Đường phố Hà Nội những ngày ca F0 tăng cao kỷ lục thưa vắng xe cộ ngay cả giờ cao điểm. Trong nhiều ngày Hà Nội liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày. Gần đây nhất, ngày 2/3, Hà Nội có 15.114 ca bệnh Covid-19, ngày 3/3 có tới 18.661 ca.
Những tuyến đường thường xuyên nhức nhối ùn tắc giao thông, nay tài xế thoải mái vít ga.
Đường Nguyễn Trãi hướng vào nội thành giờ cao điểm buổi sáng vắng tanh. Ảnh: Đình Hiếu
Các khu vực công cộng như công viên Lê Nin, tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… cũng chỉ lác đác bóng người.
Các quán hàng rơi vào cảnh đìu hiu, thưa thớt khách đến ăn uống trực tiếp.
Chị Hồng Vân lý giải, nhiều cơ quan, công sở, trường học chuyển sang trạng thái làm việc, học tập trực tuyến thay vì trực tiếp như trước đây nên số lượng người ra đường thưa vắng.
Bạn đọc có tên Hạnh Phúc thì cho rằng: “Nhà nhà F0, ngõ ngõ có F0, còn đâu người đi làm, ra đường nữa. Bị nhiễm rồi mới thấy, Covid ăn mòn cơ thể khủng khiếp. Mọi người cố gắng giữ gìn nhé!”.
Bạn đọc Nguyễn Hưng cho hay, F0 nhiều nên người dân ngồi ở nhà hoặc về quê hết. Nhiều công ty, shop, nhà hàng… vừa mở cửa đã phải đóng vì thiếu nhân viên hoặc nhân viên bị Covid-19, bỏ về quê …
“Tôi ở Hà Nội, dù chưa bị Covid-19 nhưng thấy quá nhiều F0 xung quanh. F0, F1 phần lớn ở nhà, nhiều công ty chấp nhận làm việc trực tuyến… dẫn đến số người ra đường rất ít. Tôi đi chợ, siêu thị mấy hôm nay vắng hoe”, bạn đọc Quang Đoàn chia sẻ.
Hầm chui Trung Hòa (Cầu Giấy) chiều từ trung tâm thành phố đi Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Đình Hiếu
Nhìn những con phố dài vắng bóng người qua lại, Như Yến bùi ngùi:
“Không giãn cách mà còn vắng hơn cả giãn cách, thương lắm, Hà Nội nhanh khỏe nha”.
Bạn có nickname Phố Sài Gòn nhớ lại những ngày TP.HCM giãn cách, đường phố vắng vẻ. “Nhiều người lúc đó ao ước, đông cũng được, tắc cũng được, để mọi thứ trở lại bình thường. Thời gian đó thật dài. Hà Nội giờ tiêm vắc xin nhiều rồi, nhưng mỗi ngày mười mấy nghìn ca, cũng lo lắm Hà Nội ơi…”, bạn Phố Sài Gòn chia sẻ.
Bạn Cẩm Thạch nhắn nhủ: “Hà Nội những ngày này giống Sài Gòn một thời kỳ dịch bệnh cao điểm. Buồn lắm thay! Mọi người ráng giữ gìn sức khoẻ”.
Bạn Bình Minh cũng thốt lên đầy xót xa khi thấy những con phố sầm uất của Hà Nội ngày nào giờ thưa thớt bóng người đi lại. “Vắng vẻ quá. Mọi người cần thật bảo trọng. Mong dịch bệnh sớm qua để phố phường đông đúc trở lại”.
Hầm Kim Liên (Đống Đa) lúc 8h30 sáng 3/3. Ảnh: Đình Hiếu
Nhìn ở góc độ khác, bạn Trọng Đức hài hước: “Giá xăng đang ở mức cao nhất lịch sử năm 2005 đến nay. Covid-19 tăng, giá xăng tăng. Không đi ra đường để giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường”.
“Các bác cứ nói nguyên nhân đường vắng người do F0, còn em thấy 100% là do xăng dầu tăng!”, bạn có nickname BonBon nói.
Làm công việc ship hàng, bạn tên Dũng chia sẻ:
“Xăng thì đắt như vậy đi làm chẳng lãi lờ được bao. Nhiều khi tôi cũng muốn tắt app để ở nhà trọ”.
Cùng cảnh như Dũng, bạn Cao Trần lý giải vì sao mình chưa trở lại thành phố mưu sinh:
“Cuộc sống đã khó khăn, đảo lộn vì Covid-19, giờ lại đến giá xăng tăng. Tôi định sau Tết lên Hà Nội chạy Grab để ship hàng, kiếm đồng ra đồng vào nhưng giá xăng tăng lại ngán ngẩm quá. Không biết có đủ tiền sinh hoạt, có khoản tiền gửi về quê hay lại nhiễm bệnh rồi nằm bệt ở xóm trọ.
Chính vì thế, tôi chưa quay trở lại Hà Nội. Có lẽ, nhiều người có lý do của riêng mình để chần chừ trở lại Hà Nội. Đường phố cũng vì thế mà vắng tanh".
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet