Cúng Rằm tháng Giêng sao cho đúng và cần thắp mấy nén hương để năm mới có may mắn, tài lộc... - Phong thủy sư Tam Nguyên chia sẻ vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết.

1 Lam Le Cung Ram Thang Gieng Va Chon So Chan Huong Thap Theo Cach Sau De May Man Tai Loc Khong Bay Di Mat

Lễ cúng Rằm tháng Giêng nên cúng chay. Ảnh minh họa.

Vì sao nói cúng Rằm tháng Giêng quan trọng nhất trong năm?

Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu (chữ Nguyên là thứ nhất, tiêu là đêm).

Tết Nguyên tiêu là Tết quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt nên ông bà ta có câu: "Lễ quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng". Lễ cúng Rằm tháng Giêng rất quan trọng bởi đây là ngày Rằm đầu tiên của năm mới, ông bà ta xưa cúng Rằm tháng Giêng quan trọng như chuẩn bị cỗ Tết. Ngày nay nhiều vùng nông thôn bà con ăn cỗ Rằm tháng Giêng còn to hơn cỗ Tết, nhiều con cháu làm ăn tự do cũng nấn ná ở lại qua Rằm mới rời nhà trở lại với công việc. 

Ý nghĩa của việc cúng Rằm tháng Giêng ngoài tưởng nhớ công ơn của gia tiên trong nhà, sau là để con cháu thụ lộc đầu năm lấy may. Người xưa tin rằng Rằm tháng Giêng đức Phật giáng lâm, là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Vì vậy trong ngày Rằm tháng Giêng phần lớn người dân - nhất là các phật tử sẽ đi chùa lễ Phật để cầu an, may mắn và mạnh khỏe trong năm mới.

Nhà có ban thờ Phật thì sẽ chuẩn bị phần lễ như sau:

Lễ cúng Phật: Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, oản… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành.

Gia chủ có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo cả năm. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài khấn trong sách hướng dẫn khấn vái (có bán ở các cửa hàng bán đồ lễ).

Lễ cúng gia tiên: Có thể lễ mặn (nhưng khuyên gia chủ nên cúng đồ chay).

Mâm lễ có thể sắm:

Hương thơm

Hoa tươi (hoa cúc vàng).

Trầu 3 lá, cau 3 quả cành đẹp và dài (chỉ được xé cành cau, kiêng dùng dao kéo cắt).

Đĩa ngũ quả (5 loại quả, mỗi quả 1 màu).

1 bao thuốc lá, 1 gói chè (loại 1 lạng/gói), 1 chén rượu, 1 chén trà (khô), 1 chén nước, 1 chén gạo, 1 chén muối

1 đĩa to bánh kẹo các loại.

1 đĩa xôi trắng (hoặc đỏ).

1 con gà luộc

Tiền vàng mã (xưa các cụ dùng 5 đinh tiền vàng lễ, mỗi đinh gồm 10 lễ).

Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn, hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước), với ý nghĩa Tết Nguyên tiêu mong muốn mọi việc cả năm được hanh thông, trôi chảy.

 2 Lam Le Cung Ram Thang Gieng Va Chon So Chan Huong Thap Theo Cach Sau De May Man Tai Loc Khong Bay Di Mat

Thắp hương ngày Rằm tháng Giêng và các ngày rằm khác để mang lại may mắn, bình an

Thắp hương là một phần trong các nghi thức – nghi lễ cúng bái thần linh và tổ tiên, là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt ta, thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên và chư vị Thánh Thần vì đã phù hộ, giúp đỡ cho gia đình trong suốt thời gian qua. Nhưng ngày Rằm tháng Giêng và những ngày rằm khác cần thắp mấy nén hương?

Vào những ngày rằm, các gia chủ thường thắp 3 nén nhang. Bởi 3 nén nhang mang lại ý nghĩa: tâm nhang (lòng thành gia chủ), giới nhang (vâng theo lời răn dạy của Đức Phật) và định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ).

3 nén hương: Theo đạo Phật còn được gọi là Tam Bảo hương. Cái gọi là Tam Bảo, chính là Phật, Pháp, Tăng, trong đó Pháp chính là kinh Phật, còn Tăng là người xuất gia.

Con số 3 thì có nhiều quan niệm khác nhau: đó có thể là Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quá khứ – Hiện tại – Vị lai), Tam vô lậu học (Giới – Định – Tuệ).

3 nén hương có thể linh ứng báo tin, bảo vệ người trong nhà và giảm bớt tai ương.

Một số lưu ý người dân khi thắp hương:

- Hàng ngày thắp 1 nén hương, được gọi là Bình An hương, thường là thờ cúng Thần Linh trong nhà. Chỉ cầu người nhà bình an, mọi việc thuận lợi, sáng tối mỗi ngày một nén hương là đủ.

- Buổi tối không nên thắp hương thường xuyên, bởi thời điểm này xuất hiện rất nhiều năng lượng xấu, không nên thắp hương khấn vái vào giờ này để tránh xui xẻo cho gia đình.

- Theo giới tâm linh, việc cắm trụ sắt để thắp hương vòng là điều không nên. Muốn đốt hương vòng, bạn nên đặt hương vòng trong một cái đĩa và đốt lên – vừa tránh việc bị động bát hương, còn dễ làm sạch bàn thờ.

- Các chuyên gia thường khuyên rằng, việc thắp hương thường ngày là nên làm, bởi giúp bàn thờ có hương khói ấm cúng, gia đạo ấm áp, an bình.

- Thắp hương giúp truyền đạt mong ước, nguyện cầu tới thần linh, tổ tiên. Để việc dâng hương linh thiêng trong bát hương cần nạp cốt Thất Bảo, vừa giúp bát hương tăng thêm linh khí, tránh năng lượng xấu gây ảnh hưởng đến việc thờ cúng.

- Lưu ý, tuyệt đối không dâng hương với số nén chẵn vì điều này là đại diện cho cõi âm.

Các cụ xưa có một số nguyên tắc khi thắp hương, trong đó có khi dâng hương cần giữ tâm nhẹ nhàng, ăn mặc nghiêm chỉnh và thành tâm cầu nguyện.

Phong thủy sư Tam NguyênNguồn: giadinh.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC