Các tăng nhân tu hành ở chùa khi xưa, khi đã đạt đến một tầng thứ khá cao rồi, thì sư phụ của họ để họ đi vân du.

Đi vân du là gian khổ nhất, không nơi ăn chốn ở, không người phục vụ, giúp đỡ.

Họ phải đối diện với đói khát và nguy hiểm của thú dữ, rắn độc trong rừng sâu núi vắng. Họ cũng phải đối diện với nắng gắt, mưa dầm, rét buốt, tuyết sương. Họ còn phải đối diện với đủ hạng người, từ đầu trộm đuôi cướp, đến vô pháp vô thiên, vô thần vô đạo đức, bị xỉ vả nhục mạ, đánh đập hắt hủi, cướp đồ, trêu ghẹo, bỡn cợt. Nhưng cũng có những thử thách còn khó khăn hơn, khó vượt hơn, đến từ các đồng môn, các tăng nhân hòa thượng ở các chùa, viện mà họ muốn xin tá túc.

Theo truyền thống Thiền Nhật Bản ngày xưa, những tăng sĩ đi vân du khắp nơi, nếu muốn ngủ trọ qua đêm ở một ngôi chùa hay tịnh xá nào, đều phải thắng cuộc tranh luận tay đôi với vị sư trụ trì. Nếu không thắng được, vị du tăng đó phải đi, không được phép ở lại, dù chỉ một đêm.

Câu chuyện xảy ra tại một ngôi chùa cổ phía bắc Nhật Bản.

Trụ trì ngôi chùa đó là hai anh em, nhà sư anh rất thông thái, biện luận vô cùng thiện xảo, còn sư em lại ngớ ngẩn, lù khù và còn chột một mắt.

Một đêm nọ, có một vị du tăng đi ngang qua, muốn xin vào nghỉ tạm qua đêm. Nhà sư anh, quá mệt mỏi vì đã học hành suốt ngày, nên sai nhà sư em ra tiếp khách và tranh luận với vị du tăng theo truyền thống. Trước khi nhà sư em đi ra ngoài, sư anh dặn dò:

“Này, đệ phải tranh luận trong im lặng nhé. Đừng có nói, kẻo đấu không lại người ta đó”.

“Huynh yên tâm đi, để đó cho đệ!”

42 1 Vi Sao Nguoi Xua Day Im Lang La Vang

Độ một thời gian ngắn sau, vị du tăng xin gặp nhà sư anh, vái chào và xin ra đi. Ông ta đã bị khuất phục và hết sức tán thán tài hùng biện của nhà sư em.

Nhà sư anh nói:

“Trước khi đi, xin Ngài thuật lại cho tôi nghe cuộc tranh luận thế nào?”

“Rất hay, tuyệt” – vị du tăng trả lời:

“Này nhé, trước hết tôi giơ một ngón tay lên ý tượng trưng Đức Phật. Sư đệ của ngài đưa hai ngón tay lên có nghĩa là Đức Phật và Phật Pháp. Tôi lại đưa ba ngón tay lên có ý nói Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Sư đệ thông minh của ngài đưa nắm tay lên dứ vào mặt tôi có ý nói là cả ba (Tam Bảo) đều quy về một. Một là tất cả, tất cả là một. Tuyệt, tuyệt, sâu xa, sâu xa, Đại Thừa, lý rốt ráo Đại Thừa đấy. Tôi cam lòng bái phục! Bái phục! Tôi đêm nay có đói rét, không có ăn, không chỗ ngủ, tôi vẫn thấy rất vui. Xin cảm ơn hai ngài, tôi xin cáo từ”.

Vị du tăng ra đi, rất hể hả như đã học được một điều gì tuyệt diệu.

Lát sau, nhà sư em vào gặp anh, dáng điệu còn có vẻ bực bội vô cùng.

Vị sư anh nói: “Ta biết là đệ đã thắng cuộc tranh luận này”.

“Thắng cái gì, cái tên du tăng đó thật là thô lỗ hết sức, nếu đệ không nhớ lời sư huynh dặn bảo là phải cố gắng nhẫn nại, nhã nhặn và lễ độ với khách thì em đã cho hắn một bài học thích đáng rồi”.

“Sao, đệ thuật lại cho ta nghe sự việc như thế nào?”

“Này nhé, khi hắn ta vừa thấy em, hắn liền đưa một ngón tay lên có ý chế giễu em chột một mắt; em cố dằn cơn giận, đưa hai ngón tay lên khen là hắn có phước, đầy đủ hai con mắt. Thế mà hắn lại có ý trêu ngươi em nữa chứ, hắn đưa ba ngón tay lên, có ý nói là em và hắn ta, hai người nhưng chỉ có ba con mắt thôi. Em bực quá, giơ nắm đấm lên dứ vào mặt hắn có ý cho hắn biết là: “Này, vừa phải thôi nhé, kẻo ăn đấm đó”. Hắn chột dạ, có vẻ ngán nên vái chào rút lui có trật tự. Thiệt là tăng sĩ gì mà thô lỗ hết sức!”

Nhà sư anh trợn mắt, lắc đầu và ôm bụng lăn ra cười ngất.

***

Người xưa thường nói: “Nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí”, nghĩa là bậc nhân đức nhìn gì cũng thấy nhân, bậc trí tuệ nhìn gì cũng thấy trí.

Chúng ta có thể mở rộng thêm ý của câu cổ ngữ đó là “Minh giả kiến minh, ngu giả kiến ngu” (Người sáng suốt nhìn cái gì cũng thấy sáng suốt, rành mạch, kẻ ngu đần thấy cái gì cũng có cái ngu ngốc đáng cười). Cùng một sự vật hiện tượng, mỗi người với góc nhìn khác nhau, nhận thức khác nhau, cảnh giới khác nhau, và tầng thứ khác nhau mà có lĩnh hội, lý giải khác nhau.

Vị du tăng là bậc trí tuệ, nhìn cử chỉ của kẻ thất phu ngu muội, nhưng vẫn thấy chứa đựng những huyền diệu và trí tuệ cao siêu ở trong đó, khiến ông đắc được thêm thể ngộ, càng tăng tiến trí tuệ của bản thân, và càng khiêm nhường hơn. Cứ tu dưỡng như vậy hàng ngày, cuối cùng sẽ thành bậc đắc đạo, đại trí đại huệ.

Vị sư em là kẻ thất phu ngu dốt, nhìn các kiến thức cơ bản của Phật giáo lại hiểu thành bị du tăng chế nhạo, khinh nhờn, phỉ báng, lòng uất ức, sinh oán hận, chỉ thiếu chút là xảy ra thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

Vị sư anh là người sáng suốt thông tuệ, “biết người biết ta”. Ông biết các du tăng đều là các bậc tu hành có thành tựu, trí tuệ thông suốt, định lực nhẫn nại lớn, suy nghĩ sâu xa. Ông cũng biết sư em thất phu, dốt nát, lỗ mãng, nên chỉ cần dặn “không được nói, tranh luận trong im lặng”. Cuối cùng, ngôi chùa ông chủ trì, vẫn “chiến thắng” trong cuộc “tranh luận” với du tăng, lại khiến du tăng tâm phục khẩu phục, có thêm sở đắc, vui vẻ ra đi.

42 2 Vi Sao Nguoi Xua Day Im Lang La Vang“Không tranh” chiến thắng “hữu tranh”. Câu chuyện cũng cho thấy lời lẽ tranh biện chỉ làm vấn đề phức tạp, làm mọi chuyện xấu đi. (Ảnh: cont.ws)

Câu chuyện cũng cho thấy lời lẽ tranh biện chỉ làm vấn đề phức tạp, làm mọi chuyện xấu đi. Đó cũng là lý do mà các tăng nhân chân tu trong Phật giáo mỗi năm có mùa an tu kiết hạ kéo dài ba tháng để chuyên lo tu học và tinh tấn đạo nghiệp, trong đó họ tu khẩu, không nói năng gì.

Đây cũng chính là thể hiện của “Vô ngôn thắng hữu ngôn” (Không lời thắng có lời – ý tứ là, im lặng thắng lời nói).

Lão Tử cũng nói: “Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo”, nghĩa là: “Cho nên Thánh nhân dùng vô vi mà xử sự, dùng vô ngôn mà dạy dỗ”. Bậc Thánh nhân không mang một quan niệm cá nhân, chấp trước bản thân nào hành sự, có nghĩa là thuận theo Đạo mà hành sự. Bậc Thánh nhân im lặng mà giáo hóa, dùng hành vi, đức độ của bậc đắc Đạo, khiến những người xung quanh cảm động mà tự quy chính theo.

Chỉ bằng im lặng, đã tránh được cuộc ẩu đả, sư em học được Nhẫn, du tăng học được Trí, sư anh học được Minh, quả là nhất cử tứ đắc (một hành động thu được bốn lợi ích). Người phương Tây cũng nói “Im lặng là vàng”, quả thật không sai. Chúng ta cần học biết im lặng, lợi ích vô cùng.

 

Nguồn: DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC