Một nghiên cứu AOK đã chỉ ra rằng, tình trạng sức khỏe của trẻ em phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm và cách cư sử của cha mẹ chúng. Trong đó, con cái cần sống theo quy tắc của cha mẹ và cha mẹ cần có đủ thời gian rảnh rỗi dành cho chúng.
"Cha mẹ chính là chất xúc tác giúp con cái có một sức khỏe tốt" - Klaus Hurrelmann, trưởng nhóm nghiên cứu gia đình AOK tại Berlin cho biết. Gia đình nào có những nguyên tắc và nếp sống tốt được lặp lại mỗi ngày sẽ giúp cho con cái họ tránh stress tốt hơn - cả về mặt thể lực và trí lực. Tuy nhiên, trên thực tế không phải cha mẹ nào cũng biết cách thực hiện điều này.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng văn hóa gia đình đóng vai trò cơ bản trong sức khỏe tâm sinh lý của trẻ. Trong đó, các bữa ăn đông đủ cả gia đình rất quan trọng và giảm được nguy cơ béo phì. Đặc biệt là với bữa sáng - nếu không được duy trì đều đặn cùng gia đình, nguy cơ béo phì ở trẻ em sẽ tăng khoảng 1,6 lần.
Wolfgang Settertobulte thuộc Hội Nghiên cứu ứng dụng xã hội - tổ chức thực hiện nghiên cứu này, chia sẻ: "Các cặp cha mẹ đều biết nên làm gì cho con cái, nhưng họ lại thường xuyên phải chịu áp lực cao và khó đảm bảo được việc nuôi dạy con cái." Ngược lại, mức độ quan tâm quá mức với nhiều hoạt động bổ trợ trong suốt một ngày dành cho con cái cũng không phải là phương án tối ưu cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Điều quan trọng hơn nhiều nằm ở đời sống gia đình hạnh phúc.
Ngoài ra, hành vi cư sử của cha mẹ cũng ảnh hưởng tới trẻ với mức độ nhiều hơn so với tình trạng địa vị xã hội và tài chính. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sức khỏe của cha mẹ phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ. Áp lực về tâm lý và tài chính của cha mẹ sẽ tác động không tốt tới con cái.
Hương Vũ - ©tintucvietduc.de