Phố Hàng Mã - Hà Nội mỗi dịp lễ hội như Trung thu đều rực rỡ sắc màu
Mùa trăng trong ký ức
Với thế hệ 7X, 8X, nhắc đến dịp lễ Trung thu những ngày thơ bé là nhắc đến một sự kiện tầm vóc lắm. Trung thu hẳn là ‘cái Tết thứ hai’ của người Việt - có người đã nói như vậy đấy.
Tụi nhỏ xé từng tờ lịch giấy chỉ để đếm ngược tới ngày Trung thu và viết kín một trang ‘điều ước’ trong cuốn sổ: Ước được sở hữu chiếc đèn cù lợp giấy kính nhiều màu xịn nhất xóm; ước được chạm tay vào chiếc đèn kéo quân ‘đắt đỏ’!
Trong khi tụi trẻ miên man thả hồn vào những tưởng tượng đủ sắc màu, thì người lớn trong nhà cũng tất bật chuẩn bị mâm ngũ quả, tính toán đưa mấy đứa trẻ con đi theo từng đoàn múa lân để cảm nhận nhịp Trung thu rộn ràng theo từng hồi trống.
Có người hỏi rằng, có phải ánh trăng sáng của những mùa Trung thu thời nay đã phai mờ, nhường chỗ cho "ánh đèn thủ đô" - nơi có những biển hiệu, quảng cáo hiện đại? Cuộc sống ngày càng hối hả, nhộn nhịp và con người cũng có ngày càng nhiều những điều vui thú mới.
Cảm giác háo hức đếm từng ngày tới Trung thu dường như đã phai mờ. Tụi nhỏ cũng không còn thiết tha với đèn ông sao, mặt nạ như ngày ta thơ bé. Hàng Mã không còn là nơi người ta đến để thuần túy hòa mình vào không khí tấp nập của phố phường, mà trở thành bối cảnh cho những bộ ảnh đăng Facebook. Những buổi phá cỗ đêm trăng của từng nhà, từng xóm, từng khu dân cư cũng thưa thớt dần.
Người ta đâm ra tiếc, tiếc nuối khôn nguôi, những đêm trăng đoàn viên, sum vầy dường như đã lùi xa về thì quá khứ. Nhưng có hẳn là Trung thu đã trở nên xưa cũ? Có thật là những giá trị của hai chữ ‘đoàn viên’ đã vĩnh viễn nằm lại ở tuổi thơ của thế hệ được cho là "có tuổi"?
Sum vầy ‘phiên bản’ mới
Là một bạn trẻ thuộc gen Z, Mai Chi (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại về dịp Trung thu năm ngoái: "Thay vì ở nhà như mọi năm, mình quyết định rủ bố mẹ đi hồ Tây uống cà phê và… tô tượng. Bố mẹ mình đến tuổi ngại chen chúc nên mình cũng ráng chọn một quán không quá đông người.
Thậm chí, sáng ngày hôm ấy bố mẹ còn chần chừ bảo hay là thôi đi, từng này tuổi rồi còn đi tô tượng gì. Nhưng mình quyết tâm kéo bố mẹ đi trải nghiệm "văn hóa giới trẻ"; vả lại, Trung thu mà thui thủi một mình thì buồn lắm! Thế là nhà mình có một tối siêu vui.
Mình phát hiện người bố vốn mang tiếng "không được tích sự gì" trong mắt mẹ hóa ra cũng có mắt thẩm mỹ ra phết! Năm nay ông bô bà bô còn chủ động ‘giục ngược’ con gái cho đi trải nghiệm tiếp văn hóa giới trẻ. Ai nói thời nay người ta không còn thích Trung thu?".
Trung thu là dịp mọi người được về bên gia đình, kể cho nhau nghe những vui buồn cuộc sống
Trước nay, chúng ta vốn quen định nghĩa Trung thu là trăng tròn, phá cỗ, là bánh nướng bánh dẻo, là đèn ông sao. Thành ra khi những đứa trẻ trưởng thành và không còn mặn mà với những chú chó bưởi hay những món đồ chơi Trung thu thuở nhỏ, ta thường mặc định chúng đã… quên Trung thu mất rồi.
Nhưng đâu phải như thế, người trẻ vẫn yêu thương mãi, nâng niu mãi bầu không khí sum vầy gắn kết mỗi mùa Trung thu; dù sở thích của họ không còn là những món đồ chơi rực rỡ sắc màu.
Như vậy là để nói, ý nghĩa thực thụ của Trung thu nằm ở hai chữ "đoàn viên": Một dịp để ta về nhà, thăm hỏi gia đình. Một khoảng thời gian chất lượng bên nhóm bạn thân thiết.
Trung thu vì thế vẫn sum vầy và hạnh phúc như thuở nhỏ, chỉ có điều, chúng ta tận hưởng Trung thu bên những người trân quý theo một cách hoàn toàn khác - mới mẻ hơn, hiện đại hơn, phù hợp hơn, nhưng không làm mất đi cái cốt lõi giá trị vốn có.
Trung thu này, bạn hãy thử hỏi rủ bố mẹ đi xem phim, tô tượng coi sao? Hay nhắn tin rủ đám bạn lâu ngày không gặp qua nhà, để tụi nó tự trả lời câu hỏi của bố mẹ bạn: "Này, đứa bạn thân với con dạo này thế nào rồi? Lâu chẳng thấy mặt mũi nó đâu...".
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online