Con không nghe lời? Đừng lo lắng, Jo Frost - chuyên gia của Supernanny (một chương trình truyền hình thực tế ở Anh chuyên dạy cách |trị con hư") - đã chia sẻ trong một cuộc trò chuyện gần đây về sai lầm phổ biến nhất khi nuôi dạy con chính là cách bố mẹ kỷ luật con cái.
Chia sẻ với Huffington Post, Jo Frost cho biết: "Cha mẹ hãy thôi đưa ra các nội quy để kiểm soát con cái cùng các hình phạt mà bé sẽ phải gánh, vì việc này hoàn toàn sai lầm.
Dùng các hình thức kỷ luật chỉ đồng nghĩa với việc cha mẹ đang cố kiểm soát hành vi của con cái, thay vì khích lệ để trẻ tự tin hơn và giao tiếp tốt hơn".
Điều quan trọng là phải dạy con cách đối nhân xử thế và phải phát triển kỹ năng giao tiếp của con chứ không lúc nào cũng bắt con làm thế này và phải thế kia. Ở đây, cách nói chuyện với con mới là chìa khoá.
Dưới đây là một số lời khuyên Jo Frost đưa ra mà bố mẹ nên tham khảo để giúp con nghe lời, ngoan ngoãn hơn:
Hãy làm gương cho con trẻ
Trẻ em luôn học theo cha mẹ, hình thành ý kiến từ cha mẹ, nên nếu con chứng kiến sự tử tế, tôn trọng và dịu dàng của bố mẹ ở nhà, con sẽ dần dà "thẩm thấu" những đức tính này.
Kiên nhẫn chờ con hiểu ra vấn đề
Con lúc nào cũng muốn học hỏi tìm tòi về thế giới bên ngoài, nên đôi khi, con sẽ vô tình làm những điều mẹ không thích, hoặc là không an toàn rồi từ đó mới học được sự khác biệt thực sự giữa đúng và sai. Mẹ nên chấp nhận rằng một vài lần vấp ngã sẽ khiến con mạnh mẽ hơn.
Hiểu tính cách của con
Không có hai đứa trẻ nào giống nhau cả, thế nên các con đều cần đến các cách chỉ dạy hay kỷ luật khác nhau phù hợp riêng với tính cách của từng bé. Ví dụ, một đứa trẻ năng động, cứng đầu chắc chắn sẽ cần cách dạy dỗ hoàn toàn khác với một đứa trẻ nhút nhát, thụ động.
Hãy suy nghĩ cặn kẽ lí do đằng sau hành động bướng bỉnh của con
Chẳng hạn như khi con cứ nhảy đùng đùng trên ghế, là do cậu nhóc đang muốn giải phóng năng lượng hay thực ra là do mẹ đang quá chú tâm vào chiếc điện thoại nên con sinh chán và dành lại sự chú ý của mẹ.
Tìm ra tận gốc rễ của vấn đề
Có phải gần đây gia đình bạn vừa mới có một thay đổi lớn nào đó? Có phải con vừa có em hay nhà bạn vừa chuyển tới nơi ở mới?
Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến hành vi của con. Nếu bạn nhận ra được điều này càng sớm, sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Giúp con biết diễn đạt cảm xúc
Mẹ hãy là người tiên phong thúc đẩy và khuyến khích việc giao tiếp giữa tất cả các thành viên trong gia đình để từ đó, con học cách thể hiện và chia sẻ ra những suy nghĩ trong lòng.
Điều này rất là hữu ích, đặc biệt nếu con bạn đang bước vào tuổi mới lớn, độ tuổi luôn "đóng chai" cảm xúc của mình lại, chôn chặt trong tim.
Cho phép con đôi lần giận dữ coi như là giải tỏa bớt những căng thẳng trong con cũng là một cách làm đúng, còn hơn để những "cục tức" cứ phồng lên trong con để rồi một ngày lại gây ra hậu quả đáng tiếc.
Khích và thách
Nếu bé rất ghét việc mang giày, hãy nói: "Mẹ cá là con không thể mang đôi giày này nhanh hơn hai phút". Tương tự như vậy, nếu con không chịu đánh răng, hãy thách bé cùng chơi "cuộc đua làm sạch răng" và ai thắng (tất nhiên là bé rồi) sẽ được một huy hiệu dễ thương dán lên tấm tủ.
Nguồn: Netmum