Ông Nhẫn và đứa cháu ngoại mới 5 tuổi, chưa hiểu nỗi đau mình đang đón nhận - Ảnh: TRẦN MAI
Chiều 24-1 (ngày 22 tháng chạp), người dân thôn Lâm Bình, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, chung tay lo đám tang cho vợ chồng anh Nguyễn Văn Trữ (37 tuổi) và chị Trần Thị Thảo (34 tuổi). Khung cảnh tang thương và đau xót ngày cuối năm với những giọt nước mắt chảy tràn.
Ai mà ngờ…
Ông Trần Nhẫn (58 tuổi, cha ruột chị Thảo) nước mắt chảy dài kể về buổi chiều nhận tin dữ. Lúc đó, khoảng 15h chiều 23-1, ông đang lúi húi dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị chạy lên nhà sui gia thăm cháu ngoại thì điện thoại đổ chuông.
"Người ta hỏi tôi rất kỹ quan hệ với con gái và con rể. Lúc đó lòng tôi đã rất bất an. Tôi hỏi dồn, rồi họ nói con tôi gặp tai nạn ở Bình Định, bị thương rất nặng, gia đình vào gấp", ông Nhẫn nghẹn ngào.
Hay tin, ông Nhẫn không còn đứng vững, tiếng khóc của ông vang ra cả xóm. Mọi người chạy lại hỏi chuyện rồi nghẹn ngào theo. Nếu không có vụ tai nạn xảy ra, thời điểm ông nghe máy, vợ chồng anh Trữ đã về đến quê nhà.
Giây phút ấy, mọi người động viên nhau, ông Nhẫn cùng người thân và hàng xóm thuê một ô tô đi vào khu vực gần ngã ba Phú Tài (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Trên xe, ông Nhẫn cầu khấn Trời Phật phù hộ cho hai con tai qua nạn khỏi. Nhưng khi vào đến nơi, nhìn hiện trường, nghe người dân kể chiếc xe máy anh Trữ chở vợ vượt ngàn cây số về quê va vào xe container, cả hai không qua khỏi... ông chết lặng.
"Tôi không thể tin được, mấy tiếng trước nghe bị thương nặng, sao giờ lại không qua khỏi. Tôi vừa khóc vừa hỏi hai chú công an nhưng chẳng ai trả lời tôi cả", ông Nhẫn khóc nghẹn.
Con gái lớn của vợ chồng anh Trữ thẫn thờ trong tang lễ của cha mẹ - Ảnh: TRẦN MAI
Tiếng trống tang lễ vang lên cùng với lời kể của ông Nhẫn càng khiến buổi chiều thêm não nề. Trong căn nhà rệu rã, nhiều người thân ngất lịm và phải nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm.
Ông Nhẫn bảo ai mà ngờ ngày đoàn tụ sau hơn một năm xa cách lại thành ngày tang lễ. Ông cứ nghĩ sẽ gặp lại con cháu, nào có nghĩ đến đây là cuộc đưa tiễn sau cùng.
Cháu Nguyễn Trần Thảo Ngân (5 tuổi) chưa biết được nỗi đau lớn mình đang đón nhận, cứ hỏi mọi người sao ba mẹ ngủ mà không chịu dậy chơi với con. Mọi người trả lời đứa trẻ tội nghiệp ấy bằng những giọt nước mắt và cái ôm chua xót.
Về quê đoàn viên rồi đi mãi
Cưới nhau được 10 năm, anh Trữ và chị Thảo vất vả trên ruộng đồng vẫn không đủ sống. Khi cháu Nguyễn Trần Thảo My (năm nay 9 tuổi) chào đời, cuộc sống càng thêm vất vả.
Bảy năm trước, anh chị quyết định dẫn con vào Sài Gòn mưu sinh. Hằng ngày, anh Trữ rong ruổi khắp nơi lắp ráp máy, còn chị Thảo đi làm công nhân may. Cuộc sống tạm đắp đổi qua ngày.
Hai năm qua dịch bệnh hoành hành, công ty chị Thảo giải thể, chị mất việc đành nhận đồ về nhà may thời vụ. Cuộc sống thêm cơ cực, khi Sài Gòn dịch bệnh bùng mạnh, chị cũng thất nghiệp. Không đủ sức nuôi hai con, vợ chồng anh Trữ nhờ người thân đưa con nhỏ về quê cho bà nội chăm. Hai vợ chồng cố bám trụ nuôi con gái đầu, hy vọng qua dịch kiếm thêm tiền về quê đón Tết.
Người làng chung tay lo đám tang cho vợ chồng anh Trữ, ai cũng nghẹn ngào trước nỗi đau của gia đình - Ảnh: TRẦN MAI
Cách đây mấy ngày, chị Thảo điện thoại về nhà nói với ông Nhẫn ít hôm nữa sẽ về quê. Đáng ra cả nhà mua vé xe khách, nhưng rồi thiếu trước hụt sau, vợ chồng quyết định gửi con theo người thân về xe khách, anh chị đi xe máy về quê, giảm bớt chi phí. "Cũng vì nghèo mới ra cớ sự đau lòng này", ông Nhẫn thẫn thờ.
Bây giờ, gia đình ông Nhẫn rối bời, mấy hôm trước ông còn động viên con về quê đón Tết, rồi các anh chị góp người vài chục triệu đồng sửa lại nhà cho tươm tất. Dẫu sao hai đứa cháu của ông cũng lớn rồi. Nhưng chỉ sau một buổi chiều hồi hương, cháu ông thành trẻ mồ côi, ông vĩnh viễn mất đi hai người con.
Nhìn hai đứa cháu, ông chẳng biết những tháng ngày sắp đến sẽ thế nào. Trong đời ông Nhẫn, chưa có cái Tết nào đau lòng như thế...
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online