bình luận ảnh trên Facebook của tôi.
Chúng cứ hiện thông báo ngày này qua ngày khác, làm tôi không còn quan tâm gì đến những thứ đang xảy ra xung quanh nữa.
Khi tôi còn nhỏ, tôi không phải tranh giành với bất cứ thứ gì khác để dành được sự chú ý của mẹ, ngoại trừ ba chị gái của tôi.
Và tôi chắc chắn các bạn cũng thế. Có thể là bố của tôi thì hơi thích thú quá thể với TV, và các bậc cha mẹ khác cũng thế, nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa 1 cái TV và điện thoại thông minh chính là chúng ta không thể bỏ TV trong túi của chúng ta để mang theo!
Thế nhưng, đối với những đứa trẻ, điện thoại lại đang trở thành một đối thủ khó nhằn để giành lấy thời gian cũng như sự chú ý của bố mẹ chúng.
Với điện thoại, bạn đang trả lời không chỉ những cuộc gọi hay tin nhắn mà còn những thông báo đến từ Facebook, Instagram, email, trò chơi,…
Bạn có quá nhiều thứ chỉ trong một chiếc điện thoại nhỏ, thì sao bạn có thể không sao nhãng con cái bạn được cơ chứ?
…Tôi ước tôi có thể nói rằng cắt giảm thời gian dùng điện thoại là rất dễ. Nhưng nó không hề dễ.
Tôi đã phát hiện ra rằng những tuần mà tôi chịu khó vứt điện thoại sang một bên, chất lượng giao tiếp tương tác giữa mẹ con tôi đã được cải thiện.
Và tôi còn nhận ra con tôi than phiền khi bố mẹ đều dán mắt vào điện thoại, con đã rất buồn và thất vọng.
Con đã rất buồn và thất vọng mỗi khi bố mẹ chỉ chăm chăm dán mắt vào điện thoại.
Tôi không nói điều này để bắt bạn phải từ bỏ việc dùng điện thoại. Đối với hầu hết chúng ta, nó vô cùng quan trọng đối với công việc và những mối quan hệ xã hội… Đặc biệt là những bà mẹ ở nhà không thể gặp gỡ nhiều, điện thoại có thể là phương tiện duy nhất để kết nối với những người khác.
Hãy giữ lấy điện thoại của mình. Nhưng bạn hãy nhớ rằng mỗi lần bạn dùng điện thoại, thì trí óc của chúng ta cũng mất chừng ấy thời gian quan tâm đến trẻ.
Chúng ta có thể vẫn ở bên trẻ, nhưng tâm trí của chúng ta lại không hoàn toàn 100% như vậy.
Trong những lúc như thế, có thể bạn đã để lỡ lúc con:
- Chia sẻ một bí mật với bạn.
- Làm một việc gì đó thật lớn lao lần đầu tiên.
- Nói “Con yêu bố/mẹ”.
Như thế có nghĩa là chúng ta nên vứt ngay điện thoại và trách bản thân vì nghiện điện thoại không? Không.
Bạn không nên cảm thấy tồi tệ vì có một chiếc điện thoại, muốn giao lưu hay xem các trang mạng xã hội. Biết đâu cũng có thể bạn để lỡ những khoảnh khắc đó chỉ vì bé khác đang quấy khóc, ăn vạ hay phá phách…
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì bạn cũng nên cân nhắc tần suất sử dụng điện thoại của bản thân.
Hãy cố dành ra vài tiếng mỗi ngày khi bạn biết rằng sẽ không có việc gì “khẩn cấp” xảy ra.
Với tôi, khi không phải chăm con gái, thì điện thoại sẽ ở bên cạnh. Còn nếu khi ở bên con sau những giờ làm việc thì đó là lúc để điện thoại sang một bên.
Nếu bạn không thể làm như thế, hãy thử đánh 1 dấu tích lên một mảnh giấy mỗi lần bạn dùng điện thoại.
Cuối ngày, hãy thử đếm xem có bao nhiêu dấu tích? Số dấu tích sẽ tương ứng với khoảng thời gian bạn đã bị sao nhãng bởi điện thoại và không thể dành cho gia đình hay thậm chí bản thân bạn.
Sau đó, hãy cân nhắc giảm bớt khoảng thời gian đó, nhưng vẫn có khoảng cho kết nối với mọi người bằng điện thoại.
Và hãy nhớ rằng bạn là người luôn nhắc con hạn chế sử dụng công nghệ và ra ngoài chơi, nhưng thực sự bạn có nêu gương được cho con không?
Đây là một lý do nữa mà bạn phải hạn chế sử dụng điện thoại hơn.
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Là cha mẹ, ta luôn cố gắng hết sức.
Ta sẽ không thể trở lại thời không điện thoại ngay được, nhưng ta có thể nhắc bản thân tác hại của chúng và những gì mới đúng là ưu tiên của chúng ta”.
Theo Trí Thức Trẻ