Đó là lời nhận xét đầy chua xót của một độc giả của Báo Thanh Niên sau khi đọc bài Lương 6 triệu đồng/tháng, tiến sĩ có ý định nghỉ việc.
Chất xám chưa được trọng dụng?
Chia sẻ quan điểm về việc tiến sĩ trẻ đi học ở nước ngoài về công tác tại một trường công lập với mức lương 6 triệu đồng/tháng, thu nhập tăng thêm cũng không đáng kể, bạn đọc Đức Thảo cảm thán:
“Lương chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng! Có lẽ còn thấp hơn lương phụ hồ nhiều nơi. Quả là chất xám rẻ hơn bèo, thua xa các bác tài xe công nghệ và chẳng bằng thu nhập lao động chân tay bậc thấp...
Dân lao động tự do (không yêu cầu biết chữ) mỗi tháng ít nhất 7,5 triệu (nghỉ chủ nhật hàng tuần), hàng ngày đi làm khỏi phải chuẩn bị dụng cụ gì tối về ngủ khỏe”.
Chia sẻ của tiến sĩ trẻ nhận được sự đồng cảm của nhiều người |
Cũng so sánh lương tiến sĩ với thu nhập với một công việc tay chân khác, bạn đọc Nguyễn Thiên Long chia sẻ: “Mấy cô lao công lau dọn nhà mỗi giờ làm được 200.000 đồng, mức lương 17-20 triệu đồng/tháng... Đâu cần phải học nhiều như tiến sĩ”.
Liên hệ rộng hơn, bạn đọc Moon Thái cho rằng ngày nay bạn trẻ chỉ cần lên mạng “làm trò” nổi tiếng thì đã có thể có thu nhập từ 60-100 triệu cho một event, vậy thì không cần bỏ công sức ra đầu tư cho việc học làm gì khi chỉ dưới 10 triệu/tháng!
Trong khi đó, bạn đọc Thiết Nam cũng đồng cảm khi kể lại: “Bà xã mình có bằng tiến sĩ, hiện là giảng viên ĐH nhiều năm mà thu nhập cũng dưới 10 triệu đồng/tháng. Thực sự mình thấy quá bèo bọt so với công sức học hành, làm việc. Nhiều khi thấy bà xã rất tủi thân với bạn bè. Mong nhà nước cần sớm xem lại”.
Vì thế bạn đọc Trường An kết luận: “Đó là lý do vì sao đa số đi du học đều muốn ở lại nước ngoài làm việc”.
Tiến sĩ Nguyễn Kiều Dung, giảng viên Trường Kinh doanh và công nghệ - Trường ĐH FPT, nhìn nhận: “Thật ra mức lương giảng viên có bằng tiến sĩ ở trường công 6 triệu đồng/tháng cho người mới vào là quy định chung của nhà nước. Các trường ở các thành phố lớn thì dễ kiếm thêm các công việc giảng dạy nghiên cứu hoặc cộng tác với Industry để có thêm thu nhập. Nhưng ở tỉnh lẻ thì để kiếm thêm thu nhập cũng nan giải".
Đối với một số ngành, tiến sĩ Dung cho rằng nếu có năng lực nghiên cứu tốt, có khả năng xuất bản tạp chí Q1, Q2 vẫn có thể hợp tác nghiên cứu từ xa với các trường/viện ở các thành phố khác để kiếm thêm thu nhập. Nhưng không phải ngành nào, người nào cũng có khả năng đấy. Nếu không thì phải chấp nhận làm mọi cách khác để tăng thu nhập”.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Dung, nhiều trường “nhồi nhét” cho giảng viên mới vô số việc, cả giảng dạy lẫn các hoạt động phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, muốn làm thêm cũng không có thời gian.
Nhiều tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về không trụ được
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải (nhà khoa học đạt giải thưởng Quả cầu vàng 2019, công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Cơ bản và ứng dụng tại TP.HCM của Trường ĐH Duy Tân), thừa nhận nhiều tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về, mê nghiên cứu nhưng rồi không trụ được vì cơm áo gạo tiền.
“Nếu nói là phải năng động đi dạy thêm, kiếm thêm dự án nghiên cứu để có thu nhập thì cũng không hề đơn giản. Một số trường ĐH bỏ chính sách ký hợp đồng bán thời gian. Dự án xin cũng khó, xin được thì giải ngân cũng vô cùng gian nan mệt mỏi. Mà tiến sĩ về nước thì đầu tiên phải sống được trước đã rồi mới tính đến việc tiếp tục cống hiến. Chưa kể, có tiến sĩ về nước còn không có việc…”, tiến sĩ Hải cho hay.
Theo tiến sĩ Hải, đối với các tiến sĩ trẻ mới về nước, bên cạnh thu nhập chính từ lương cố định thấp, khó khăn lớn nhất vẫn là cách tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu ở các địa phương. Đa số các đề tài cấp tỉnh là theo hướng “ứng dụng” đòi hỏi người tham gia phải có bề dày kinh nghiệm mà nếu tiến sĩ trẻ mới về nước chỉ nghiên cứu cơ bản thì khó có cơ hội tham gia.
“Do đó, các địa phương nên có sự điều chỉnh và cân đối nguồn kinh phí này sao cho phù hợp giữa nghiên cứu ứng dụng, ví dụ 70%, và nghiên cứu cơ bản 30% để tạo điều kiện cho các tiến sĩ trẻ ở trường ĐH tỉnh có thêm việc làm”, tiến sĩ Hải nhìn nhận.
Là một giáo viên phổ thông, bạn đọc Phạm Minh cho rằng bất kỳ bậc nào cũng có những áp lực vất vả, nhưng để thu hút nhân tài vào những nơi cần nhiều nhân tài, nhà nước nên có bảng lương riêng phù hợp với trình độ từng cấp.
“ĐH là bậc học cần nhiều chất xám nên giảng viên là tiến sĩ phải được hưởng bậc lương xứng đáng, tránh tình trạng lương 6 triệu đồng/tháng tiến sĩ phải tính chuyện nghỉ việc”, bạn đọc này khẳng định.
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử