Kat, cô bạn người Đức khiến tôi "phục lăn" khi cả 2 đứa con đều cứ đến giờ ngủ là tự giác lên giường.

 

Chắc hẳn có không ít các mẹ đã và đang phải “đau đầu” về chuyện ngủ của con.

Bản thân tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi có một đứa con trai 6 tháng tuổi và đã từng trải qua những thời kì khủng hoảng mỗi khi đêm đến.

Khi bé nhà tôi được 3 tháng, theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, thời điểm này trẻ sẽ bớt thức đêm, nhưng không, con trai tôi thậm chí còn quấy hơn trước.

Tôi đã từng lấy đêm làm ngày và đêm nào cũng đếm ngược từ 12 giờ đêm đến 6,7 giờ sáng để được nghỉ một chút (lúc ấy tôi may mắn có bà ngoại sang trông giúp).

Thậm chí thời kì đó vợ chồng tôi còn chẳng còn thời gian nói chuyện với nhau vì anh phải ngủ đêm để ngày đi làm, còn khi anh dậy thì tôi đã lăn ra ngủ một chút vì quá mệt.

Khoảng một tháng trước, tôi quyết định tự thưởng cho mình một buổi ra ngoài cho đỡ căng thẳng vì lịch sinh hoạt bị đảo lộn như vậy.

Và có thể nói đây là quyết định sáng suốt nhất của tôi vì hôm đó tôi đã nhận được những lời khuyên quý giá từ Katrin, một người bạn của tôi về chuyện luyện ngủ cho con.

baby 1151351 640

Tôi quen Kat (tên thân mật chúng tôi thường gọi) một năm trước, trong một bữa tiệc của một người bạn chung của cả hai.

Cô là người Đức và là mẹ của hai đứa con, Frank 5 tuổi và Melissa 3 tuổi. Hồi tôi mới mang bầu, chúng tôi vẫn thường gặp nhau và tôi đã nhận được khá nhiều kinh nghiệm hữu ích về việc bầu bí.

Sau này khi có em bé, vì quá bận nên tôi cũng chẳng thiết gặp gỡ bạn bè, cho đến hôm đó, khi tôi cảm thấy gần như tuyệt vọng vì sự ngủ của con mình và muốn tìm cô xin một lời khuyên vì dù sao cô cũng đã trải qua thời kì đó những hai lần.

Sau khi nghe câu chuyện của tôi và chứng kiến gương mặt phờ phạc của bà mẹ trẻ nuôi con lần đầu, Kat tỏ ra thông cảm và lôi tôi về nhà cô buổi trưa hôm đó để ăn uống.

Hóa ra là cô có dụng ý khác, hôm ấy tôi đã đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi thấy Frank và Melissa tự giác ôm con thú bông yêu thích và lăn ra ngủ trưa( dù có chút mè nheo lúc đầu). Kat nói đến đêm chúng cũng như vây.

Tôi cảm thấy quá ghen tị với Kat vào lúc đó vì nếu là con trai tôi thì đừng hòng có chuyện đó.

Sau bữa trưa hôm đó, cô mới chia sẻ với tôi câu chuyện luyện ngủ cho con của mình.

Cô kể, chuyện ngủ nhà cô cũng khá là gian nan vì hai đứa bé mỗi đứa có một tính cách và biểu hiện khác nhau, vì vậy, cô phải lựa để giải quyết theo từng đặc tính riêng của mỗi con.

Frank có vẻ dễ tính hơn một chút, Kat nói, hồi trước, cô không quá vất vả với con đầu lòng vì bé dễ dàng tự ngủ mà không cần quá nhiều sự can thiệp của bố mẹ.

Còn với Melissa thì cũng là cả một nỗi gian nan vì bé quấn mẹ và thích mẹ vỗ về, bế ẵm nhiều hơn. Lúc đó cô cũng gặp một chút rắc rối vì đã quen với việc tự ngủ của Frank.

Tuy nhiên, sau một quá trình “rèn luyện” của mẹ, bé cũng dần đi vào khuân khổ và không cần quá nhiều sự dỗ dành mỗi đêm để có thể tự ru mình ngủ.

Kat đã truyền lại cho tôi một số bí kíp như sau mà tôi thấy khá hữu ích khi áp dụng với bé ở nhà:

Hãy để cho bé có cơ hội để tự trấn an và tự ngủ

Điều này nghe có vẻ hơi lạ lùng vì một đứa trẻ vài tháng tuổi sao có thể tự trấn an bản thân cơ chứ. Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe lời khuyên này.

Nhưng thật ra điều này cũng có lí của nó khi tôi áp dụng cho Tôm (bé nhà tôi) sau này.

Thông thường các mẹ thường thương con và khi con khóc thì thường chạy lại vỗ về và cứ ôm con ru ngủ mặc dù đứa trẻ đang quẫy đạp trên tay mình, nếu mẹ không ru được thì đến bố, đến bà.. điều này làm trẻ chẳng còn thời gian mà tự trấn an bản thân nữa vì đang mải làm nũng và hờn rồi.

Thật ra nếu mẹ có thể “dũng cảm” thử để con tự nằm ngủ và chỉ vỗ về vừa phải (dành nhiều thời gian vào những ngày đầu luyện tập và giảm dần vào những ngày tiếp theo), bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi bé tự nhắm mắt ngủ.

Riêng tôi, tôi sửng sốt và sung sướng hơn cả cảm giác khi biết mình đỗ đại học hồi trước khi con trai tôi tự ngủ sau một vài ngày thử nghiệm.

Hãy thiết lập một giờ cố định và một lịch trình đều đặn hàng ngày

Một điều rất quan trọng khi luyện cho bé tự ngủ, theo Kat nói, là việc tạo cho bé một thói quen hàng ngày mỗi khi bạn muốn bé đi vào giấc ngủ.

Giả dụ như nếu bạn muốn bé ngủ vào lúc 10 giờ tối mỗi ngày, thì cứ đến thời gian này, bạn hãy tắt đèn  (hoặc giảm tối đa ánh sáng ở nơi bé ngủ), đưa bé vào ngủ ở một nơi cố định (không nên nay ở phòng mẹ, mai ở phòng bé..) và bắt đầu ru bé nhè nhẹ.

Nếu bé có bất kì một thói quen nào đó lam bé buồn ngủ mà mẹ phát hiện ra, hãy áp dụng lúc này và áp dụng liên tục (ví dụ như  xoa đầu, ôm thú bông v.v.).

Dần dần bé sẽ nhận ra khi mẹ làm những điều trên vào giờ đó thì đấy là lúc bé nên đi ngủ.

Nên cho bé bú thật no trước khi đi ngủ

Nếu bạn muốn bé ngủ một giấc liền mạch từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau, hãy cho bé bú một cữ no trước giờ ngủ (trước khi áp dụng các cách ở trên).

Khi mới nghe lời khuyên này, tôi thấy quá bất khả thi vì đêm nào bé nhà tôi cũng dậy bú ít nhất là 3 lần. Thế nhưng kì lạ thay sau một vài lần áp dụng, bé ngủ thông đêm thật.

Một điều cuối cùng Katrin nói về việc luyện con ngủ là bạn phải thật kiên trì.

Bạn không nên quá nóng vội khi luyện ngủ cho con.

Nếu như đã áp dụng các phương pháp trên mà bé vẫn không thể tự ngủ, đừng quá lo lắng, vì có thể bé chưa thể quen ngay với việc luyện tập này. Bạn có thể thử lại sau 1 tuần, 1 tháng hay 2 tháng, đến khi nào bé thật sự sẵn sàng.

Bạn sẽ không thể tưởng tượng được tôi vui sướng thế nào khi luyện được cho con cách tự ngủ. Katrin đúng là một vị giáo sư thượng thừa về chăm sóc con mà nếu không có những lời khuyên của cô ấy, tôi  bây giờ vẫn còn giữ hình tượng gái một con với mái tóc xơ xác và đôi mắt thâm quầng.

Mẹ Đức đúng là tài thật!

 

Nguồn: Ngọc Nguyễn
Khám Phá




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC