Hồi gần 30, tôi và sếp thường đi ăn trưa cùng nhau và tán gẫu chuyện đời. Một hôm sếp bảo tôi rằng khi cậu bước sang tuổi 30, cậu phải bắt đầu có trách nhiệm. Lúc đó tôi chẳng quan tâm lắm, nhưng giờ đây khi đã ở tuổi tứ tuần, tôi ước mình đã nghĩ về điều đó sớm hơn.
Dưới đây là 8 bài học cuộc sống tôi đã học được khi đã đi được 40 năm cuộc đời – những điều mà tôi ước có ai đó sẽ nói với tôi từ 10 năm về trước.
Tình bạn chân thành sẽ không bị chia cắt bởi thời gian và khoảng cách
Cuộc sống thay đổi, con người cũng thay đổi. Một số bạn bè của bạn sẽ chuyển đi, một số khác sẽ kết hôn, rồi sinh con… Càng trưởng thành thì bạn càng có ít bạn bè hơn và ít liên lạc với họ hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người bạn ít gặp sẽ bước ra khỏi cuộc đời bạn.
Tôi chợt nhận ra rằng những tình bạn thân thiết nhất mà tôi có được trong 20 năm qua vẫn luôn bền vững với thời gian và đó thực sự là những tình bạn vĩnh cửu. Cho dù cuộc sống có biết bao đổi thay.
Cha mẹ bạn cần được chăm sóc
Khi bước sang tuổi 70, sức khỏe của cha mẹ bạn sẽ là mối quan tâm hàng đầu. Họ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe như tăng nồng độ cholesterol, suy giảm thính lực, phải đi gặp bác sĩ và sử dụng thuốc thang thường xuyên hơn.
Do đó, bạn cần phải hiểu tiền sử sức khỏe của gia đình mình, nắm vững thông tin để có thể xử lí tốt các tình huống phát sinh. Bạn càng trưởng thành, thời gian ở cạnh cha mẹ càng rút ngắn. Đừng mải mê cuộc sống riêng quá để rồi hối hận vì đã không quan tâm chăm sóc đấng sinh thành của mình sớm hơn.
Đám cưới xa xỉ là điều không cần thiết
Nếu có một lúc nào đó tôi phải thốt lên rằng: “Giá như tôi biết trước…” thì có lẽ đó chính là về đám cưới của tôi. Vâng, chính xác thì nó rất đẹp – mọi người đều thích nó. Chúng tôi đã có 1 lễ kỉ niệm ngoài trời với âm nhạc và thật nhiều đồ ăn.
Nhưng một đám cưới như vậy quả thực rất tốn kém, nhất là ở thành phố lớn. Lên kế hoạch cho đám cưới có thể gây ra “stress” cho cả cô dâu và chú rể, gây ra tranh cãi cho gia đình hai bên khi phải chi trả một khoản tiền lớn.
Nếu bạn vẫn muốn có một lễ cưới, hãy tập trung vào danh sách khách mời và thu gọn nó lại: chỉ mời những người thực sự cần phải có mặt ở đó.
Nếu được quay trở lại, nhất định chúng tôi sẽ đi nghỉ một kì trăng mật thật dài rồi cùng nhau gây dựng cuộc sống mới thay vì phải tổ chức một lễ cưới vô nghĩa.
Được làm cha thú vị hơn nhiều so với làm chú/bác
Khi chị tôi sinh con đầu lòng, tôi tặng cháu rất nhiều quà. 11 năm sau, cô bé lớn lên và vẫn còn giữ con thú nhồi bông đầu tiên mà tôi mua. Tôi cũng làm điều tương tự khi cháu trai tôi được sinh ra. Thậm chí tôi còn tình nguyện trông những đứa trẻ của chị tôi. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng mình là ông chú tuyệt vời nhất.
Là một người chú đã giúp tôi chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi làm bố. Bây giờ, khi đã là một ông bố, tôi chẳng thể tưởng tượng nổi đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu vắng con trai. Những cuộc phiêu lưu, những trò chơi của hai cha con, với tôi đều là những trải nghiệm vô giá. Và tôi luôn mong rằng mình có thể lưu giữ trọn vẹn những khoảng khắc đó.
Tôi dành nhiều tình cảm cho con trai mình. Nó khiến tôi trở thành một người tốt hơn, một người cha tốt hơn. Và tôi biết, tôi là một ông bố tuyệt vời.
Sống tối giản hơn sẽ tạo ra nhiều thành quả hơn
Là một biên tập viên, tôi luôn có hàng tá tạp chí. Tôi cũng tận dụng những món đồ miễn phí ở văn phòng – do đó tôi nhanh chóng dự trữ được số lượng kem cạo râu đủ dùng cho 4 năm tới.
Về sau, tôi có đọc cuốn “Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống” của Marie Kondo. Tôi quyết dịnh bỏ đi những thứ không cần thiết: tạp chí, sách báo, đĩa DVD, quần áo không mặc nữa và hàng đống giấy tờ…
Tôi cũng ngừng lưu giữ những thứ không mang lại niềm vui. Tôi bắt đầu mặc đồng phục đi làm – những bộ quần áo giống nhau mỗi ngày chẳng làm ai chú ý, bận tâm tới tôi. Cuộc sống càng đơn giản, càng tiện lợi. Thay vì lãng phí thời gian để làm “phức tạp” cuộc sống, tôi có thể tận hưởng những điều tuyệt với giản dị xung quanh mình và có nhiều điều ý nghĩa, đáng ghi nhớ hơn trong cuộc đời.
Hãy chăm sóc bản thân
Tôi bị thương ở tay phải khi chơi boxing, bị thương ở tay trái khi chơi bóng chuyền, lưng tôi bị thoát vị đĩa đệm còn đầu gối của tôi thì luôn trầy xước. Thêm vào đó, tôi chẳng thể nào thoát khỏi cái bụng bia của mình.
Tôi không cố để trông giống như một nam diễn viên quyến rũ, tôi chỉ muốn cơ thể mình gọn gàng và khỏe mạnh hơn. Khi tôi làm biên tập ở mảng sức khỏe và thể dục thể hình, tôi nhận ra không khó để có thể lấy lại vóc dáng cho dù bạn ở lứa tuổi nào. Tuy nhiên sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn vốn có một thân hình cân đối. Vì vậy, hãy chăm sóc cho cơ thể từ sớm và thường xuyên.
Hãy kiên nhẫn để xây dựng sự nghiệp
Tôi là cựu sinh viên của trường đại học Syracuse, và kể từ khi làm việc trong lĩnh vực truyền thông, mọi người đều tưởng tôi tốt nghiệp trường truyền thông Newhouse thuộc đại học này.
Thật ra, chuyên ngành của tôi là học về bán lẻ. Tôi luôn muốn trở thành một nhà văn hoặc một biên tập, và tôi đã làm được. Tôi tham gia nhiều dự án thú vị: tôi viết sách, tạp chí và thậm chí còn giành được giải Emmy.
Nhưng lúc mới ra trường, do thiếu nền tảng kiến thức về truyền thông nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi từng trải qua một thời kì dài đen tối trong sự nghiệp của mình, với bảy lần thất nghiệp. Đó là khoảng thời gian đầy thử thách và dễ nản chí của vợ chồng tôi.
Nhưng cũng chính thời gian khó khăn này đã giúp tôi tích lũy kinh nghiệm và có được thành công sau này. Những đêm thức khuya để hoàn thành tạp chí hay chạy deadline đều giúp tôi học hỏi thêm một điều gì đó.
Suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề đảm bảo tài chính
Khi tôi kiếm tiền, tôi luôn luôn tiết kiệm . Nhưng tôi chưa bao giờ mạo hiểm đầu tư chúng để sinh lời. Tôi cũng chưa bao giờ đi gặp cố vấn tài chính.
Giờ đây, tôi đang phải nỗ lực chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu khi cố gắng cân bằng chi tiêu hằng ngày. Bài học rút ra là: Không bao giờ là quá sớm để nghĩ về giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Hãy luôn lên kế hoạch cho tương lai xa một chút.
Nguồn: Hoài Thu
Trí thức trẻ/Business Insider