Một ngày, người cha gọi ba cậu con trai đến và nói:
“Giờ cha đã già yếu rồi, mà cơ nghiệp tổ tông cần có người tiếp quản. Các con đều thông minh tài giỏi, quả thật cha không biết lựa chọn ai để giao phó trọng trách này.
Bây giờ, mỗi người các con hãy đi lấy giấy và viết ra những ưu điểm của bản thân và khuyết điểm của hai người còn lại, rồi đưa cha. Cha sẽ xem trong các anh em con ai là người thấu hiểu và có cái nhìn sáng suốt nhất thì sẽ giao lại cơ nghiệp cho người ấy”.
Chẳng bao lâu sau, người anh cả và anh hai cùng quay trở lại và đưa cho cha những tờ giấy kín đặc chữ. Chỉ có cậu em út là mãi vẫn không có hồi đáp.
Buổi tối hôm ấy, người em út ngập ngừng đến bên cha, trong tay cậu là tờ giấy trắng tinh không một dòng chữ.
Cậu nói:
“Thưa cha, con bất tài không thể tìm ra ưu điểm của bản thân và cũng không tìm được khuyết điểm nào của hai anh cả. Vậy, con mong cha hãy giao cơ nghiệp cho hai anh con cai quản”.
Người cha nghe thấy vậy, khuôn mặt rạng rỡ nở nụ cười. Đây chính là người kế thừa có đủ mọi phẩm chất mà ông vẫn luôn mong đợi để giao phó trách nhiệm gánh vác cơ nghiệp của tiên tổ.
Chỉ những ai thật sự khiêm tốn, những ai trong tâm không chất chứa những khuyết thiếu của người khác, mới có thể chí công vô tư mà đối đãi với mọi sự việc trong đời.
Ngược lại, nếu chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác, chúng ta sẽ không thể biết rằng họ cũng còn rất nhiều ưu điểm đáng được khích lệ và ngợi khen.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, cha mẹ và con cái đến với nhau là vì chữ “duyên”, vợ chồng gắn bó với nhau lại là vì chữ “nợ”, mà bạn bè, đồng nghiệp, hay các mối quan hệ gặp gỡ nhau hết thảy cũng vì duyên vì nợ mà thành.
Mỗi kiếp người chỉ có trăm năm để yêu để quý, vậy nên đừng chỉ nhìn vào một vài khuyết điểm nhỏ nhặt của đối phương. Nếu như có thể chuyển khuyết thành ưu, biến chán ghét thành tán thưởng, thiết nghĩ chúng ta sẽ vui vẻ hơn biết bao nhiêu…
Nguồn: DKN.tv