Thưa anh! Tôi chỉ là một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, trong hơn 40 triệu phụ nữ Việt Nam mà mới đây anh đã có thư gửi tới, với những lời lẽ thật “chua chát”
Thưa anh! Tôi chỉ là một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, trong hơn 40 triệu phụ nữ Việt Nam mà mới đây anh đã có thư gửi tới, với những lời lẽ thật “chua chát”
Trước hết, tôi xin chúc mừng anh vì đã được lớn khôn trong một gia đình đậm chất Việt, trong vòng tay người mẹ Việt, dù đã xa quê hương rất nhiều năm.
Phải nói, tình yêu của anh dành cho mẹ thật lớn và những câu chuyện bà kể đã thấm đẫm con người anh, tâm hồn anh. Vì vậy, những hiện thực mà anh tiếp xúc trong 2 tuần tại Việt Nam khiến anh phải “xét lại” cũng là điều phù hợp.
Không nói đâu xa, chỉ cách đây hơn chục năm trước, hầu hết phụ nữ Việt Nam đều có mái tóc đen mượt nhờ gội đầu bằng bồ kết. Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi. Người phụ nữ đã bị các công việc trong gia đình và ngoài xã hội đã cuốn họ đi.
Đa phần trong số họ đã không có đủ thời gian để đun cho mình một nồi nước gội đầu với bồ kết, lá bưởi hương nhu… bởi ngoài 8h tại công sở như năm giới, họ còn biết bao bổn phận phải chăm lo.
Tôi cũng cảm nhận được ở nhà thái độ không đồng tình của anh đối với những mái tóc được nhuộm màu.
Thực tế, tôi thấy điều này chẳng có gì là “xấu xa” ở một người phụ nữ và chỉ nhìn vào màu tóc nhuộn để đánh giá họ là đua đòi, tôi e quá vội. Sắc màu luôn góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm phong phú, tươi mới. Và việc nhuộm tóc nhiều khi còn là “giải pháp” cho những phụ nữ trẻ có làn da chẳng được sáng, lại đi kèm với mái tóc quá “nhung huyền”. Nhuộm màu tóc giúp họ tự tin hơn, điều này có nên làm?. Vì vậy, tôi mong anh đừng đánh giá con người qua mái tóc, dù nó đã từng được coi là “góc con người”.
Phụ nữ Việt Nam bây giờ hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nét truyền thống.
Tôi cũng chẳng đồng tình với tẹo nào khi anh cho rằng, phụ nữ Việt Nam bây giờ quá hở hang, thích phô trương cơ thể cho thiên hạ ngắm hơn là thích chăm lo việc nhà.
Tạo hoá đã sinh ra đàn ông và cả phụ nữ nữa. 1/2 thế giới này thuộc về nữ giới. Vậy có quá đáng không khi chúng tôi cũng muốn được sống với sở thích, sống cho thân mình, ngoài những giờ phút chỉ biết chúi đầu vào bếp núc, phục vụ chồng con.
Nếu là một người chồng, liệu anh có tự hào không khi mà vợ anh là một người phụ nữ đảm đang, nhưng lúc nào cũng chỉ biết quanh quẩn nơi nhà bếp với những bộ quần áo giản dị đến phát thương.
Trong lá thư của anh, tôi nhận thấy anh không chỉ bất ngờ với sự thay đổi bên ngoài của các cô gái Việt, mà điều làm anh “choáng” nhất đó là nhiều cô gái đã không còn trinh trắng cho đến đêm tân hôn.
Với anh sự nguyên vẹn của một thứ vốn đã rất mong manh quan trọng vậy sao. Chính những con người mang nặng tư tưởng phong kiến như anh đã khiến xã hội ngày nay có thêm một dịch vụ nghe thật hài hước “vá màng trinh”.
Gần 30 năm sống trên mảnh đất của những cuộc cách mạng, của những điều tân tiến, chẳng nhẽ anh không hiểu được một điều có “cầu” ắt có “cung”.
Dưới góc độ của mình, tôi bỗng thấy thương cho những phụ nữ đã “dấn thân” vào những trò dối trá để làm vui cho những kẻ hẹp hòi. Nếu không có đàn ông sẽ chẳng có phụ nữ nào trở thành đàn bà. Anh nghĩ sao về điều này?
Và cũng khác với đàn ông, trong khi các anh chỉ cần “một cái chiếu” thì phụ nữ chúng tôi chỉ làm điều đó vì tình yêu, hay điều mà họ dại dột tin là tình yêu.
Tôi nhớ trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du từng viết: “Xưa nay trong đạo đàn bà. Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Anh thấy đấy, từ ngày xửa ngày xưa, các cụ nhà ta đã “tiên tiến” như thế rồi cơ mà. Lẽ nào anh lại cổ hủ hơn.
Khi viết ra những điều này, tôi không hề có ý “bênh” nhau, vì tôi biết rằng, trong số gần 50 triệu phụ nữ Việt, cũng đã có không ít người đã “vượt” quá xa cái khung rào mà xã hội có thể chấp nhận, nhưng đó chỉ là thiểu số.
Tôi cũng đồng ý rằng, chúng tôi cần phải hoàn thiện mình hơn nữa, nhưng đó là vì sự toàn cầu và vì sự phát triển của người phụ nữ, chứ không phải để nhận những mỹ từ phù phiếm.
Thanh Mai
Theo VTC New