Khi chúng ta đón con từ nhà trẻ về nhà, thường hay hỏi con câu đầu tiên là gì? Có người từng làm khảo sát về vấn đề này, nhận thấy có 2 dạng câu hỏi của 2 kiểu bậc phụ huynh như sau:
Kiểu 1:
Khi đón con về nhà, nhiều cha mẹ thường hỏi những câu như:
– Hôm nay ở trên trường con ăn những gì?
– Hôm nay ở trường con học cái gì?
– Ở trên lớp có bạn nào bắt nạt con không?
– Ngày hôm nay cô giáo có ra bài tập không?
Kiểu 2:
Trong khi đó, một số phụ huynh khác lại hỏi con những câu hỏi như:
– Hôm nay ở trường con có vui không?
– Hôm nay có chuyện gì thú vị không?
– Con có tác phẩm nào không?
– Hôm nay cùng các bạn chơi đùa thật vui vẻ chứ?
Câu hỏi khác nhau thể hiện quan niệm và phương pháp giáo dục khác nhau
Rất nhiều phụ huynh (kiểu 1) đặc biệt chú trọng nhiều đến điều kiện sống và tình hình học tập của con cái họ. Trong khi đó một số khác (kiểu 2) lại tập trung nhiều hơn vào mối quan hệ tình cảm, cảm xúc, năng lực của trẻ, giúp trẻ tự xây dựng các mối quan hệ và tương tác với các bạn học xung quanh.
Quan tâm đến tình huống cuộc sống của trẻ nhỏ là điều không thể thiếu. Thế nhưng điều đó có thể làm cho đứa trẻ chỉ tập trung chú ý vào cuộc sống và quá trình học tập của chính mình, mà xem nhẹ sự thay đổi về mặt cảm xúc, tình cảm, cũng như thiết lập các mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Mà những câu hỏi thiên về cảm xúc, lại dễ dàng làm cho trẻ vận dụng được khả năng ngôn ngữ để diễn đạt câu trả lời. Chúng giúp trẻ dễ dàng biểu đạt được suy nghĩ, cũng làm cho trẻ cảm thấy thích thú với những hoạt động của mình. Từ đó trẻ sẽ càng thích thú đến trường nhiều hơn.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mỗi ngày thì khoảng thời gian từ trường về nhà là giai đoạn tư duy của trẻ tích cực nhất, hưng phấn nhất, cũng là thời gian thích hợp nhất để kích thích sự phát triển trí lực của trẻ. Vì vậy, cha mẹ phải biết tận dụng khoảng thời gian này để kích hoạt tư duy của trẻ, cũng chính là cơ hội tốt nhất để trẻ phát triển sự sáng tạo của bản thân.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mỗi ngày thì khoảng thời gian từ trường về nhà là giai đoạn tư duy của trẻ tích cực nhất. Vì vậy, cha mẹ phải biết tận dụng khoảng thời gian này để kích hoạt tư duy của trẻ. (Ảnh: pinterest.com)
Ví như, trong thời gian này có thể hỏi trẻ những câu như:
– Hôm nay có chuyện gì làm con vui thích nhất ? Vì sao con lại thấy đó là việc vui thích nhất?
– Hôm nay con với bạn bè cùng chơi trò gì? Con có chơi vui không?
– Hôm nay con có phát hiện thêm điều thú vị gì không?
– Con thích chơi với bạn nào nhất? Bạn ấy như thế nào?
Những câu hỏi như thế này, có nội dung hỏi là cụ thể, trẻ có thể hiểu và trả lời từng cái rõ ràng. Còn nếu trẻ vừa mới từ nhà trẻ về, mà cha mẹ lại hỏi “Hôm nay ở trường con ăn món gì?”. Lúc này đang là lúc trẻ hưng phấn nhất nên sẽ không nhớ hết các món ăn trong cả ngày hôm ấy để trả lời cặn kẽ ba bữa ăn gồm có những gì, mà chỉ có thể trả lời một câu đơn giản nhất, chẳng hạn như ăn mì, bởi vì mì là từ dễ nhớ nhất đối với trẻ.
Nếu cha mẹ muốn biết cụ thể mỗi ngày con mình ở trường ăn những gì, thì có thể mang con đến bảng ghi thực đơn ở trong trường, rồi hỏi trẻ theo tên thức ăn ghi trên đó. Như vậy trẻ có thể suy nghĩ rõ ràng và sẽ trả lời một cách nghiêm túc. Bằng cách này, cha mẹ không chỉ biết được chế độ ăn uống của trẻ, mà còn có thể kích thích trí nhớ và khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Thông qua những câu trả lời, những lời kể về sự việc trải qua một ngày ở trường của trẻ cũng giúp cha mẹ hiểu được tình hình học tập và sinh hoạt của con ở trường như thế nào. Những loại câu hỏi như vậy còn có thể kích thích khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ của trẻ. Đôi khi trong quá trình diễn đạt, trẻ cũng sẽ đưa thêm những ý kiến, lý giải của riêng mình, điều này giúp trẻ ngày càng có tư duy linh hoạt và phát triển hơn.
Khi cha mẹ đặt câu hỏi với trẻ cần chú ý một điều rất quan trọng đó là nên dùng câu hỏi với từ ngữ mang tính khơi gợi.
Ví như nên đặt câu hỏi với “vì sao” nhiều hơn, mà không nên đặt câu hỏi có từ ngữ theo kiểu khép kín như “có phải không”. Bởi vì câu hỏi có tính khép kín sẽ dễ dàng “đóng khung” câu trả lời của trẻ, làm cho trẻ tư duy ngày một đơn giản, không mở rộng được lối suy nghĩ. Còn đặt câu hỏi mang tính khơi gợi, sẽ làm cho trẻ suy nghĩ câu trả lời, thông qua đó diễn đạt ý nghĩ của chính mình được một cách rõ ràng. Điều này giúp trẻ mở rộng tư duy, đồng thời cũng giúp phát triển khả năng tưởng tượng và quan sát của trẻ. Đồng thời những câu hỏi kiểu gợi mở cũng giúp trẻ phát triển thêm khả năng tự tìm ra vấn đề, suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề.
Những câu hỏi rất đơn giản trên đường đón trẻ lại rất có ý nghĩa như vậy, mong các bậc cha mẹ lưu tâm… (Ảnh: comolib.com)
Chỉ bằng những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản khi đón con từ nhà trẻ trở về nhà, lại có thể giáo dục trẻ được tốt hay không. Hy vọng rằng các bậc cha mẹ sẽ lưu tâm hơn và không bỏ qua điều giản dị này.
Theo coco01.today
Minh Phúc biên dịch
Nguồn: DKN.tv