Nhiều người có một thói quen, đem hạnh phúc trong con mắt của mình định nghĩa thành hạnh phúc trên thân của người khác. Bèn cho rằng người khác không đủ hạnh phúc, không đủ tốt, không đủ hoàn mỹ, cũng không xứng với hết thảy những gì họ có được.
Câu chuyện thứ nhất:
Tôi từng được xem một câu chuyện như vậy:
Có một đôi vợ chồng trẻ người Anh, trước khi kết hôn liền ghé vào một cửa hàng trang sức. Vì không có tiền nên chàng trai chỉ mua một chiếc nhẫn rẻ tiền, trị giá 130 USD. Đương nhiên là với giá rẻ như vậy nên không có nhẫn kim cương đính kèm.
Kết quả là trong lúc cô gái đang thử chiếc nhẫn trên tay liền nghe thấy tiếng của nhân viên bán hàng nói chuyện với một nhân viên khác: “Cậu có thể tưởng tượng được rằng có người mua chiếc nhẫn này để làm nhẫn đính hôn không? Thật đáng thương!”
Cô gái nghe thấy thế liền nói: “Ý nghĩa quan trọng nhất của một chiếc nhẫn cưới không phải nằm ở giá trị của nó mà nằm ở tình cảm chú rể dành cho bạn nhiều bao nhiêu. Vậy nên xin đừng tùy tiện làm phiền hạnh phúc của người khác như vậy”.
Người nhân viên bán hàng cảm thấy rất xấu hổ liền xin lỗi.
Rất nhiều người trong chúng ta cũng thường hay mang theo quan niệm “tốt cho bạn”, “cũng mong bạn hạnh phúc”. Cứ cho là bạn thật lòng thật dạ, nhưng bạn vốn không phải là họ, lại làm sao biết được cảm xúc tâm trạng của họ được. Cũng có thể, điều mà bạn cho là hạnh phúc có khi trong con mắt người khác lại là thứ không đáng một đồng.
Vậy nên hãy khoan đánh giá cuộc sống của người khác, bởi vì cuộc sống đó vốn không phải là của bạn; cũng đừng bận tâm đến cuộc sống của người khác, là bởi con đường của người ta là tự họ chọn lấy.
Câu chuyện thứ hai
Ngày trước, khi còn đi học, trong lớp tôi luôn có bạn học tên là Tiểu trân, học tập rất là chuyên cần, nhưng thành tích lại luôn chỉ ở mức trung bình.
Tiểu Trân rất chịu khó, lúc ở trên lớp, cô rất chăm chỉ nghe giảng; khi chúng tôi đến giờ ra chơi, cô vẫn ở trong lớp làm bài. Khi mọi người chúng tôi kết thúc lớp học thêm liền ghé vào quán ăn ăn khuya, nhưng Tiểu Trân thì vẫn ở lại, cô phải đợi đến lúc thầy trực ban đến gọi mình thì mới ra khỏi lớp. Thậm chí khi mọi người chúng tôi đã đi ngủ hết cả, cô vẫn bật đèn pin lên đọc sách trong chăn.
Nhưng mà, hết thảy những ai đã từng trải qua cái thời học sinh đều biết rằng, có rất nhiều lúc, chúng ta cố gắng học tập cũng chỉ là học khá hơn một chút so với những lúc ta không nỗ lực, chưa chắc sẽ có thể vượt trội hơn so với những bạn học không nỗ lực khác.
Thế là, luôn có một số người như thế nói móc sau lưng: Bạn hãy nhìn cô ta xem, nếu như mình là cô ta thật không dại gì mà chăm chỉ như vậy, thành tích lúc nào cũng ở mức trung bình, một chút tiến bộ cũng đều không có. Đương nhiên, một số học sinh giỏi cũng rất đắc ý, họ bao giờ cũng cố ý hoặc vô ý lộ vẻ ta đây, nói rằng không phải tất cả những ai chăm chỉ đều có thể gặt hái được thành tích, mà còn phải có tài bẩm sinh nữa.
Tiểu Trân cũng không thèm để ý. Tôi không được tính là bạn tốt của cô ấy, nhưng nói về quan hệ thì vẫn có thể nói là bạn học. Thật ra, nghe thấy có người nói Tiểu Trân như vậy, trong tâm cũng có chút chua xót và căm phẫn: chua xót là bởi Tiểu Trân đã cố gắng như vậy nhưng trước sau lại không có được thành tích tốt mà cô nên nhận được.
Tiểu Trân về sau cũng từng có một lần phát cáu bởi một bạn học nam nghênh ngang đắc ý chạy đến trước mặt cô, nói: “Mày xem, cố gắng cũng nào có ích gì. Vẫn là thi rớt đấy thôi. Vậy còn cố gắng làm gì?”
Tiểu Trân đứng dậy, rất bình tĩnh đứng trước mặt bạn học nam đó, nói: “Tôi cố gắng học tập phải chăng đã đắc tội gì bạn? Bạn có tư cách gì để đánh giá người khác. Mặc dù tôi thi rớt, nhưng tôi chính là thích cố gắng nỗ lực, dù nói thế nào thì tôi cũng cảm thấy không thẹn với lòng mình”.
Lời nói của cô rất thẳng thắn. Mấy năm sau, cô ấy đã trở thành nhân viên xuất sắc nhất trong đơn vị, chuyên môn đào tạo công nhân viên. Cô nói, cô đối với mỗi một nhân viên luôn làm việc chăm chỉ, cố gắng, cô đều luôn ôm giữ một thái độ kính trọng sâu sắc.
“Chuyện của năm đó, kỳ thật đã có thay đổi rất lớn đối với tôi. Mãi cho đến tận bây giờ, ngoài công tác ra, tôi đều sẽ không tùy tiện đánh giá cuộc sống của bất cứ người nào. Bởi vì mỗi một người đều có định nghĩa riêng đối với cuộc sống của mình. Ác ý lớn nhất của một người chính là đem những lý giải của bản thân mình cưỡng chế lên người khác, dùng hết thảy lý giải của bản thân để giải thích hết thảy những điều tất nhiên, và lúc nào cũng cho rằng bản thân mình là đúng”.
Không bình phẩm người khác là một loại tu dưỡng nhưng không để ý đến những bình phẩm của người khác lại là một loại tu hành.
Cuộc sống tình cảm và cuộc sống thường ngày đều là như vậy. Ta thường hay nghe những chuyện phiếm như vậy, ví như: “Bạn xem, cô ta lớn tuổi như vậy rồi, không biết tại sao vẫn còn không chịu lấy chồng?”, “Bạn xem cô ấy điều kiện tốt như vậy, tại sao lại lấy loại người như vậy nhỉ?” Những lúc như vậy, tôi thật sự rất muốn hỏi họ rằng: “Cuộc sống của người khác, bạn rốt cuộc có tư cách gì để bình phẩm?”
Khi tôi và vợ tôi kết hôn, tất cả mọi người đều tỏ ra rất phật ý. Trong con mắt của mọi người, vợ tôi là người được liệt vào hàng nữ đại gia xinh đẹp giàu có, nhưng lại gả cho một người đàn ông vốn không mua nổi nhà, cũng không sắm nổi xe gì như tôi.
Bố mẹ cô ấy là người tiến bộ. Nhưng rất nhiều họ hàng thân thích lại không lý giải được, có một số người nói, đây hẳn là đầu óc có vấn đề rồi nên mới có chuyện như vậy. Hàng xóm lại càng là bàn tán xôn xao, cho rằng cố ấy không nghe lời khuyên can của người khác, sau này sẽ phải hối hận.
Vợ tôi tuy hơi buồn nhưng cũng mau chóng quên đi chuyện này, cùng tôi gây dựng cơ nghiệp, sau này cũng mua được nhà riêng, sắm được xe hơi.
Có một lần, trong lúc nhàn rỗi, vợ nói với tôi: “Nếu có người hỏi em rằng, tại sao em lại lấy một người như anh, em phải trả lời thế nào?”
Tôi nói, hạnh phúc của chúng ta không nằm trong mắt của người khác. Họ luôn cho rằng chúng ta sẽ không hạnh phúc, nhưng anh cảm thấy, cảm nhận hạnh phúc đều là bắt nguồn từ chính bản thân mình, chứ không có quan hệ gì với người khác cả.
Kỳ thực, người ta sống được tốt hay không, lựa chọn cuộc sống như thế nào, đều là sự lựa chọn của họ. Dù bạn thấy quen mắt cũng vậy, thấy không quen mắt cũng vậy, thì đó cũng là cuộc sống của người khác. Nếu bạn có thể không để ý tới bình phẩm của người khác thì chính là một loại sức mạnh, còn nếu bạn không bao giờ bình phẩm người khác thì chính là một loại tu dưỡng.
Mỗi người đều có cuốn nhật ký cuộc đời của bản thân mình, mỗi một người đều có phương hướng của riêng mình. Vậy nên bạn hãy đi con đường của mình, sống cuộc sống của mình, làm những gì mình cho là hạnh phúc. Đừng mãi bị quan niệm của người khác dẫn dắt, rốt cục chỉ làm cho chính mình thêm phiền lòng mà thôi.
Nguồn: DKN.tv