Nhượng bộ - không có nghĩa là nhún nhường, nhu nhược, yếu thế hơn nên phải nhường mà ngược lại, kẻ mạnh nhất luôn luôn biết cách biến “nhượng bộ” trở thành một nghệ thuật, một tri thức, mà khi nhìn vào đó người ta thấy họ không những tài giỏi mà còn bao dung, cao thượng.
Trong xã hội ngày nay, con người không nhất thiết lúc nào cũng phải tranh chấp hơn – thua, được – mất, anh sống – tôi chết…
Bởi cho dù thế nào thì người giỏi nhất cũng chỉ có một, người chiến thắng cũng chỉ có một mà thôi.
Chỉ cần bạn có đủ lòng độ lượng và hơn hết là có năng lực, bạn có thể sẽ là người chiến thắng. Rõ ràng bạn nắm trong tay phần thắng nhưng bạn lại “đi trước một bước”, biết cách đánh giá tình hình mà thay đổi cục diện, nhượng bộ một bước, từ đó khiến cho mọi người càng phải kính nể.
Cuối thời nhà Thanh có một vị quan đại thần là Tả Tông Đường rất thích chơi cờ vây hơn nữa lại còn là một vị cao thủ.
Có một lần ông dẫn quân đi chinh chiến, trên đường đi gặp một ông lão ngồi bên cạnh một bàn cờ, đội chiếc mũ có thêu chữ “Thiên hạ đệ nhất cao thủ cờ vây”.
Tả Tông Đường thấy vậy cho rằng ông lão này thật ngông cuồng và quyết dạy cho ông ta một bài học. Ngài xuống ngựa, quyết tỷ thí với ông lão một phen. Đúng như dự đoán, Tả Tông Đường ba lần liên tục giành chiến thắng. Vì thắng được người tự xưng là “Thiên hạ đệ nhất cao thủ cờ vây” nên Tả Tông Đường rất vui vẻ, vô cùng tâm đắc, càng chứng tỏ được không ai có thể đánh bại mình.
Sau đó Tả Tông Đường được phái đi Tân Cương dẹp loạn, trong thời gian đó, ông liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng, từ đó đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ lãnh thổ. Trên đường trở về kinh đô, ngài lại gặp lại ông lão chơi cờ ngày trước. Trên đầu ông ta vẫn đội chiếc mũ “Thiên hạ đệ nhất cao thủ cờ vây”, thấy thế ngài lại quyết tâm phân thắng bại với ông lão. Nhưng không ngờ, lần này Tả Tông Đường lại liên tiếp thua ba ván khiến cho chính ngài cũng phải cảm thấy ngạc nhiên. Ngày thứ hai ngài quyết đến phục thù nhưng vẫn tiếp tục bại trận “tan tác”. Lần này thật sự Tả Tông Đường cảm thấy rất lạ lùng vì sao hai ngày vừa qua kết quả lại như vậy, chẳng lẽ chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà ông lão đã tiến bộ nhanh như vậy?
Ông lão cười nói:
“Mặc dù ngài chỉ mặc thường phục nhưng tôi biết ngài chính là Tả Công. Lần trước tôi biết ngài đang chuẩn bị dẫn quân đi dẹp loạn cho nên chính tôi đã nhường cho ngài thắng. Từ đó khiến ngài càng cảm thấy tự tin, càng kiên định, có ý chí quyết liệt để cống hiến cho quốc gia. Nhưng lần này ngài đã khải hoàn trở về, tôi chẳng có lí do gì để khách sáo nữa!”
Tả Tông Đường nghe xong liền ngẫm nghĩ một hồi lâu:
“Xem ra lần xuất quân dẹp loạn bình an thắng trận trở về này mình phải cảm ơn ba lần “bại trận” trên bàn cờ của ông lão, ngay cả chức quan, địa vị trong triều của mình cũng đều có sự quan tâm, ủng hộ và “nhượng bộ” của những người “biết khi nào cần phải thua”.
Trong cuộc sống và trong công việc, chúng ta thường thường hay phải nhượng bộ sếp, đồng nghiệp thậm chí là cả cấp dưới, ngoài ra còn có cha mẹ, anh chị em, con cái, đối thủ… Bạn nhượng bộ người ta không có nghĩa là bạn thất bại mà trái lại nhờ sự “thua trận” của bạn mà bạn có được sự bình an, các mối quan hệ hòa thuận, nếu làm được những điều này, bạn mới chính là người chiến thắng cuối cùng. Cổ nhân có câu: “Lùi một bước thấy trời cao biển rộng, lùi ba bước bình an hạnh phúc”.
Nguồn: Cafebiz.vn