Ngày đầu tiên của năm nên làm gì, ăn gì, kiêng gì để cả năm gặp may mắn, phát tài phát lộc là điều luôn được người Việt chú trọng và chuẩn bị.

Ông cha ta bao đời nay vẫn quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", vậy nên mùng 1 Tết nguyên đán - ngày khởi đầu của năm mới mọi điều có thuận lợi, tốt đẹp thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, cuộc sống hanh thông, phát tài phát lộc. Do đó, ngày đầu tiên của năm nên làm gì, ăn gì là điều luôn được người Việt chú trọng và chuẩn bị.

Hãy cùng Tintuconline điểm lại những điều nên làm ngày đầu xuân năm mới để đón chào một năm Tân Sửu 2021 thật thuận buồm xuôi gió, van sự như ý!

42 1 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

1. Đi lễ chùa

Thời điểm khởi đầu năm mới, trời đất giao hòa, cùng người thân đến những ngôi chùa gần nhà để khấn lạy, cầu xin thần linh phù hộ sẽ cho bạn cảm giác thật an yên và thiêng liêng biết bao. Đây không chỉ là một trong những hoạt động tâm linh được nhiều người lựa chọn mà còn là một nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam trong ngày mùng 1 Tết. Đó cũng là dịp để bạn có thể tĩnh tâm hướng về năm mới tốt đẹp hơn và giữ cho tinh thần được thư thái sau một năm dài mệt nhọc.

2. Mua muối cầu may

Theo quan điểm phong thủy, muối có tác dụng tẩy uế, xua đuổi tà khí, mang lại may mắn cho gia đình. Vì thế "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" là tục lệ cổ truyền được rất nhiều người dân Việt Nam  gìn giữ và thực hiện dịp đầu xuân năm mới, đặc biệt là trong ngày mùng 1 Tết.

42 2 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

Hơn nữa, khi những người thân yêu quây quần tụ họp, việc mua muối về còn tượng trưng cho việc nêm thêm mặn nồng cho tình thân, để gia đình ngày càng yêu thương và gắn kết bền chặt.

3. Mặc trang phục mới, sáng màu

Ngày Tết ai cũng muốn mình nhìn thật tươm tất, vui tươi và những trang phục mới sáng màu luôn được mọi người chuẩn bị để lên đồ đi chúc Tết, du xuân. Điều này còn mang ý nghĩa mong ước năm mới thật nhiều điều tươi sáng và vui vẻ, vứt bỏ sau lưng hết những muộn phiền năm cũ.

42 3 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

Trong đó, 2 màu đỏ, vàng thường được ưa chuộng nhất vì chúng vừa rực rỡ vừa tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và phú quý, tài lộc trong năm mới.

4. Khai bút đầu xuân

Khai bút đầu năm là việc vẫn được nhiều gia đình duy trì dịp Tết, đặc biệt là khoảnh khắc Giao thừa vừa sang và nó càng ý nghĩa hơn đối với học sinh, sinh viên, những người có công việc cần phải viết nhiều như: phóng viên, giáo viên, nhà thơ, nhà văn… 

Học sinh khai bút bằng cách giải bài tập, viết bài văn, lời chúc... Nhà thơ, nhà văn khai bút bằng tác phẩm xuất phát từ cảm hứng trong khoảnh khắc Giao thừa hoặc đơn giản chỉ là một câu thơ, câu văn… với ý nghĩa một năm mới suôn sẻ trong học tập và công việc.

42 4 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

5. Xin chữ đầu năm

Không chỉ có khai bút đầu năm mà người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào ngày Tết. Những người cho chữ thường là những người am hiểu chữ nghĩa, học cao hiểu rộng. Đây là việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, người đi xin chữ sẽ biết trân quý giá trị của chữ đồng thời thể hiện ước vọng, khát khao đạt được những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống.

6. Mua lửa (hộp diêm, bật lửa) trong ngày mùng 1 Tết

Lửa được xem là năng lượng may mắn trong những ngày đầu năm. Bởi vậy, một trong những việc kiêng kỵ trong ngày Tết là cho lửa. Ngược lại, việc nên làm chính là đi mua lửa (hộp diêm, bật lửa) trong ngày mùng 1 Tết. Theo quan niệm từ ngàn đời nay, lửa tượng trưng cho sự ấm áp, hạnh phúc đong đầy. Mua lửa đầu năm mang đến nhiều may mắn, tốt đẹp đến cho gia chủ.

42 5 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

7. Chúc Tết

Đây là hoạt động truyền thống không thể thiếu mỗi khi người thân, bạn bè gặp gỡ nhau trong ngày đầu năm mới, tuy quen thuộc nhưng chớ khinh khi mà không chuẩn bị trước. Đối với mỗi đối tượng, lứa tuổi hay hoàn cảnh sẽ cần những lời chúc khác nhau cho phù hợp và không khiến người khác chạnh lòng. Hãy dành cho nhau những lời hay ý đẹp, những lời chúc tốt lành để cho ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, may mắn và mối quan hệ thêm khăng khít yêu thương.

42 6 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

8. Hái lộc đầu năm

Hái lộc chính là mang sự sinh sôi, nảy nở, vươn mầm phát triển về gia đình mình. Đây cũng là một tập tục lâu đời đáng được giữ gìn và phát huy của người dân ta. Ngày nay, hái lộc không nhất thiết là hái cây bẻ cành, mà để bảo vệ môi trường chúng ta có thể hái lộc là những phong bao xinh xắn chuẩn bị trước treo trên cây cối xung quanh nhà hoặc đền chùa. Bên trong có thể là một chút tiền lộc hoặc lời chúc ý nghĩa...

9. Lì xì Tết

Lì xì đã trở thành một vẻ đẹp văn hóa trong cái Tết truyền thống. Những bao lì xì đỏ thắm gửi gắm lời chúc mạnh khỏe, bình an, là niềm hy vọng của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu mình. Lì xì đỏ còn tượng trưng cho sự may mắn, vậy nên không chỉ người lớn tặng cho trẻ nhỏ, ai ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp các bao lì xì trao tay ở mọi nơi, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với nhau.

10. Ăn những món mang ý nghĩa tốt

Thông thường những món ăn truyền thống dịp Tết của người Việt đều mang ý nghĩa phong thủy tốt. Chẳng hạn như xôi gấc, bánh chưng, bánh giầy, trái cây căng mọng… đều tượng trưng cho sự may mắn, cho một năm mới nhiều niềm vui, trọn vẹn. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là lời chúc sung túc gửi đến mọi người.

42 7 Mung 1 Tet Cho Quen Lam Nhung Dieu Nay De Ca Nam Hanh Thong May Man Vui Khoe Tran Day Dac Tai Dac Loc

Bên cạnh đó, những món ăn chơi với những tên gọi có ý nghĩa cũng được nhiều người lựa chọn để mong năm mới luôn được may mắn và hạnh phúc: hạt dẻ cười, phô mai con bò cười...

11. Mở cửa ra vào và cửa sổ

Người xưa tin rằng mở cửa sổ và cửa ra vào trong những ngày Tết là để đón tài lộc năm mới vào nhà. Ngoài ra cũng là để đón gió Xuân, bày tỏ thái độ cởi mở và hoà mình vào không khí nhộn nhịp tươi vui của mọi người.

12. Vui vẻ, hòa đồng

Sau một năm nhiều vất vả, lo toan, mọi người ai cũng muốn nhìn thấy những nụ cười rạng rỡ đầy sức sống để có thêm động lực tiếp tục phấn đấu trong năm mới. Vậy nên, ngày mùng 1 Tết đừng quên nói điều vui vẻ để có một năm mới hạnh phúc, thuận lợi, niềm vui luôn tràn đầy.

Khi gặp gỡ, hãy cố gắng cư xử với nhau hòa nhã, gần gũi và tránh bất đồng để cả năm đều được người khác quý mến, yêu thương.

Theo V.K - Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC